Tạo động lực mới bằng trí tuệ nhân tạo

(ĐTTCO) - Trong những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như FPT, Bkav, Viettel, VNPT, CMC, Vingroup đã đầu tư mạnh mẽ, triển khai có hiệu quả trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, công nghệ số và nhất là AI đã phát triển nhanh chóng.
Tập đoàn Bkav sản xuất camera giám sát an ninh AI View xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Tập đoàn Bkav sản xuất camera giám sát an ninh AI View xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Đa dạng ứng dụng AI 
Tập đoàn công nghệ Bkav gia nhập ngành công nghiệp sản xuất camera và ra mắt thương hiệu mới - Camera giám sát an ninh AI View. Bkav là một trong những nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới tích hợp thành công AI vào camera giám sát an ninh với sự hợp tác của Tập đoàn công nghệ Qualcomm (Mỹ). Bkav cũng chính thức ra mắt phần mềm diệt virus Bkav 2020 ứng dụng thành công AI phát hiện mã độc không cần cập nhật mẫu nhận diện. Với công nghệ AI Scanner, Bkav 2020 có thể nhận diện hàng triệu mã độc mới xuất hiện mỗi ngày, đặc biệt là các dòng mã độc xóa dữ liệu, đào tiền ảo, phần mềm gián điệp lấy cắp thông tin tài khoản, mật khẩu…
Sau hơn 3 năm ra mắt, nền tảng FPT.AI đã triển khai dịch vụ thành công tới hàng trăm khách hàng doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực như viễn thông, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, hành chính công. Nền tảng này cung cấp sản phẩm giúp doanh nghiệp tự động hóa công tác nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả vận hành và chăm sóc khách hàng. 
Điểm vượt trội của FPT.AI là giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian tích hợp giải pháp AI vào quy trình vận hành và mang lại hiệu quả rõ rệt: doanh nghiệp không mất chi phí đầu tư ban đầu (được cung cấp theo hướng dịch vụ - SaaS); thời gian triển khai nhanh chóng (từ 1-3 tuần); đảm bảo hoạt động vận hành diễn ra liên tục, mọi lúc mọi nơi. Hệ sinh thái FPT.AI bao gồm các sản phẩm và dịch vụ như: nền tảng hội thoại tự động - Chatbot (FPT.AI Conversation); trợ lý ảo tổng đài (FPT.AI Virtual Agent for Call Center); giải pháp trích xuất thông tin hình ảnh và định danh khách hàng trực tuyến (FPT.AI Vision và FPT.AI eKYC); giải pháp tổng hợp và nhận dạng giọng nói tự động (FPT.AI Speech)…
Viettel, VNPT đã đầu tư lớn cho AI trong quản lý vận hành mạng viễn thông, nhất là sử dụng công nghệ AI để sàng lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác và chăm sóc khách hàng, được Bộ TT-TT và khách hàng đánh giá cao. Viettel, VNPT cũng đầu tư mạnh công nghệ AI vào xây dựng các hệ thống, nền tảng đô thị thông minh, trung tâm điều hành thông minh, các giải pháp bảo mật, chứng thực… hiện đang được triển khai cả nước.  
Dành sự quan tâm đầu tư vào công nghệ mới, Tập đoàn Vingroup cũng có những thành tựu nổi bật về AI. VinAI Research đã nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện khuôn mặt chính xác và ổn định khi sử dụng khẩu trang; trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công công nghệ này. Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn của Vingroup đang tiến hành thử nghiệm giải pháp phân tích hình ảnh y tế ứng dụng AI VinDr tại các bệnh viện lớn ở Việt Nam. VinDr có vai trò tham vấn hội chẩn khách quan, đảm bảo không bỏ sót những chi tiết nhỏ, giúp bác sĩ có đầy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định tốt nhất. 
Tập trung phát triển các khu vực AI có lợi thế 
Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp AI Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ cao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời đại số. Điều đặt ra là cần thiết phải định hướng phát triển công nghệ AI; xây dựng kế hoạch tăng cường AI để giải quyết một loạt thách thức kinh tế, quản trị và xã hội.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại và AI có thể là “động lực mới” để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua ứng dụng công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, AI sẽ được thúc đẩy thông qua quản trị và xã hội để cải thiện các dịch vụ và hệ thống, gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hệ thống tư pháp…
TS Trần Minh Tuấn, Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT), cho rằng, AI được coi là một công nghệ “người cầm lái” dẫn dắt năng suất quốc gia, mang tới cơ hội lớn cho mọi người, mọi tổ chức và mọi quốc gia. Với nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nghiên cứu, phát triển AI theo triết lý “AI cùng con người, AI vì nhân loại”, các nước đang tập trung những lĩnh vực lợi thế của AI để hoạch định chiến lược AI quốc gia. 
“Chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực AI tài năng, tăng cường phát triển các công nghệ AI lõi, triển khai công nghệ AI phục vụ cộng đồng, mở rộng hệ sinh thái AI thương mại và nâng cao đạo đức AI là những nội dung nổi bật trong chiến lược AI quốc gia của không chỉ các nước siêu cường kinh tế mà còn với các nước khác.
Phát huy lợi thế về ổn định chính trị, ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực AI tài năng dựa trên tiềm năng nhân lực về khoa học và lập trình, khai thác lợi thế kề cận một khu vực tiềm năng lợi ích từ AI lớn nhất thế giới, khắc phục hạn chế về thị trường AI nội địa còn nhỏ bé cần là một số giải pháp trong định hướng phát triển AI của Việt Nam”, TS Trần Minh Tuấn cho biết thêm.

Các tin khác