Tạo đột phá để bước vào kỷ nguyên vươn mình

(ĐTTCO) - Trong câu chuyện đầu năm dành cho Báo ĐTTC, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải tăng tốc, phải đột phá, phải tiếp tục đổi mới mới đạt được mục tiêu và khát vọng". 

PHÓNG VIÊN: - Thời điểm này khi nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2024 ông có cảm nghĩ gì?

TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN: - 2024 là năm có nhiều cảm xúc với bức tranh kinh tế có những mảng sáng tối đan xen. Ở những tháng đầu năm khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng tình hình kinh tế sáng dần lên theo từng tháng, từng quý. Từ cuối tháng 9 đã xuất hiện gam màu sáng trở thành chủ đạo. Đến cuối năm 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng.

Tỷ lệ xuất siêu và tăng trưởng xuất khẩu đều ở mức 2 con số. Tuy không cao so những năm trước, nhưng so với khu vực và bối cảnh chung của thế giới kết quả này đã cố gắng lớn. Điều này chứng tỏ chúng ta không chỉ giữ được thị trường, mà còn tăng được thị phần, mặc dù tình hình thế giới chưa ổn định.

Ong-Kien.jpg

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn, nhất là những doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ. Chúng ta ở cạnh thị trường Trung Quốc, một thị trường cực kỳ tiềm năng mà cả thế giới thèm khát, nhưng chúng ta lại chưa khai thác tốt. Trong điều hành vẫn băn khoăn giữa hỗ trợ DN lớn hay hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Đây là bài toán không phải của năm 2024, mà đã được đặt ra từ mấy năm trước nhưng chưa có được sự đồng thuận của xã hội. Ngay cả Chính phủ, tới 2024 mới xác định hỗ trợ DN lớn, những DN có sức lan tỏa, những DN làm trụ cột, các DN đầu chuỗi để kéo các DN khác phát triển.

Chúng ta đang gây khó khăn cho chúng ta bằng những quy trình, thủ tục, điều kiện vừa phức tạp, lại không hợp lý, được nhiều chuyên gia gọi là những “điểm nghẽn thể chế”.

Chúng ta đều nhận ra vấn đề, đã thực hiện cải thiện, cải cách, xóa bỏ rào cản và điểm nghẽn, nhưng hành động chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt. Tiền có, nhân lực có, nhưng vì ta tự làm khó ta mà nhiều dự án cứ kéo dài nhiều năm. Hiện tượng này kéo dài nhiều năm rồi, làm cho tốc độ phát triển của đất nước bị kìm hãm lại.

- Nhìn từ 2024 chúng ta kỳ vọng gì cho tương lai?

- 2024 là năm nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn vượt mục tiêu. Mục tiêu là xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500USD/năm), và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao (GDP bình quân đạt khoảng 13.000-15.000USD/người/năm).

Hiện tại, thu nhập bình quân mới đạt 4.800USD/người/năm. Để đạt mục tiêu 2045, thu nhập bình quân đầu người của ta phải tăng lên gấp 3. Muốn vậy, ngay từ giờ chúng ta phải phấn đấu để trong 20 năm tới tăng trưởng phải đạt ở mức 2 con số.

- Vậy làm thế nào để đạt được mục tiêu, để vươn mình đạt được khát vọng phồn vinh thịnh vượng, thưa ông?

- Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm, và hoàn toàn có cơ sở để làm được. Để đạt mục tiêu, phải thay đổi cách làm bằng cách tiếp tục đổi mới”. Đổi mới vào năm 1986, chúng ta chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa thành cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát huy tất cả các lực lượng sản xuất tham gia vào trong sản xuất, thay đổi nhận thức về kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân.

Chúng ta đã đạt được những kết quả tốt như hôm nay. Giờ đây, muốn phát triển nhanh để đạt khát vọng, cần tiếp tục đổi mới để làm rõ hơn định hướng XHCN, thực hiện mạnh mẽ hơn các đột phá chiến lược, tạo đột phá và lan tỏa, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, huy động được tất cả nguồn lực của đất nước.

Những đột phá đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực, nhưng phải có tư duy mới, cách làm mới. Trước hết phải đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới. Trong đó cần thay đổi cách làm luật để luật phù hợp với một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi. Việc ban hành luật, các quy định pháp lý sao cho vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới, nhất là đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới.

- Phải tạo được đột phá trong năm 2025 như thế nào?

- Năm 2025 là năm phải tăng tốc, bứt phá. Trước đây có những năm chúng ta ưu tiên ổn định vĩ mô, có lúc phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng để giữ vĩ mô ổn định. Nhưng nay chúng ta ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tập trung cao cho tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với Nhân dân”.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Phải xây dựng lực lượng DN Việt Nam vững mạnh, trong đó tập trung hình thành những tập đoàn kinh tế lớn, tạo sức lan tỏa, dẫn dắt các DN khác cùng phát triển… Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các tin khác