Tập trung cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong bối cảnh suy thoái như hiện nay, DNNVV là đối tượng cần được cứu, được hỗ trợ, bởi đây là khu vực chịu ảnh hưởng khủng hoảng nặng nề nhất. Đồng thời, tự thân các DNNVV cần thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng lợi nhuận kinh doanh.

Trong bối cảnh suy thoái như hiện nay, DNNVV là đối tượng cần được cứu, được hỗ trợ, bởi đây là khu vực chịu ảnh hưởng khủng hoảng nặng nề nhất. Đồng thời, tự thân các DNNVV cần thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng lợi nhuận kinh doanh.

Lấy lại niềm tin

Trong bối cảnh khó khăn, những vấn đề được liên tục đề cập trong thời gian qua là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là sắp xếp lại DNNN, ngân hàng mà chưa chú trọng đến khu vực tư nhân.

Thời gian qua, các giải pháp, phương thức giải cứu DN đều chỉ tập trung cho các DNNN, các tập đoàn kinh tế hơn là cứu DN tư nhân. Khi đề cập đến các DN này, đa số chỉ kêu gọi các DNNVV ở khu vực tư nhân phải tự cứu mình trước.

Nhưng với điều kiện như hiện nay làm sao DN có thể tự cứu? Điều này làm cho DN càng ngày càng thấy khó khăn chồng chất và mất niềm tin.

Cần lấy lại niềm tin cho DNNVV. Ảnh: CAO THĂNG

Cần lấy lại niềm tin cho DNNVV. Ảnh: CAO THĂNG

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ nợ xấu cho các DNNN và bất động sản nhưng tới đây nên chú trọng hỗ trợ các DNNVV giải quyết nợ xấu.

Dù các DNNVV cũng có những khoản nợ vay lớn, nhưng nếu so sánh thì quy mô nợ chia nhỏ cho hàng chục ngàn DNNVV cũng không lớn bằng khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng của các DNNN.

Trong khi đó, nếu khối DNNVV được hỗ trợ giải quyết nợ xấu sẽ giảm bớt áp lực hàng tồn kho, giải quyết được việc làm, góp phần vực dậy sự sụt giảm thu nhập của xã hội. Khi thu nhập được cải thiện, sức mua của thị trường sẽ có cơ hội hồi phục, các DN sẽ có vốn quay vòng để sản xuất.

Vì vậy, Chính phủ nên phân bổ lại nguồn lực, tập trung giải quyết nợ xấu cho khu vực DNNVV trước để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, kéo nền kinh tế đi lên.

Tính đến hết năm 2012, cả nước có hơn 50.000 DN đóng cửa, giải thể. Như vậy, trong 2 năm qua, tổng cộng đã có hơn 100.000 DN đóng cửa và giải thể. Nhìn vào con số này không thể nói đây hoạt động đào thải của thị trường thông thường, mà là một vấn đề bất thường và đáng báo động.

Như chúng ta đã biết, năng lực cạnh tranh của các DN trong nước trước nay đã rất yếu so với DN ở các quốc gia khác, nay lại càng yếu hơn khi nền kinh tế lâm bệnh.

Ngoài các DN đã giải thể, phá sản, những DN đang tồn tại cũng phải tiến hành thu hẹp quy mô sản xuất để trụ lại, chờ đợi khủng hoảng đi qua. Với diễn biến này, niềm tin của DN vào triển vọng hồi phục của nền kinh tế trong thời gian tới khá thấp, các DN không dám đầu tư, không dám vay tiền để kinh doanh mới.

Thay đổi tư duy

Bên cạnh sự hỗ trợ bằng các biện pháp nói trên, trong năm 2013, mức thuế thu nhập DN cũng nên sớm hạ xuống mức 20% để phù hợp với tình hình hoạt động của đông đảo DNNVV trong nước, tạo điều kiện cho DN có thể phục hồi sản xuất, tái đầu tư và phát triển.

Bởi nếu mức thuế là 25%, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, các DNNVV không còn hưởng được lợi nhuận gì từ hoạt động kinh doanh.

Để tháo gỡ khó khăn, khai thông thị trường, vực dậy nền sản xuất và sức tiêu thụ trong nước, các gói giải pháp hỗ trợ, kích cầu đã được triển khai nhưng khi thực hiện lại không đồng bộ, có giải pháp được đưa ra đúng nhưng lại không đúng với cam kết của các văn bản pháp luật nên không thực thi được, khiến các chính sách không thể đi vào thực tế để hỗ trợ DNNVV.

Những vấn đề này cần được nhìn nhận, giải quyết triệt để trong thời gian tới để các DNNVV lấy lại niềm tin và động lực nhằm vượt qua khủng hoảng.

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, hiện nay các DNNVV chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại do các DN vẫn mang tâm lý thích phát triển theo kiểu hoành tráng, khi nói mình sản xuất tivi, máy tính, điện thoại thì rất tự tin, nhưng lại xấu hổ khi nhận là đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm phụ trợ như ốc vít hay nệm xe ô tô.

Do mang tâm lý này, nhiều DNNVV không chú trọng đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ trong khi các tập đoàn đa quốc gia rất muốn hợp tác với các DNNVV để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Vì vậy, DNNVV cần thay đổi tư duy này để gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng, từng bước tham gia sâu vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.

Các tin khác