Hai ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội đều có yếu tố dịch tễ là từ Đà Nẵng về. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý nguy cơ lây nhiễm diện rộng rất cao bởi chủng virus hiện nay nguy hiểm hơn, khả năng lây nhiễm cao hơn.
Hà Nội: xác định cao điểm đến ngày 12-8
Trong văn bản chỉ đạo ngày 30-7, ông Nguyễn Đức Chung nêu rõ: "Thành phố quán triệt tinh thần không chủ quan, không lơ là, khẩn trương, nhanh chóng phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm. Vấn đề mấu chốt của phòng chống dịch COVID-19 là xác định, khoanh vùng, truy vết và xét nghiệm".
Vì vậy, ông Chung yêu cầu công tác chỉ đạo phải triển khai đồng bộ, thống nhất từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn và tới tổ dân phố, khu dân cư đến ngày 12-8.
Ông Chung cũng yêu cầu các quận, huyện thường xuyên cập nhật vị trí, địa điểm ở Đà Nẵng, Quảng Nam đã được Bộ Y tế khuyến cáo về dịch bệnh để người dân biết, chủ động, tự giác áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người và khi tham gia giao thông.
Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh, quán bar, nơi tập trung đông người trên địa bàn thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh, đo thân nhiệt, bố trí dung dịch sát khuẩn tay, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, đeo khẩu trang.
Ngay trong ngày 30-7, UBND quận Tây Hồ đã hoàn tất việc điều tra dịch tễ với ca nhiễm COVID-19 số 459 ở ngõ 466 Hoàng Hoa Thám và đã xác định được 18 người tiếp xúc gần thuộc diện F1, trong đó 10 trường hợp thuộc địa bàn quận Tây Hồ, 4 trường hợp tại Đà Nẵng, 2 trường hợp thuộc quận Ba Đình, 1 trường hợp thuộc huyện Đan Phượng, 1 trường hợp thuộc quận Hai Bà Trưng.
UBND quận Tây Hồ cho biết 10 trường hợp F1 trên địa bàn quận đã được lấy mẫu xét nghiệm, chuyển đi cách ly tập trung và thông báo đến các quận huyện khác về 8 trường hợp còn lại.
UBND quận Tây Hồ cũng cho biết đã phun khử khuẩn, đồng thời bố trí chốt trực tại ngõ 466 Hoàng Hoa Thám và xung quanh nơi ở của bệnh nhân, đảm bảo cách ly triệt để. Hiện quận Tây Hồ vẫn đang tiếp tục rà soát các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh 459.
Trước đó, ngay sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội, lực lượng phản ứng nhanh quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm đã khoanh vùng rà soát, cách ly tập trung 69 người tiếp xúc gần, phun khử trùng, kiểm soát tại nơi ở và nơi làm việc.
Đà Nẵng: thêm 800 người học cách truy vết
Để có lực lượng tại chỗ và chi viện lâu dài cho các tỉnh miền Trung trong thời gian tới, các cán bộ của viện đã tổ chức lớp tập huấn về "Cách truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19" và "Hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2" cho giảng viên của Trường ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng.
TS Lê Thị Thúy, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết các giảng viên này sẽ trở thành giảng viên nòng cốt để tập huấn cho các lực lượng trên toàn thành phố. Trong chiều 30-7, đã có 400 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và học viên Trường quân sự Quân khu 5, nơi đang tiếp nhận cách ly các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, được tập huấn về nội dung này.
"Sở Y tế đã thông báo với chúng tôi có hơn 750 nhân viên y tế, sinh viên y, dược tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố đăng ký tự nguyện tham gia công tác phòng chống dịch. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức hướng dẫn khi có yêu cầu" - TS Thúy nói.
Theo kế hoạch, sáng nay (31-7) tiếp tục tập huấn, bổ sung nhân lực gần 400 sinh viên của Trường ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng vào đội hình truy vết cũng như thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
Đại diện Sở Y tế Đà Nẵng cho biết những nhóm học việc, thực hành tay nghề sẽ được tăng cường để hỗ trợ y tế tại các khu cách ly tập trung. Riêng nhóm sinh viên y, dược sẽ được huy động đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 7 trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn để hỗ trợ công tác giám sát dịch tễ và cập nhật số liệu...
Quảng Ngãi: chủ động phong tỏa
Ngày 30-7, ông Hồ Minh Nên - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ngãi - cho biết toàn tỉnh đã truy vết được 187 trường hợp F1 và tổ chức đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Theo ông Nên, việc truy vết F1, F2 liên quan đến bệnh nhân 419 cùng những người từng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tại Đà Nẵng và có mặt ở các điểm mà Bộ Y tế công bố đang được tiếp tục thực hiện với sự tham gia của công an và ngành y tế.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện chốt chặn, kiểm tra thân nhiệt tại các cửa ngõ vào tỉnh này. Ngoài ra, Công an phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi (nơi bệnh nhân 419 sinh sống) ra thông báo tiếp nhận xử lý công việc qua Zalo. Người dân hạn chế đến trực tiếp tại công an phường, bởi có một cán bộ công an phường đi cùng chuyến xe với bệnh nhân 419 thuộc nhóm F1 đã được cách ly tập trung.
Trong ngày 30-7, việc phong tỏa tổ 9, phường Quảng Phú vẫn được thực hiện, người dân trong khu vực tuyệt đối không ra ngoài, khi cần mua nhu yếu phẩm sẽ được các đơn vị hỗ trợ.