Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đến cảng Wilhelmshaven để tiễn khinh hạm Bayern khởi hành trong chuyến hành trình kéo dài 7 tháng, sẽ đưa nó đến Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Một khinh hạm Bayern của Hải quân Đức. Ảnh: AFP
Bà Kramp-Karrenbauer cho biết: "Chúng tôi muốn luật pháp hiện hành được tôn trọng, các tuyến đường biển có thể đi lại tự do, các xã hội cởi mở được bảo vệ và thương mại tuân theo các quy tắc công bằng".
Reuters dẫn lời các quan chức ở Berlin cho biết, sứ mệnh này nhằm nhấn mạnh thực tế là Đức không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Đức đang trong giai đoạn thắt chặt giữa lợi ích an ninh và kinh tế, khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của nền kinh tế số 1 châu Âu.
Trước Đức, các quốc gia bao gồm Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia và New Zealand, gần đây cũng mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương, giữa bối cảnh ngày càng báo động về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Lịch trình của Hải quân Đức tại Biển Đông sẽ bám sát các tuyến đường thương mại chung, và dự kiến sẽ không đi qua eo biển Đài Loan - một hoạt động thường xuyên của Mỹ mà Trung Quốc lên án.
Nhằm thách thức các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động được gọi là "tự do hàng hải", trong đó các tàu của nước này sẵn sàng đi qua gần một số hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington đã đặt việc chống lại Trung Quốc vào trọng tâm của chính sách an ninh quốc gia và tìm cách tập hợp các đối tác chống lại những gì Mỹ cho là "các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng cưỡng ép" của Bắc Kinh.