Tàu vỏ thép và trách nhiệm ngân hàng?

(ĐTTCO) - Việc hàng loạt tàu đánh cá vỏ thép ở các tỉnh miền Trung bị hư hỏng chỉ sau vài chuyến đánh bắt là do không có tư vấn giám sát quá trình thi công con tàu.
Trước việc hàng loạt tàu đánh cá vỏ thép ở các tỉnh miền Trung bị hư hỏng chỉ sau vài chuyến đánh bắt, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản yêu cầu các địa phương thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.

Thực ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do không có tư vấn giám sát quá trình thi công con tàu. Ngư dân từ trước đến nay chỉ đóng tàu vỏ gỗ, không đủ trình độ xem bản vẽ thiết kế để biết được nhà máy có đóng đúng như bản vẽ đã ký kết trong hợp đồng không, rồi loại thép được đóng chất lượng ra sao, máy móc, trang thiết bị xuất xứ thế nào... Ngư dân chỉ biết so sánh giá nhà máy A với nhà máy B, chỗ nào rẻ hơn làm được mẫu tàu phù hợp là chọn.

Bên cạnh đó, có ngư dân tự giám sát nhưng không biết gì, nên mới xảy ra việc hợp đồng là thép Hàn Quốc nhưng nhà máy lại đóng bằng thép Trung Quốc không đảm bảo chất lượng, khiến vỏ tàu nhanh chóng gỉ sét, xuống cấp. Cũng có trường hợp ngư dân nghĩ đến phải thuê tư vấn giám sát; nhưng lo ngại tốn thêm tiền, trong khi ngân hàng cho vay dường như buông trách nhiệm trong việc này. Đơn cử tại tỉnh Bình Định hầu như toàn bộ tàu vỏ thép của ngư dân ở địa phương này qua kiểm tra đều không có tư vấn giám sát quá trình thi công.

Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ có hiệu lực và đi vào cuộc sống hơn 2 năm qua. Triển khai thực hiện, NHNN đã chỉ định 5 NHTM trích 14.000 tỷ đồng cho ngư dân vay, gồm Agribank 5.000 tỷ đồng, BIDV 3.000 tỷ đồng, VietinBank 3.000 tỷ đồng, MHB (khi chưa sáp nhập) 2.000 tỷ đồng và Vietcombank 1.000 tỷ đồng. Để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này, các NH đã tổ chức các tổ công tác trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn, đảm bảo người dân được vay trực tiếp tại NH, nhằm hạn chế tối đa việc vay vốn đóng tàu thông qua môi giới tín dụng.
Tàu vỏ thép và trách nhiệm ngân hàng? ảnh 1 Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định
đưa vào sử dụng vào tháng 8-2016 đã xuống cấp trầm trọng.
Và cũng nhằm hỗ trợ tối đa ngư dân, mới đây Bộ NN-PTNT còn đề nghị NHNN chỉ đạo các NHTM điều chỉnh thời hạn cho vay được hưởng lãi suất ưu đãi cho toàn bộ các chủ tàu tham gia chương trình lên 16 năm, thay vì chỉ 11 năm. Từ nguồn vốn này, đến nay đã có đã có 557 tàu cá đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động. Phần lớn tàu cá vỏ thép đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Có thể nói, chính sách này phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, tạo động lực phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống ngư dân và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Tuy nhiên, như phân tích trên, đã xuất hiện một số tàu vỏ thép không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho chủ tàu. Điều này đã chỉ ra lỗ hổng lớn trong công tác giám sát việc đóng tàu cho ngư dân. Thực tế, các NH khi cho ngư dân vay tiền đóng tàu vỏ thép đã xem xét thẩm định hồ sơ rất cẩn thận, đúng quy trình và quy định. Thậm chí đã có nhiều phản ứng cho rằng NH quá khắt khe nên ngư dân khó tiếp cận được vốn vay ưu đãi để đóng tàu.

Thế nhưng, các NH chỉ dừng lại ở việc thẩm định dự án khi cho vay, không tiếp tục giám sát quy trình đóng tàu tại các đơn vị nhận đóng tàu. Vì thế, để xảy ra tình trạng trên, các NH cũng không thể chối từ trách nhiệm. Điều này đặt ra vấn đề về sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn với NH để nâng cao chất lượng giám sát quá trình thi công đóng tàu thép. 

Bài học để mất vốn, hiệu quả không cao như chương trình đánh bắt xa bờ hơn 10 năm trước vẫn còn nóng hổi. Chương trình này triển khai năm 1997 đến năm 2005 đã giải ngân được 1.345 tỷ đồng tín dụng ưu đãi. Nhưng sau 7 năm mới thu hồi được 140 tỷ đồng. Trong số 1.382 tàu được đóng mới và cải hoán, công suất 90 CV trở lên, chỉ có 390 tàu hoạt động hiệu quả; tỷ lệ nợ quá hạn khó đòi trên 80%. Vốn đánh bắt xa bờ bị thất thoát từ khâu phân bổ, xét duyệt, thẩm định, đến thực hiện.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ đã có quyết sách hỗ trợ ngư dân rất đúng đắn, nhưng cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách, ngăn chặn tiêu cực trong cả trước, trong và sau khi hoàn thiện một con tàu. Việc cho vay một phương án kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ, ngoài việc NH mất vốn, cán bộ chịu các chế tài xử lý, ngư dân còn gánh chịu hậu quả nặng nề hơn khi phải gánh một khoản nợ lớn, trong khi tiềm lực tài chính khó khăn, không biết bao giờ mới hồi phục.

Cho ra đời những con tàu mà ra khơi xa chỉ cần bị đâm va là mất an toàn, có khi tính mạng ngư dân không đảm bảo, NH lại bị nợ xấu, tức đã làm hỏng cả một chương trình lớn của quốc gia. Lỗ hổng này cần sớm được bít lại, chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm các bên, đặc biệt là phía NH, để chủ chương hợp lòng dân và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả cao nhất.

Các tin khác