Có một cảm giác “déjà vu” trong tôi, như tôi đã từng đến nơi này rồi, và vào giây phút đó tôi biết mình sẽ yêu thích việc được sống ở Việt Nam.
Ngày đầu tiên của tôi ở TPHCM cũng là lần đầu tiên tôi biết đến kẹt xe ở thành phố này. Ngay khi tôi ngồi vào chiếc taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất, bác tài cảnh báo về tình trạng khóa đường ở nơi tôi định đến.
Khi đó, Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị cắt băng khánh thành đường Bến Chương Dương ở quận 1, và căn hộ tôi chuẩn bị vào ở nằm trong Central Garden trên đường Bến Chương Dương.
May mắn thay, lễ khánh thành hầu như đã kết thúc khi tôi đến gần căn hộ của mình, vì vậy tình trạng kẹt xe do khóa đường không kéo dài lâu. Tài xế chiếc taxi Mai Linh tôi đón từ sân bay là một trong những bác tài kiên nhẫn nhất mà tôi từng gặp trên thế giới.
Ngoài vài bài báo đọc trên National Geographic, những gì tôi biết về Việt Nam chủ yếu là những kiến thức chắp vá ở trường học, về Chiến tranh Việt Nam và sự khốc liệt của nó. Những hình ảnh công bố trên tạp chí Life về vụ thảm sát Mỹ Lai đã ăn sâu vào tâm trí tôi.
Vì vậy, tôi cứ ngỡ mình sẽ nhìn thấy một đất nước bị chiến tranh tàn phá và vẫn đang cố gắng xây dựng lại từ đống đổ nát sau chiến tranh. Nhưng không cần phải nói, suy nghĩ đó đã bay biến chỉ sau vài ngày tôi đến!
Trong những tháng sau đó, khi bắt đầu ổn định công việc, quen với thời tiết, ăn uống và đường phố đầy xe máy, tôi bắt đầu hiểu hơn về người Việt, bản chất, lối sống của họ, và quan trọng nhất là niềm tin mạnh mẽ của họ về truyền thống, phong tục, văn hóa và sự kết nối cực kỳ gần gũi của họ với gia đình.
Tôi đã thấy sợi dây gia đình gắn kết chặt chẽ một người Việt như thế nào, tất cả những nỗ lực, công việc và cuộc sống hàng ngày của họ đều là vì tình yêu gia đình của họ.
Điều này thực sự gây xúc động trong thẳm sâu tâm hồn tôi và trở thành nền tảng cho công việc và tất cả hoạt động của tôi khi sống ở Việt Nam.
Không nghi ngờ gì, tài sản lớn nhất của Việt Nam là con người. Cứ thử hỏi bất kỳ người nước ngoài điều gì họ quý mến nhất về Việt Nam, câu trả lời hầu như luôn luôn là người dân. Người Việt không giống với bất kỳ ai.
Cách nói năng nhẹ nhàng và cư xử lịch thiệp của họ là điều cần phải trải nghiệm chứ không chỉ viết về. Giá trị, ưu tiên và cảm xúc của họ nằm sâu trong cuộc sống gia đình, một thực tế mà nhiều quốc gia phương Tây rất cần noi theo.
Điều này trở nên rõ ràng với tôi khi ngay sau lễ Giáng sinh và năm mới, tôi đã thấy TPHCM bắt đầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Tôi rất ấn tượng trước quy mô của lễ hội này và ý nghĩa của nó đối với không chỉ Việt Nam mà còn rất nhiều quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Với những người Việt mà tôi từng nói chuyện, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian dành riêng cho việc sum họp với gia đình và bạn bè sau một năm làm việc vất vả. Đối với họ, về quê trong dịp Tết là một kỷ niệm sâu sắc.
Tết ở Việt Nam là một kỳ nghỉ dành cho gia đình, và do phần lớn cư dân thành phố đến làm việc và học tập từ các tỉnh lỵ và khu vực nông thôn trên khắp đất nước, nên trong suốt 3 tuần nghỉ Tết, thành phố như chậm lại với ít xe cộ hơn, nhiều cửa hàng đóng cửa và một bầu không khí hoàn toàn thư giãn.
Hoa tươi là một phần quan trọng trong ngày Tết, và lần đầu tiên tôi đến đường Nguyễn Huệ, quận 1 trong thời gian này, quả là một cảnh đẹp lạ thường! Gần như không thể tin được khi nhìn thấy cả một con phố được trang trí hoàn toàn bằng hoa tươi!
Trong 3 ngày đầu tiên khi “Đường hoa” mở cửa cho công chúng, sáng nào tôi cũng cầm máy ảnh để chụp những tiểu cảnh trang trí bằng hoa tươi. Thật thú vị khi biết rằng hoa đã được trồng và chăm sóc đặc biệt cả năm ở Đà Lạt, một thành phố nhỏ trên Tây nguyên Việt Nam, để dành riêng cho mùa Tết Nguyên đán.
Mặc dù chưa bao giờ ăn Tết với một gia đình người Việt, nhưng tôi đã sống những năm đầu tiên ở TPHCM trên tầng 3 của một ngôi nhà rộng ở quận Phú Nhuận. Các tầng bên dưới là nơi ở của một đại gia đình Việt Nam, gồm bà nội, cha, mẹ, người con trai và gia đình 4 người của anh, người con gái và gia đình 5 người của cô, cùng 2 con chó Chihuahua!
Tôi thích quan sát họ dọn dẹp và trang trí nhà cửa, nấu những món ăn độc đáo ngày Tết để ăn và phân phát cho người nghèo, và thậm chí họ cũng thường chơi bài với nhau vào mỗi buổi tối. Mỗi ngày họ mang đến cho tôi rất nhiều đồ ăn, nhưng tiếc là tôi ăn chay nên chỉ có thể nhận một vài món.
Bầu không khí lễ hội vui tươi đang tràn ngập khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán. Đối với một người nước ngoài sống ở Việt Nam, đây có thể là thời điểm cần thiết để lên kế hoạch tận dụng tốt nhất mọi thời gian rảnh rỗi trong dịp Tết, khi hầu hết các văn phòng đều đóng cửa và TPHCM ít nhiều chậm lại.