Tác dụng phụ khi tiêm vaccine
Tác dụng thường thấy khi tiêm vaccine là cảm giác khó chịu. Hầu hết người đã tiêm vaccine cúm đều biết đến cảm giác đau cánh tay từ 1-2 ngày, mệt mỏi, đau nhức thân thể hay nhức đầu. Vaccine có gây sốt hay không phụ thuộc vào nhóm tuổi và loại vaccine. Đối với thuốc chủng ngừa cúm, sốt có thể xảy ra ở 12% trẻ em 1-5 tuổi, ở 5% trẻ em 6-15 tuổi. Rất hiếm khi xảy ra các biến cố nghiêm trọng hơn với hậu quả lâu dài, hay tử vong sau khi tiêm vaccine. Điều này được biết đến và chấp nhận trong thực hành y tế và sức khỏe cộng đồng, vì giải pháp thay thế là tàn tật và tử vong do chính bệnh truyền nhiễm gây ra với số lượng và quy mô lớn hơn nhiều.
Trong số các tác dụng phụ nghiêm trọng do vaccine, tiêm vaccine sốt vàng da có thể gây viêm gan hoặc não cho 3 trong số 1 triệu người được tiêm chủng. Những người được chủng ngừa bệnh sốt vàng da ngày nay là những người du lịch đến Nam Mỹ và châu Phi cận Sahara, những người dân ở các quốc gia lưu hành bệnh này.
Sốt vàng da nghe có vẻ giống như căn bệnh kỳ lạ và nhân viên y tế có thể ngần ngại tiêm phòng cho những du khách có nguy cơ mắc các biến chứng do vaccine cao hơn. Nhưng điều hiếm khi được đánh giá cao là bệnh sốt vàng da từng lan rộng và tàn khốc hơn nhiều. Bệnh sốt vàng da do muỗi vằn Aedes aegypti lây lan như vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, không giống như sốt xuất huyết có tỷ lệ tử vong 1 trên 1.000, sốt vàng da vẫn có tỷ lệ tử vong 20-60% ở những người bị bệnh nặng.
Vì vậy, các cân nhắc về an toàn khi tiêm chủng phải tính đến mặt còn lại của phương trình. Bởi nếu không tiêm chủng, tác hại sẽ không lường được không chỉ với cá nhân còn cho cộng đồng xã hội và cả quốc gia. Chẳng hạn, bệnh bại liệt gây thành dịch khiến trẻ em và người lớn bị liệt vĩnh viễn, chỉ bằng cách tiêm vaccine mới có thể dừng lại. Vaccine ngừa bại liệt Sabin có thể uống được hiếm khi gây ra bệnh bại liệt do vaccine, với tỷ lệ 4 phần triệu. Bệnh bại liệt liên quan đến vaccine xảy ra với 400-500 người mỗi năm trên toàn thế giới, nhưng khi so sánh với 350.000 trường hợp bại liệt vào năm 1988 khi bắt đầu các nỗ lực loại trừ bệnh bại liệt, lợi ích rủi ro rõ ràng nghiêng về tiêm chủng.
Ẩn số rủi ro và động thái của Singapore
Hiện nhiều người ở Singapore đang rất băn khoăn việc tiêm vaccine do liên doanh Pfizer-BioNTech chế tạo có nguy hiểm, rủi ro hay bệnh tật phát sinh? Để giải tỏa ưu tư này, trong bài viết đăng trên nhật báo The Straits Times cách đây vài tuần, PGS. Lim Poh Lian, Trưởng phòng tiêm chủng và sức khỏe du khách tại Bệnh viện Tan Tock Seng, thành viên của Ủy ban chuyên gia của Bộ Y tế Singapore (MOH) về tiêm chủng ngừa Covid-19, đã định nghĩa an toàn là “việc tìm kiếm sự cân bằng có thể chấp nhận được giữa rủi ro và lợi ích, sau khi thực hiện thẩm định”.
Theo bà Lim, những thách thức thực sự về an toàn với vaccine ngừa Covid-19 là những ẩn số chưa biết đang được theo dõi, trong đó có những rủi ro hiếm gặp của vaccine như sốc phản vệ. Sốc phản vệ do vaccine cúm xảy ra với tỷ lệ 1,3 phần triệu. Sẽ cần tiêm chủng cho hơn 3 triệu người để tự tin phát hiện hoặc loại trừ sự hiện diện của 1 trường hợp bất lợi hiếm gặp như vậy. Không có thử nghiệm nghiên cứu nào có thể kiếm được 3 triệu người tham gia, vì vậy những sự kiện hiếm hoi như vậy phải được giám sát sau khi được các cơ quan quản lý cấp phép.
Giả sử vaccine Covid-19 có nguy cơ gây sốc phản vệ tương tự, nếu tiêm vaccine cho 5 triệu người ở Singapore, có thể thấy 5-10 trường hợp bị sốc phản vệ và ngành y tế phải chuẩn bị sẵn sàng. Đó là sự đánh đổi đi kèm với lợi ích lớn hơn nhiều của việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tiêm chủng. Tại Singapore, mức độ lây nhiễm cộng đồng đã giảm xuống/gần bằng 0 trong một khoảng thời gian. Như vậy, để giảm tải cho hệ thống chăm sóc y tế và đảm bảo an toàn qua giãn cách xã hội, việc tiêm vaccine cần nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Khi vaccine Covid-19 được triển khai cho hàng triệu người, ngành y tế Singapore phải nhanh chóng tích lũy đủ dữ liệu để xác định tỷ lệ cho các rủi ro tiêm chủng thậm chí hiếm gặp. Các loại vaccine cần có thời gian để tạo ra miễn dịch bảo vệ và hầu hết loại vaccine Covid-19 cho đến nay là vaccine 2 liều, được tiêm trong vòng 3-4 tuần. Bà Lim cho rằng nếu Singapore bị làn sóng Covid-19 thứ hai tấn công, hầu hết nguồn lực y tế và sức khỏe cộng đồng sẽ bị tiêu hao bởi dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, truy tìm đối tượng lây nhiễm và cách ly kiểm dịch. Mọi người có thể do dự đến tiêm chủng nếu có nguy cơ bị lây nhiễm trong những đám đông đang chờ tiêm chủng. Thách thức đặt ra, Singapore phải sử dụng vaccine Covid-19 một cách khôn ngoan và nếu chứng minh hiệu quả 95% trong thực tế, vaccine có thể trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với đại dịch Covid-19.
Dù sao cuộc chiến mới cũng mới bắt đầu và ngành y tế Singapore phải đảm bảo tất cả quy trình phải thông suốt và không có sai sót. Theo quy định của MOH, người được tiêm vaccine phải được xác minh danh tính hay có mắc bệnh từ trước hay không, có bị dị ứng hay không. Trước mắt, 40 nhân viên y tế của NCID đã được tiêm chủng vào ngày 30-12-2020. Họ sẽ được tiêm liều thứ 2 vào ngày 20-1-2021 và các nhân viên còn lại sẽ được tiêm dần dần. Cư dân Singapore từ 70 tuổi trở lên sẽ được tiêm từ tháng 2-2021, sau đó là công dân Singapore khác và người cư trú dài hạn. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, Singapore sẽ hoàn thành kế hoạch chủng ngừa Covid-19 cho công dân và người thường trú dài hạn vào cuối năm 2021.
Theo Bộ trưởng Gan Kim Yong, tiêm vaccine không đồng nghĩa với việc mở rộng cửa tự do và quên tất cả biện pháp giãn cách an toàn khác. Tuy nhiên, khi cả đảo quốc Sư tử được tiêm chủng và người dân được tiêm ngừa, chính phủ Singapore có thể có chính sách thông thoáng hơn và tiếp tục tiến tới việc trở lại trạng thái bình thường trong cộng đồng và hoạt động kinh tế. Đồng thời, các tuyến du lịch đến Singapore sẽ được mở lại để kết nối với tất cả các nước khác trên thế giới.