Thách thức bủa vây

(ĐTTCO)-Khu vực kinh tế tư nhân Thái Lan đang “cầu cứu” chính phủ mau chóng áp dụng các gói kích thích kinh tế để tiếp sức cho tăng trưởng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2019 giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này đang chậm lại.
Thách thức bủa vây
Theo Bangkok Post ngày 5-6, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan (TBA) Predee Daochai cho biết, Ủy ban hỗn hợp thường trực Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng (JSCCIB) của nước này sẽ đề nghị chính phủ triển khai gói kích thích kinh tế, nhất là các biện pháp khuyến khích về thuế, để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Theo ông Predee, việc đưa ra gói kích thích khẩn cấp là cần thiết, bởi vì việc giải ngân ngân sách trong năm tài khóa 2020 sẽ bị trì hoãn do tiến trình thành lập chính phủ mới.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan trong năm nay đang chịu áp lực từ sự leo thang của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước tác động của các yếu tố tiêu cực bên ngoài, tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong 4 tháng đầu năm đã bị thu hẹp còn 1,9%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 6% ở cùng thời điểm này năm 2018.

Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn trước mắt, Bloomberg cho rằng, về lâu dài, Thái Lan sẽ phải giải quyết các thách thức mang tính nền tảng: Năng suất lao động giảm, dân số già đi nhanh đang đẩy Thái Lan đến nguy cơ già trước khi giàu. Đầu tư suy giảm cũng cho thấy sức hấp dẫn của Thái Lan đang thấp hơn nhiều nước cùng nhóm. Tăng trưởng kinh tế cũng đang mắc kẹt quanh 3,1% từ đầu năm 2014 - không đủ kéo nước này ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Kể cả các thế mạnh của nền kinh tế này cũng đang phản tác dụng. Cán cân thanh toán thặng dư khiến đồng baht tăng giá, làm giảm lợi thế cạnh tranh hàng xuất khẩu của Thái Lan. Đồng baht năm nay đã tăng 2,9% so với USD, mạnh nhất trong nhóm đồng tiền châu Á. Đồng baht Thái Lan đã tăng khoảng 5% so với đồng USD trong 6 tháng qua và là mức tăng mạnh nhất so với các đồng tiền khác.

Báo cáo của Bloomberg cũng cho thấy, xuất khẩu của Thái Lan ghi nhận sự sụt giảm trong 2 tháng liên tiếp. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tăng lãi suất lên 1,75% vào tháng 12-2018, để duy trì chính sách ổn định và ngăn ngừa rủi ro trong lĩnh vực tài chính. 

Để tăng tốc cho nền kinh tế, các nhà kinh tế học cho rằng, Chính phủ Thái Lan cần đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng, không chỉ ở các thành phố lớn như Bangkok. Kể cả nếu Thái Lan chỉ khôi phục các dự án đang đình trệ, nhà đầu tư ngoại cũng sẽ tin rằng mọi thứ ở đây vẫn đang bình thường và dự án hành lang giao thông 54 tỷ USD dọc bờ biển phía Đông vẫn là ưu tiên. Thực hiện các dự án này sẽ vực dậy tổng chi cho đầu tư tại Thái Lan.

Con số này hiện vào khoảng 24% GDP, thấp hơn so với trung bình các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (29% GDP). Ngoài xây dựng, Chính phủ Thái Lan cũng phải cải thiện chất lượng giáo dục và chăm sóc y tế để đảm bảo người dân thực sự cảm thấy đang sống trong một xã hội trung lưu.

Dân số già cũng đang là rủi ro lớn với nền kinh tế này. Ngân hàng Trung ương Thái Lan trích số liệu từ WB cho biết, Thái Lan sẽ là nước đang phát triển đầu tiên trở thành nước có dân số già vào năm 2022. Khi đó, ít nhất 14% dân số nước này sẽ từ 65 tuổi trở lên.

Các tin khác