Đó là nội dung chính của diễn đàn “Phát triển bền vững Việt Nam 2018” do Bộ KH-ĐT tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong vòng 10 năm qua và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, chất lượng tăng trưởng đã từng bước được cải thiện, mô hình tăng trưởng đang chuyển đổi theo hướng giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực canh tranh đều được thăng hạng.
Và theo khảo sát của Trung tâm dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, khoảng 62% doanh nghiệp đánh giá tình hình quý I-2018 khả quan. Đây chính là bước đệm quan trọng để tăng trưởng kinh tế nói chung và phát triển DN nói riêng trong năm nay.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2017 thu nhập bình quân đầu người mới đạt 2.385USD. Đây là con số rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Theo kịch bản xây dựng đến năm 2035, Việt Nam phấn đấu vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập cao, phải đạt 10.000-12.000 USD/người. Mục tiêu là cao ở thời điểm hiện tại, nhưng nếu so với mặt bằng chung tại giai đoạn đó không cao.
Bởi lẽ, các quốc gia khác không chờ Việt Nam phát triển, mà họ cũng phát triển. Ngoài ra, cũng phải kể đến một số bất cập như năng suất lao động chưa cao, bất bình đẳng về thu nhập có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống người dân…
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kết nối 3 trụ cột nhằm phát triển nhanh và bền vững. Theo nhiều chuyên gia, trước tiên cần tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm, bao gồm tập trung tạo dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị; đồng thời đảo bảo công bằng và hòa nhập xã hội cũng như phát triển bền vững về môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Thí dụ, đối với nhóm giải pháp phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị, việc xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế; phát huy các cơ chế đặc thù ở TPHCM, Hà Nội, làm đầu tàu và tạo sự lan tỏa cho cải cách và phát triển, là chiến lược chúng ta có thể thực hiện ngay trong năm nay.
Tiếp đó, phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo với việc đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp và các định chế nghiên cứu và phát triển làm trung tâm, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
Cùng với đó thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực, cải tổ hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nghề… Và vấn đề quan trọng không kém là cần tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển theo cơ chế thị trường.
30 năm đổi mới đã làm thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống người dân được cải thiện và Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Còn trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để thoát “cái bẫy thu nhập trung bình” này. Trong bối cảnh này nếu không tìm ra động lực phát triển mới, Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế, đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra, đòi hỏi phải được hóa giải.