Thách thức trong vòng xoắn mục tiêu đạt được

(ĐTTCO) - Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra ngày 18-9, mọi dự báo đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt được mục tiêu 6,5%. 
Thách thức trong vòng xoắn mục tiêu đạt được
Nhưng mọi dự báo cũng đều lưu ý rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2022 cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, đặc biệt là những rủi ro bất ổn vĩ mô và tài chính đang hiện hữu toàn cầu, có thể tác động ngược đến khu vực kinh tế thực. ĐTTC ghi nhận lại ý kiến của các chuyên gia.
Những rủi ro hiện hữu
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), đã có một nghiên cứu về ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính. Theo đó đã phân tích và dự báo khá kỹ về những bất ổn ở khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại và khu vực tài chính. Những bất ổn ở khu vực kinh tế thực được chỉ ra là lạm phát vẫn có sức ép tăng cao, chi phí sản xuất tăng cao, cầu tiêu dùng yếu…
Từ đó một lượng lớn vốn của nền kinh tế không chảy vào sản xuất hay tiêu dùng, mà đổ vào đầu cơ tạo thêm bong bóng như  chứng khoán và bất động sản. 
Thách thức trong vòng xoắn mục tiêu đạt được ảnh 1  Tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành  (năm 2021). Nguồn: NEU
Ở khu vực kinh tế đối ngoại, GS. Chương cho biết khi cán cân vãng lai xấu đi, đồng USD trên thế giới đang tăng giá sẽ gây sức ép tới điều hành cũng như giữ ổn định tỷ giá. Dù dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt mức kỷ lục, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nếu tính theo tuần nhập khẩu và tính theo tỷ lệ với cung tiền M2, thì dự trữ ngoại hối Việt Nam chưa hẳn là vùng đệm quá an toàn cho ổn định tài chính tiền tệ. 
Ở khu vực tài chính tiền tệ, một số rủi ro bất ổn đã hiện hữu trong khu vực ngân hàng. Mức độ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đang bị đe dọa bởi sự suy giảm chất lượng tài sản và danh mục tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro từ năm 2020, kể từ khi có Covid-19. Đó là nợ xấu gia tăng có thể gây rủi ro cho hệ thống.
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp yếu, nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường, vì thế cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất khả năng thanh toán của khách hàng. Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo tương đối cao… 
Thách thức trong vòng xoắn mục tiêu đạt được ảnh 2 Nguồn: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổng hợp.
Với riêng thị trường chứng khoán cũng tồn tại những rủi ro bất ổn, khi số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tăng ở mức kỷ lục. Bởi trong đó hầu hết là người thiếu hiểu biết thị trường, không chuyên nghiệp và đầu tư theo phong trào, khiến tiềm ẩn nguy cơ thị trường đầu cơ, ngắn hạn. Khi dòng vốn không đi vào doanh nghiệp, đẩy định giá lên cao, có nguy cơ thao túng giá.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro cao do phát hành riêng lẻ là chủ yếu, lĩnh vực phát hành chủ yếu là bất động sản và xây dựng… Cho vay ký quỹ (margin) tăng mạnh gây nguy cơ tiềm ẩn rủi ro lớn cho các công ty chứng khoán nếu hoạt động quản trị rủi ro không tốt… Việc đầu tư này khiến rủi ro về “bong bóng”  ngày càng rõ rệt hơn, tác động đến tính ổn định của toàn thị trường.
Nỗi lo rủi ro liên thông
Tại diễn đàn, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết về nỗi lo gia tăng rủi ro liên thông giữa thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu) với hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và bất động sản. 
Minh chứng là thời gian gần đây phát sinh hiện tượng một số doanh nghiệp bất động sản, tập đoàn đa ngành mà bất động sản là một mảng kinh doanh chính, cùng các tổ chức có mối liên quan trực tiếp/gián tiếp tiến hành mua cổ phần, tham gia điều hành các định chế tài chính (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm).
Thách thức trong vòng xoắn mục tiêu đạt được ảnh 3 Biến động dòng tín dụng chảy vào phân khúc BĐS 2020-2021 (%). Nguồn: NEU – Báo cáo tài chính  của các công ty niêm yết.
Một nhóm cổ đông này có thể lách các quy định pháp luật về giới hạn sở hữu cổ phần tại TCTD và các quy định về giới hạn cấp tín dụng, từ đó lợi dụng quyền chi phối hoạt động của ngân hàng, “lách” các quy định an toàn, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ của TCTD để sử dụng nguồn vốn của ngân hàng cấp tín dụng cho các công ty con, công ty “sân sau” trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp bất động sản. 
Trong phiên thảo luận chuyên đề về ổn định vĩ mô, các chuyên gia cho rằng kinh tế vĩ mô cũng như hệ thống tài chính của Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn, khiến cho quá trình hồi phục kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn. Do vậy trong bối cảnh và điều kiện này, phải quyết liệt giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Theo đó, trong điều hành, giữa các bộ và giữa các chính sách cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế. Đồng thời củng cố lại hệ thống tài chính (HTTC), thúc đẩy thị trường vốn, tăng cường xử lý nợ xấu, tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các ngân hàng. 
“Bối cảnh kinh tế thế giới đang có những chuyển biến sâu sắc cùng tính bất định, bất trắc, bất thường gia tăng. Do vậy để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc cả nền kinh tế và HTTC vẫn là một công cuộc phải được tiếp tục thực thi không ngơi nghỉ. Nhưng với một nền kinh tế chuyển đổi và hội nhập sâu rộng như Việt Nam, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc khác nhau cũng như sự phát triển lành mạnh cùng bắt nhịp các xu hướng mới của cả HTTC vẫn là thách thức lớn" - TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đánh giá. 

Các tin khác