Những ngày đầu tháng 3, số ca nhiễm mới cả nước tăng vọt lên hơn 100.000 mỗi ngày, khiến những ai quan tâm đến tình hình Covid-19 cảm thấy ái ngại. Với tinh thần cảnh giác trước những biến chủng đã có tiền lệ của virus corona, một vài quốc gia đã có khuyến cáo đối với người dân khi thực hiện những chuyến lữ hành sau giãn cách. Cẩn thận phòng bệnh là tốt, nhưng lo lắng quá mức để có những hành vi cực đoan sẽ phản tác dụng cho sự phát triển chung của cộng đồng.
Mong muốn sớm khôi phục thị trường du lịch, ngành du lịch đề xuất du khách khi nhập cảnh cần kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh trong vòng 24 giờ trước khi xuất cảnh, hoặc phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ. Đây là yêu cầu hợp lý. Thế nhưng, ngành y tế lại đề nghị bổ sung điều kiện trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, du khách không nên rời khỏi nơi lưu trú, còn trong vòng 24 giờ đầu buộc phải ở lại nơi lưu trú.
Nếu muốn rời đi sau 24 giờ, du khách phải làm xét nghiệm hàng ngày, có kết quả âm tính. Khách không rời nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sẽ thực hiện xét nghiệm 2 lần (lần 1 trong ngày đầu nhập cảnh, lần 2 lấy mẫu trong ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh), nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính, hành khách có thể đi ra ngoài.
Ngoài ra, ngành y tế quy định, với trẻ dưới 12 tuổi, không bắt buộc phải có xác nhận đã tiêm vaccine trước khi vào Việt Nam để tham gia du lịch cùng người thân, nhưng cũng không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ đầu, sau đó nếu muốn ra ngoài phải xét nghiệm liên tục hàng ngày. Đồng thời, cũng quy định chặt chẽ hơn với người có nguy cơ cao, như từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền buộc phải hạn chế đi du lịch cho đến khi có khuyến cáo mới.
Mở cửa đón khách quốc tế trong bối cảnh bình thường mới là chiến lược quan trọng để kích hoạt kinh tế Việt Nam. Nói một cách thẳng thắn, khi và chỉ khi du khách quốc tế quay lại Việt Nam, mọi dịch vụ và nhân lực ngành du lịch mới có được sinh khí thịnh vượng. Tuy nhiên, nếu cứng nhắc đòi hỏi phải xét nghiệm, phải cách ly nghiêm ngặt, du khách quốc tế dù yêu thích cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam cũng không còn hứng thú chọn Việt Nam làm điểm đến nữa.
Phương án đón khách quốc tế ngành du lịch đưa ra lấy ý kiến, không nên soi rọi bằng sự ràng buộc vô lý. Chống dịch là cả quá trình nhận thức, được tiếp thu và được điều chỉnh sao cho phù hợp nhất. Dưới góc nhìn khoa học, các chuyên gia đã ủng hộ chuyển khái niệm Covid-19 là dịch bệnh (pandemic) sang loại bệnh đặc hữu (endemic), để rồi tiến tới chỉ là bệnh truyền nhiễm thông thường.
Thậm chí, nhiều người còn mạnh dạn bày tỏ quyết tâm cổ vũ Chính phủ công bố lệnh chấm dứt mọi hạn chế từ trước đến nay do Covid-19, đưa các hoạt động kinh tế xã hội trở lại như trước khi có dịch. Còn việc chữa bệnh "viêm đường hô hấp cấp tính" kia, là nhiệm vụ của ngành y tế.
Vì sao ngành y tế vẫn muốn quy định đối với du khách quốc tế “trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú”, và “trường hợp sau 24 giờ (kể từ khi nhập cảnh) muốn rời khỏi nơi lưu trú, hành khách cần phải xét nghiệm SAR-CoV-2 hàng ngày cho đến khi kết thúc 72 giờ”?
Đây là cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh” ư? E rằng không phải. Tại sao chúng ta nghĩ rằng người nước ngoài nhập cảnh sẽ làm lây lan dịch bệnh, mà lại không nghĩ rằng chính họ mới là đối tượng lo sợ bị lây nhiễm khi vào Việt Nam? Du khách quốc tế đã có thiện chí du lịch Việt Nam, chúng ta phải dùng thiện chí để đối đãi họ.
Một thống kê của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ khách nhập cảnh ngày 1-3 bị nhiễm Covid-19 chỉ chiếm 0,02% trong tổng số 98.743 ca nhiễm trên toàn quốc, tức lây nhiễm trong cộng đồng là chủ yếu. Chính phủ đã quyết tâm “mở cửa lại bầu trời” từ ngày 15-3, không hà cớ gì ngành y tế lại rụt rè một cách khó hiểu như vậy.
Ngành du lịch thế giới đang nỗ lực vực dậy sau 2 năm sụt giảm vì đại dịch toàn cầu. Rất nhiều ưu đãi được các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia... đưa ra đồng loạt để thu hút du khách quốc tế. Nếu Việt Nam cứ mở cửa ngập ngừng kiểu nửa vời bằng sự sợ hãi mơ hồ, thị phần du lịch Việt Nam sẽ bị hao hụt nghiêm trọng trên đà phục hồi kinh tế.
Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch cho biết: “Một số đoàn khách châu Âu của chúng tôi muốn đặt lại tour đến Việt Nam vào tháng 6 năm nay, sau nhiều lần hoãn hủy 2 năm qua, giờ chưa lấy được visa vì đơn giản Việt Nam chưa cấp lại visa du lịch. Nay lại thêm yêu cầu cách ly 72 tiếng của ngành y tế, sự phục hồi du lịch càng bị ảnh hưởng”.
Chuyển biến nhận thức về virus corona đang hướng người dân xem Covid-19 như một bệnh đặc hữu. Ai cũng muốn như vậy và ai cũng tin như vậy. Thái độ đối với du khách quốc tế không chỉ quyết định thành bại của ngành du lịch, còn thể hiện ý chí và nguyện vọng của đất nước trong bối cảnh bình thường mới. Nếu nhùng nhằng trống đánh xuôi kèn thổi ngược với điệp khúc “xét nghiệm” và “cách ly”, sự “thích ứng linh hoạt” lẫn sự “kiểm soát an toàn” cũng chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu.
Làm sao để đưa du khách quốc tế sớm trở lại Việt Nam? Hãy mở cửa một cách tự tin. Đó là sự chọn lựa khôn ngoan nhất hiện nay. Ngành du lịch và ngành y tế cùng đứng trên mục đích chung của xã hội bình thường mới, sẽ không có những yêu cầu kém thuyết phục nữa. Tại cuộc tọa đàm do Sở Du lịch TPHCM tổ chức, các chuyên gia đều khuyến khích tiếp đón du khách quốc tế thật nồng hậu và thật ấm áp.
Bởi lẽ, với những điều kiện khắt khe như ngành y tế đề xuất, việc mở cửa quốc tế là vô nghĩa, sẽ không có khách nào muốn đến Việt Nam. Cho nên, sau khi du khách quốc tế đã nhập cảnh vào Việt Nam, chúng ta sống thế nào họ cũng sống thế vậy, không phân biệt đối xử. Có kiên quyết thực hiện như thế mới mở cửa lại bầu trời, không thì thôi. Nếu mở cửa kiểu cho có vẻ mở cửa (nhưng đầy ổ khóa) chỉ làm khó, làm khổ thêm các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp hàng không.