Dù nhu cầu mua sắm những tháng cuối năm và dịp Tết cao hơn bình thường, nhưng do kinh tế khó khăn, sức mua chưa có nhiều biến chuyển nên các DN đang cân nhắc rất kỹ trong việc chuẩn bị hàng Tết.
Sản xuất dè dặt
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, đến thời điểm này, thị trường nội địa đã xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan khi hàng tồn kho đang trên đà giảm khoảng 14% so với 4 tháng trước. Trong tháng 10, chỉ số hàng tồn kho đã giảm chỉ còn hơn 20% trong khi tháng 6 vừa qua, chỉ số hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến cả nước ở mức gần 35%.
Dù vậy, các chuyên gia dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Những năm trước, vào thời điểm này, các DN thường đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch của năm. Nhưng năm nay, đã bước sang tháng 10 các DN vẫn sản xuất cầm chừng, tốc độ tăng trưởng của sản xuất thấp do khó khăn trong sản xuất kinh doanh vẫn còn rất nhiều, đặc biệt trong tiêu thụ sản phẩm và vốn.
Bà Nguyễn Thu Phương, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Dương, nhận xét chưa năm nào thị trường nhiều khó khăn như năm nay. Là một đơn vị phân phối, từ đầu năm, công ty đã nhập một lượng hàng lớn về kho nhưng do sức tiêu thụ kém nên việc phân phối rất chậm, các chủ cửa hàng, đại lý đặt mua rất ít. Hàng tồn kho khiến DN bị chôn vốn.
Ông Nguyễn Tiến Vị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, cho biết nguyên nhân khiến lượng hàng tồn kho trong tháng 10-2012 giảm so với tháng trước không phải do sức mua mà do một số ngành đã chủ động điều tiết sản xuất. Điều này cho thấy các DN đang thận trọng hơn trong việc sản xuất kinh doanh.
Các DN bình ổn giá sẽ giữ ổn định thị trường dịp tết. Ảnh: M. CHUNG |
Trước tình hình khó khăn của thị trường, các DN thận trọng hơn trong việc chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường tết 2013. Theo các DN, kế hoạch sản xuất cho thị trường tết không có gì thay đổi so với các tháng trước. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành Đạt, cho biết nếu các năm trước, vào những tháng cuối năm công ty thường tăng lượng hàng để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, thì năm nay lượng hàng sẽ không tăng hơn so với năm ngoái.
Hiện các DN không sợ thiếu hàng cuối năm như trước mà đang nơm nớp lo không bán được. Theo khảo sát, các đơn vị như Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, Nước giải khát Bidrico, Saigon Food cũng chỉ đưa ra chỉ tiêu sản xuất bằng năm 2011 chứ không tăng. CTCP Thực phẩm Việt Hương, chuyên cung cấp các sản phẩm giò, chả, nem chua… chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng.
CTCP Bánh kẹo Bibica đã chuẩn bị xong nguồn nguyên liệu đầu vào nhưng sẽ không sản xuất hàng loạt mà đưa hàng ra thị trường từng đợt, tùy theo sức mua mà điều chỉnh kế hoạch để hạn chế tồn kho. Theo các DN, dù nhu cầu mua sắm dịp tết sẽ tăng hơn thông thường nhưng kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn nên sẽ rủi ro cao nếu tăng lượng hàng. Thậm chí, một số đơn vị sản xuất thực phẩm còn cân nhắc giảm lượng hàng tết khoảng 20% so với năm ngoái.
Giảm giá vẫn khó bán
Nhìn vào phản ứng của thị trường thời gian qua, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc CTCP Saigon Food, cho biết trong bối cảnh hiện nay, các chương trình khuyến mại, giảm giá 5-10% không phát huy được tác dụng do người tiêu dùng đang gặp khó khăn về tài chính. Vì mặt hàng thực phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, cần tiêu thụ nhanh nên nhiều DN đã mạnh dạn giảm giá đến 50%.
Khi DN nào cũng dùng “chiêu” này thì thị trường lại bị bão hòa, người mua chỉ mua những sản phẩm thật sự cần thiết chứ không mua tràn lan. Do vậy, càng đua giảm giá mạnh, các DN càng chịu lỗ nặng và càng khó phục hồi.
Trước tình hình đó, Saigon Food phải mày mò nghiên cứu nhiều phương thức khác để bán được hàng. Chẳng hạn như giảm trọng lượng sản phẩm đóng gói, theo đó giá sản phẩm cũng giảm tương ứng để người tiêu dùng cảm thấy dễ lựa chọn hơn; hay giới thiệu một số sản phẩm mới để kích thích sự tò mò, đổi vị cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù doanh số có tăng lên nhưng lợi nhuận gần như không có. Hiện nay, do sức mua kém nên thị trường đang hình thành một cuộc đua giảm giá liên tục giữa các DN.
Trong cuộc đua đó, DN phải chịu nhiều sức ép, đã giảm giá đợt này phải thực hiện tiếp đợt khác, nếu không khuyến mại, sản lượng tiêu thụ hàng tháng của các công ty có thể giảm đến 40%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty Nhựa Chí Thành, cho rằng khuyến mại, giảm giá chỉ là biện pháp tình thế để đẩy hàng tồn, giữ thị phần. Bởi vì dù sức mua yếu nhưng nguyên liệu đầu vào vẫn liên tục tăng giá. Do đó, các DN chỉ có thể khuyến mại một thời gian ngắn, nếu kéo dài sẽ bào mòn sức lực tài chính của DN.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng hiện nay, lượng hàng tồn kho của các DN tại TPHCM đã giảm được 10-15% so với những tháng trước. Tuy nhiên, hàng tồn kho vẫn đang chiếm hơn 50% vốn của DN. Hơn nữa, nguồn vốn tín dụng đang thu hẹp nên các DN không có vốn để đầu tư vào các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất. Vì vậy, một số DN có đơn hàng trong nước lẫn xuất khẩu nhưng lại không có nguồn nguyên liệu sản xuất.
Những năm trước, đến thời điểm này các DN trong nước đã rầm rộ chuẩn bị hàng tết, nhưng hiện nay các DN sản xuất bánh, mứt, kẹo vẫn chưa khởi động. Với tình trạng này, các mặt hàng này sẽ giảm khoảng 15% so với năm trước và giá có thể tăng lên.