Trong hành trình phát triển theo hướng đa ngành, điểm chung cả 2 ông lớn này đang phải đương đầu, là giải quyết câu chuyện nợ vay ngân hàng, với số tiền tương đối lớn.
Vận đen chưa buông
Hơn 25 năm đi vào hoạt động, trải qua bao thăng trầm, hiện nay 2 doanh nghiệp trên đã rẽ nhiều lối khác nhau. Sau khi đưa ra chiến lược tái cấu trúc toàn diện vào năm 2013, HAG bước sang trang mới với mũi nhọn là nông nghiệp (chủ yếu tập trung trồng trọt tại Lào và Campuchia). Kết quả được thể hiện ngay trong năm 2013, khi các sản phẩm từ mía đường và cao su xuất hiện, rồi năm 2014 có thêm bắp và khép lại năm 2015 với nguồn thu chủ lực từ bán bò. Lợi nhuận của HAG dần khôi phục, ghi nhận trở lại con số hơn ngàn tỷ đồng trong năm 2014. Song, con đường HAG đang đi thực tế chưa bao giờ bằng phẳng.
Dù giá CP HAG đã rơi vào xu hướng đi xuống trong nửa năm qua, nhưng trong tháng 11 vừa qua ông Đoàn Nguyên Đức buộc phải bán 23 triệu CP HAG để dùng làm tài sản đảm bảo hỗ trợ HAGL tái cơ cấu nợ vay. Trong khi đó, với DLG (sở hữu 4 dự án BOT khu vực Tây nguyên), dù không biến động nhiều nhưng giá CP DLG đang rất thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành. Hiện DLG chỉ dao động quanh vùng giá 4.000 đồng/CP. |
Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2015 của HAG, kiểm toán viên đã lưu ý đến khả năng hoạt động liên tục của HAG, khi hàng loạt khoản vay đang vi phạm cam kết, áp lực nhiều khoản vay sắp đáo hạn.
Hiện nay, hoạt động và chiến lược kinh doanh cũng như định hướng phát triển trong 3 năm tới của HAG phải chờ đợi quyết định tái cơ cấu nợ.
Hiện nay, hoạt động và chiến lược kinh doanh cũng như định hướng phát triển trong 3 năm tới của HAG phải chờ đợi quyết định tái cơ cấu nợ.
Đã có lúc 10 chủ nợ của HAG đồng loạt trình phương án giải cứu lên Ngân hàng Nhà nước. Bước rẽ ngang qua ngành nông nghiệp của HAG đã không thuận lợi như những gì ông Đoàn Nguyên Đức kỳ vọng. Kết quả kinh doanh mảng nông nghiệp của HAG phát đi tín hiệu đáng lo ngại khi cao su gần đây báo lãi không nhiều, còn tương lai mía đường không thấy tươi sáng. Ông Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ: “Vấn đề của chúng tôi không phải là tiền mà là thanh khoản, doanh nghiệp đang có tổng tài sản rất lớn, hơn 65.000 tỷ đồng. Vấn đề trước mắt là tìm cách tạo thanh khoản, không thể để doanh nghiệp chết trên đống tài sản”.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT DLG.
Còn với DLG, doanh nghiệp này có một quyết định bất ngờ đối với mảng ngành nghề truyền thống là kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Theo đó, DLG chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai (vốn điều lệ 35 tỷ đồng) cho Bamboo Capital (BCG) từ quý II-2015, dù doanh thu mang lại hàng năm từ mảng này đều chiếm tỷ trọng cao. Theo bản cáo bạch 2015, việc mất dần lợi thế về nguồn nguyên vật liệu do chính sách đóng cửa rừng của Chính phủ, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh ngành gỗ của DLG.
Trước kết quả kinh doanh nhiều năm không mấy khả quan, DLG đã tái cấu trúc tập đoàn từ năm 2014, chỉ tập trung 3 ngành mũi nhọn là nông nghiệp, năng lượng và hạ tầng. Tuy nhiên, đến năm 2015 DLG lại bổ sung thêm ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, và tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 vừa qua DLG chính thức bổ sung bất động sản vào chiến lược tái cấu trúc.
DLG lấn sân sang đầu tư hạ tầng giao thông thu phí khu vực Tây Nguyên.
Phân tán nguồn lực vì mơ mộng
Như một “bản sao” của HAG tại khu vực Tây nguyên, trồng bắp bắt đầu mang lại nguồn thu từ năm 2014 cho DLG với doanh thu hơn 60 tỷ đồng và lợi nhuận 42 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DLG còn đặt tham vọng lấn sân sang chăn nuôi bò sữa và bò thịt. Dự kiến quy mô của dự án lên đến 80.000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai nuôi từ quý I-2015 tại 3 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Tuy nhiên, đến nay đàn bò của DLG vẫn chưa thấy về trang trại.
Trong lĩnh vực hạ tầng, DLG chủ yếu tham gia theo hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hoặc BT (xây dựng - chuyển giao). Cụ thể, đơn vị đã thi công nhiều đoạn tuyến trên Quốc lộ 14, đi qua các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai… Lĩnh vực này đã góp phần rất lớn cho việc DLG hồi sức. Hiện công ty tham gia các dự án lớn tại khu vực Tây nguyên, trên các tuyến đường nối các tỉnh này với TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hồi giữa năm 2015, những phản ánh từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông, cho thấy DLG thi công chậm tiến độ và chất lượng chưa đảm bảo nhất trong số các nhà thầu đang làm tại dự án nâng cấp Quốc lộ 14 qua Đắk Nông. Sau đó, dự án đã được hoàn thành và đi vào thu phí BOT từ tháng 10 và 11-2015.
Mới đây nhất, DLG tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực linh kiện điện tử. Sau khi phát hành thêm để hoán đổi CP, DLG đã sở hữu gần 98% cổ phần tại Mass Noble (công ty của Hoa Kỳ chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm như các loại đèn LED cao cấp dùng cho nội thất, ôtô, đường phố, màn hình LCD...). Việc phát triển nhiều ngành nghề đã khiến nguồn lực DLG bị phân tán. Tập đoàn sử dụng đến 85% nguồn vốn từ ngân hàng cho các dự án hạ tầng và dự kiến phát hành 219 triệu CP cho cổ đông để bổ sung vốn đầu tư. Việc vay vốn nhiều khiến chi phí lãi vay DLG phải gánh rất lớn.
DLG cũng vừa công bố với cổ đông chiến lược về việc ưu tiên hàng đầu cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong năm 2017. Theo lãnh đạo DLG, công ty sẽ hướng tới phân khúc căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, nhà thu nhập thấp tại TPHCM; khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch ven biển. Tại TPHCM, DLG tiến hành đầu tư 5 dự án bất động sản dành cho phân khúc trung bình khá. Hiện DLG đã khởi công 3 dự án gồm Đức Long Golden Land (quận 7), Đức Long New Land (quận 8) vả Đức Long Westernpark (quận Bình Tân), với tổng quy mô 2.500 căn hộ, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.