Theo đó, để chủ động tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13-7 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với người mắc bạch hầu
Đồng thời, khẩn trương rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng; lấy mẫu, xét nghiệm xác định các trường hợp mắc bệnh và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly y tế, xử lý ổ dịch và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần.
Các cơ sở y tế trên địa bàn đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Cùng với đó, rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm bù, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Dịch bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, dễ lây lan từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị; tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
Đặc biệt, Sở Y tế Thanh Hóa rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các hoạt động phòng chống dịch; trường hợp cần thiết, huy động nhân lực, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch.
Đối với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đề nghị theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu.
Trước đó, ngày 11-8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát sau khi tại địa phương này ghi nhận 3 ca mắc bạch hầu, gồm: một thai phụ, một trẻ em 10 tuổi và một cụ bà 74 tuổi.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp.
Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận, có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng.