Chấp nhận những đau đớn nhất định
Tình hình hiện tại đã rất khác so với thời điểm lập kế hoạch năm 2021 và 5 năm 2021-2025, khi những kịch bản đã xây dựng đều không lường được việc dịch bệnh bùng phát và diễn biến quá phức tạp hiện nay.
Nhìn vào số liệu thống kê, dự kiến quý III các tỉnh Đông Nam bộ (đang chiếm 50% GDP cả nước), có thể tăng trưởng âm hoặc không có tăng trưởng. Do giãn cách xã hội, một số địa phương có tới 90-95% doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động.
Tình hình nghiêm trọng đến mức ngay cả nếu mở cửa trở lại trong quý III, kinh tế cũng không thể phục hồi nhanh chóng vì tác động đã rất trầm trọng, trong khi dịch bệnh chưa kiểm soát được hoàn toàn. Tăng trưởng GDP cả năm có thể chỉ 3-4%, thậm chí có nguy cơ thấp hơn.
Cần thiết kế một chương trình sâu rộng và dài hơi để phấn đấu hoàn thành được mục tiêu đã đề ra cho kế hoạch 5 năm tới; không để đất nước tụt hậu trong bối cảnh thế giới đang thay đổi hết sức mạnh mẽ và toàn diện. |
Trong bối cảnh đó, với tất cả tác động đã được đề cập lâu nay, nếu không có chương trình thúc đẩy đúng tầm mức, quá trình phục hồi kinh tế sẽ rất chậm và có phần đau đớn. Đã đến lúc phải coi cả 2 mục tiêu kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế có tầm quan trọng như nhau. Tất nhiên, phải kiểm soát được dịch các hoạt động kinh tế mới quay trở lại được, nhưng thúc đẩy tăng trưởng cũng là bổ sung cho điều kiện chống dịch.
Thẳng thắn mà nói, vừa qua một số địa phương đã “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, quá chú trọng kiểm soát dịch bệnh (nhiều biện pháp cũng không thực sự hiệu quả). Lãnh đạo nhiều địa phương đã không quan tâm đến sinh kế bức xúc cũng như không thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân, DN, thậm chí còn tạo thêm những phiền hà rắc rối không đáng có qua những chỉ đạo thiếu rõ ràng mạch lạc, những chính sách bất hợp lý, không khả thi.
Cần chương trình phục hồi 3 năm, 4 trụ cột
Câu hỏi đặt ra là chương trình phục hồi đó sẽ như thế nào. Nếu vẫn chỉ là những “gói hỗ trợ” riêng lẻ với quy mô khiêm tốn như hiện nay sẽ không hiệu quả.
Đây phải là chương trình ở tầm quốc gia, có thể xem là sự thay đổi hoặc sự bổ sung thay thế nội dung quan trọng của chương trình phát triển kinh tế 5 năm đã xây dựng. Chương trình phải được quán triệt thông suốt ở tất cả cơ quan lãnh đạo và điều hành, từ Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; thống nhất những mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng trong thời hạn 3 năm.
Mục tiêu có thể giữ nguyên như đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng - chúng ta chưa có đủ dữ liệu và nghiên cứu cần thiết để điều chỉnh mục tiêu, nhưng những biện pháp và giải pháp phải mạnh mẽ, khác biệt hơn nhiều so với những gì đã hoạch định và đang thực hiện.
Cần thành lập Ủy ban Phục hồi và phát triển kinh tế. Đây không phải là “tổ công tác” để giải quyết những bức xúc trước mắt, mà bao gồm các thành viên có đủ thẩm quyền của Đảng và Quốc hội, có nhiệm vụ đề xuất xây dựng luật và những chính sách cần thiết, |
Thứ 1 - và quan trọng hơn cả - là mở cửa lại nền kinh tế, không chỉ nội địa, mà cả với bên ngoài, đầu tiên là những dịch vụ thiết yếu hàng ngày. Tất nhiên mở dần một cách cẩn trọng trên cơ sở tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trước mắt, phục hồi sản xuất của các DN trong khu công nghiệp - khu vực đóng góp nhiều cho xuất khẩu. Muốn vậy phải thay đổi tư duy ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện để luân chuyển hàng hóa thông suốt, dễ dàng.
Cùng với đó mạnh dạn giảm, hoặc miễn hẳn tất cả loại phí trong hoạt động luân chuyển này, miễn luôn đến năm 2023 hoặc 2024, không nên lắt nhắt 6 tháng hay 9 tháng. Chương trình này gắn với lộ trình phủ vaccine, nhưng lộ trình này không nên kéo dài quá 6 tháng.
Thứ 2, tiếp tục phát triển hạ tầng cơ sở, cả hạ tầng truyền thống và hạ tầng kinh tế số nhằm nâng cao khả năng kết nối, thông thương. Việc này gắn với thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án đã có trong quy hoạch, đã được chấp thuận thông qua phải tập trung vốn và năng lực xây dựng để triển khai ngay, như sân bay Long Thành, đầu tư kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (cả đường bộ và đường thủy): các đường vành đai 3-4, đường cao tốc kết nối TPHCM với Tây Ninh, Đà Lạt, Bình Phước đến Tây Nam bộ; Bà Rịa - Vũng Tàu ra Ninh Thuận. Đồng thời xây dựng 2 trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia ở Vũng Tàu và Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đây là những việc làm ngay được, nhưng phải chấp nhận tăng bội chi ngân sách. Và như thế không thể thiếu vai trò quyết định, giám sát của Quốc hội. Đáng lưu ý là hạ tầng số. Sự lúng túng trong vận dụng hạ tầng số vào công tác phòng chống dịch bệnh vừa qua, cho thấy các nền tảng số của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Cần mở cửa dần nền kinh tế một cách cẩn trọng trên cơ sở tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Thứ 3, hỗ trợ DN phục hồi và khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề mới, lĩnh vực mới. Hỗ trợ đầu tiên là thanh khoản (vốn). Ngân hàng Nhà nước cần thống nhất với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ vốn lãi suất thấp hơn đối với DN những vùng bị tác động mạnh; đồng thời có chương trình cơ cấu lại nợ dài hơi hơn so với chương trình trước đây. Việc hỗ trợ DN thông qua chính sách thuế, thúc đẩy tiêu dùng cần xem xét miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Về giảm thuế thu nhập DN, hiện phần lớn DN không có thu nhập để được hưởng, nên khi DN đã hồi phục phần nào, có thu nhập trở lại bước tiếp theo mới là miễn, giảm thuế này. Những giải pháp này vượt ra ngoài thẩm quyền của Chính phủ, đòi hỏi sự vào cuộc của Quốc hội để điều chỉnh khung khổ pháp luật hiện hành.
Muốn vậy, theo tôi cần thành lập Ủy ban Phục hồi và phát triển kinh tế. Đây không phải là “tổ công tác” để giải quyết những bức xúc trước mắt, mà bao gồm các thành viên có đủ thẩm quyền của Đảng và Quốc hội, có nhiệm vụ đề xuất xây dựng luật và những chính sách cần thiết, tạo ra sự thay đổi thể chế vượt trội để thúc đẩy phát triển các nhân tố mới, không chỉ “cơi nới” cái hiện hành. Từ đó, phải thiết kế cho được chương trình sâu rộng và dài hơi mới có thể hy vọng hoàn thành được mục tiêu đã đề ra cho kế hoạch 5 năm tới; không để đất nước tụt hậu trong bối cảnh thế giới đang thay đổi hết sức mạnh mẽ và toàn diện.
Thứ 4, như đã nói rất nhiều lần và vẫn luôn đúng, là cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Ngoài những cản ngại thông thường, thách thức lớn đối với môi trường kinh doanh hiện nay chính là những mệnh lệnh hành chính bất hợp lý, dù với mục tiêu phòng chống dịch.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng ứng dụng công nghệ số khá tốt để đảm bảo lưu thông an toàn, đồng thời giải thích rõ ràng, minh bạch về khả năng xử lý dịch bệnh, nghĩa là chia sẻ để người dân thông cảm. Trong khi đó, ở một số nơi người dân và DN than phiền họ bị xoay như chong chóng, không cách gì tổ chức sản xuất kinh doanh được, với những quyết định hành chính kiểu “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng”…