Giá phòng khách sạn tại Amsterdam giống như các thành phố Zurich (Thụy Sĩ), Venice (Italy) và London (Anh), thuộc vào hàng đắt đỏ nhất châu Âu. Nhưng xét về thuế lưu trú, không có thành phố nào mạnh tay bằng Amsterdam.
Trong năm 2023, du khách ghé thăm Amsterdam và ở lại qua đêm, ngoài tiền phòng, họ phải chịu 2 mức thuế: 7% thuế địa phương (tính theo giá phòng) và thuế lưu trú là 3 EUR/người/đêm. Dù có 2 người ở chung một phòng, thuế địa phương vẫn là 7%, thuế lưu trú là 6 EUR. Khoản thuế này được trả thêm khi khách thanh toán tiền phòng.
Với quy định mới, từ đầu năm 2024, thuế lưu trú sẽ tăng thêm 6,55 EUR/người/đêm. Các tuyến du lịch bằng thuyền cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thuế lưu trú áp dụng cho du khách ở lại trên thuyền, nhưng cập bến cảng của thành phố cũng sẽ tăng từ 8 EUR lên 11 EUR/người/ngày.
Với chính sách này, chính quyền TP Amsterdam muốn có đủ phương tiện tài chính để thực hiện các mục tiêu đề ra: hạn chế tối đa các tác động không mong muốn của du lịch đại trà.
Bà Hester van Buren, Phó Thị trưởng Amsterdam phụ trách về các vấn đề tài chính, cho biết, nguồn doanh thu đến từ hàng triệu du khách sẽ được dùng để mướn thêm nhân viên vệ sinh làm sạch đường phố, cũng như thêm nhân viên an ninh để giải quyết các vấn đề cấp bách, duy trì trật tự tại trung tâm và các khu vực lân cận.
Sau khi đạt kỷ lục với hơn 20 triệu du khách (trong khi dân số chưa đến 1 triệu người) cách đây 3 năm, dường như Amsterdam không còn muốn thấy kịch bản này tái diễn. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, chính quyền thành phố đã thử nghiệm nhiều sáng kiến, kể cả lập quota về số đêm lưu trú, các tụ điểm giải trí vui chơi dành cho du khách được chuyển đổi thành cơ sở văn hóa, hay nhà ở dành cho dân địa phương…
Bên cạnh đó, Amsterdam cũng đã tăng cường một số biện pháp “răn đe”. Thành phố cởi mở, hiếu khách đối với những ai đến Amsterdam để tham quan và du lịch văn hóa, nhưng “cứng rắn” với du khách nào đến Amsterdam chỉ với mục đích nhậu nhẹt, tiệc tùng.
Amsterdam cũng đã hạn chế các chuyến tàu du lịch đi vào trung tâm thành phố. Không giống Venice, chính quyền TP Amsterdam đã thông qua quyết định đóng cửa một bến tàu du lịch lớn, nhằm khôi phục lại phần nào không khí yên tĩnh cho thành phần cư dân sống ở các dãy phố trung tâm. Riêng về dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn theo kiểu Airbnb, chính quyền TP Amsterdam áp dụng mức thuế địa phương cố định là 10%, thay vì 7% như trong ngành dịch vụ khách sạn.
Nếu như các tổ chức chuyên về phát triển bền vững cho rằng các quy định mới của Amsterdam là bước đi đúng hướng để đạt tới mục tiêu du lịch có trách nhiệm, thì Hiệp hội Du lịch châu Âu tỏ ra thận trọng, dè dặt hơn.
Mức tăng thuế lưu trú của chính quyền TP Amsterdam không có gì mới, nhưng việc tăng thuế liên tục khiến cho các công ty hoạt động trong ngành du lịch thêm lo ngại, nhất là trong thời buổi lạm phát. Việc tăng thuế cần có thêm thời hạn để các công ty thích nghi, điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Tăng thuế liên tục trong một thời gian ngắn khiến cho nhiều công ty du lịch lâm vào cảnh thất thu, thiếu hụt tài chính.