Theo đánh giá của Sở TN-MT TPHCM, Chỉ thị 19 không chỉ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân để khắc phục thói quen xả rác tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường mà còn là cuộc tập dượt cần thiết để thành phố giải quyết các yếu kém trong quản lý đô thị.
Đổi thay
Ghi nhận thực tế những nơi từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở một số quận huyện trước đây cho thấy cảnh quan, kênh rạch... đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Những bãi rác tự phát, bốc mùi hôi thối đã được thay bằng những vườn hoa nhỏ xanh tươi, thành chỗ vui chơi cho trẻ em, thể dục cho mọi người.
Như kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã xanh, sạch hơn rất nhiều, hay dự án cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh chống ngập và dự án ngăn triều, giảm ngập 10.000 tỷ đồng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ về đích...
Đặc biệt là người dân đã tỏ ra hài lòng hơn với môi trường sống hiện tại và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị để chung tay cùng thành phố xây dựng một đô thị sinh thái, thông minh.
Chị Lê Thị Mai (sống ở hẻm số 4 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4) kể, con hẻm trước đây có một bãi rác tự phát rất lớn, mọi người vô tư xả rác, rác để lâu ùn ứ bốc mùi hôi khó chịu, đến nay đã có sự chuyển biến hoàn toàn. Một vườn hoa nhỏ sạch đẹp đã được xây dựng, mọi người rất phấn khởi.
Chị Mai cũng hy vọng thành phố tiếp tục quyết tâm hơn nữa trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường để người dân có được không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe. Ghi nhận tại rạch Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh) cũng cho thấy, nếu như trước đây con rạch này chỉ là nơi đổ rác thải sinh hoạt của nhiều người (rác xả đầy ra kênh, ngập gầm nhà người dân, là nơi cư ngụ của chuột, bọ, ruồi, muỗi ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân) thì nay đã khang trang và xanh sạch hơn rất nhiều. Sau khi rạch được thành phố cải tạo nâng cấp, cuộc sống của người dân đã bước sang một trang mới.
Cô Nguyễn Thị Hồng (sống ven kênh) phấn khởi chia sẻ, có nằm mơ cô cũng không nghĩ là khu vực này được cải thiện, chuyển hóa như thế này. Còn nhớ trước đây khi mùa mưa về, mọi người lại lo lắng, sống chung với rác rến, ruồi bọ khi nước ngập tràn vào nhà.
Cùng đó, để xử lý khoảng 9.000 tấn rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày, thành phố hiện đang đầu tư chuyển đổi công nghệ các nhà máy xử lý rác hiện hữu bằng công nghệ tiên tiến hơn (đốt rác kết hợp phát điện) nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý lượng rác sinh hoạt ngày một tăng cao.
Như nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bằng công nghệ đốt phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Vietstar; nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; nhà máy xử lý CTRSH đốt phát điện 500 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Tasco (Củ Chi).
Đồng thời công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước cũng đang được Công ty VWS nghiên cứu điều chỉnh giảm tỷ lệ thông qua việc xây dựng đề án chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện với công suất dự kiến khoảng 2.000 tấn/ngày.
UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành tập trung thực hiện hình thức hợp tác công tư PPP (triển khai loại hợp đồng BLT), tổ chức đấu thầu để tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án xử lý CTRSH công suất xử lý khoảng 2.000 tấn/ngày cho thành phố trong tương lai. Hướng đến năm 2025 đáp ứng chỉ tiêu 80% công nghệ xử lý rác sinh hoạt tiên tiến, chôn lấp giảm tối đa còn 20%. Bên cạnh đó, loại hình xử lý chất thải rắn công nghiệp - chất thải nguy hại cũng được thành phố định hướng thúc đẩy đầu tư, cụ thể đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày của Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu, bổ sung quy mô xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại cho Công ty CP Môi trường Tasco với công suất khoảng 620 tấn/ngày. Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý loại chất thải này trên địa bàn thành phố trong tương lai. |
Đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin lĩnh vực môi trường
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, trong giai đoạn 2020-2025, TPHCM đã đặt ra các mục tiêu: 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường và có hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát; 100% doanh nghiệp sản xuất phát sinh ô nhiễm có xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn; 20% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.
Ngoài ra, về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thành phố phấn đấu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn thành phố được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai.
Để đạt được các mục tiêu này, TPHCM đẩy mạnh các giải pháp như tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho từng bộ phận, công chức, viên chức.
Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý từ cấp thành phố đến cấp quận huyện; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên - môi trường nhằm phục vụ hiệu quả cho việc quản lý, khai thác, sử dụng.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên môi trường biển đảo; cấp phép khai thác tài nguyên, xả nước thải và quản lý, kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên môi trường biển đảo.
Triển khai thực hiện các hạng mục của dự án Xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ngành tài nguyên - môi trường; dự án Hệ thống kiểm soát và giám sát phương tiện vận chuyển chất thải rắn tại TPHCM và dự án Xây dựng cổng dịch vụ và cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên - môi trường.
Sở cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và đăng ký danh mục đầu tư công 2 dự án thuộc đề án đô thị thông minh theo chỉ đạo của UBND TPHCM gồm: dự án Nâng cao năng lực quản lý và xây dựng hệ thống chuyển đổi số kho lưu trữ cho Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố và dự án Hệ thống liên thông xử lý thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Cùng đó là tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; kiểm tra sau cấp phép đối với hoạt động khoáng sản, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, đặc biệt là lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Chú trọng kêu gọi, tạo cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn xã hội hóa của các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư; đồng thời có kế hoạch phân bổ ngân sách để đầu tư cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo Sở TN-MT TPHCM, trong thực hiện Chỉ thị số 19 đã đạt được những kết quả quan trọng: Có 100% phường xã, thị trấn tổ chức đối thoại với người dân (7.324 cuộc đối thoại cấp quận huyện và phường xã, thị trấn, đã vận động được 2.018.837/2.143.290 hộ dân (tỷ lệ 94,2%) ký bản cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân bằng nhiều phương thức linh hoạt, đa dạng. Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 20.793/20.876 ý kiến phản ánh của người dân (đạt tỷ lệ 99,3%). Ngoài ra, thành phố cũng đã lắp đặt được 37.400 thùng rác công cộng; chuyển hóa 797/824 điểm ô nhiễm môi trường về rác thải (đạt tỷ lệ 96,7%); tiến hành khảo sát và lắp đặt 31.320 camera an ninh trật tự kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị khu dân cư; xét và công nhận 90 khu phố - ấp đạt danh hiệu “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, 21 phường xã, thị trấn đạt danh hiệu “Phường xã, thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch”; 47 công trình, giải pháp, sáng kiến đạt danh hiệu “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh”. |