Mô hình chưa có tiền lệ
Trước đó, TPHCM đề xuất thành lập đơn vị hành chính mới trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Theo UBND TPHCM, việc sắp xếp này là phù hợp với Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và phù hợp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019… Đồng thời việc sắp xếp còn phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ tiền lương mới.
TS Nguyễn Thành Nam, Học viện Cán bộ TPHCM, phân tích, về cấp hành chính thì TP Thủ Đức trực thuộc TPHCM, tương tự TP Dĩ An hay TP Thuận An trực thuộc tỉnh Bình Dương. “Lập một thành phố bên trong thành phố (trực thuộc trung ương) là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, với quy mô dân số, vai trò của TPHCM đối với cả nước hiện nay, thành lập TP Thủ Đức để nơi này trở thành “đầu kéo bên trong đầu kéo” là rất cần thiết”, TS Nguyễn Thành Nam nói thêm.
Vẫn theo TS Nguyễn Thành Nam, TP Thủ Đức là một cấp hành chính tương đương với các quận huyện khác của TPHCM. Tuy nhiên, TP Thủ Đức có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế của TPHCM, từ đó đóng góp cho vùng, cho cả nước. Do đó, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của bộ máy lãnh đạo cùng TP Thủ Đức không dừng ở tầm UBND quận huyện. Yêu cầu này đòi hỏi TP Thủ Đức phải có cơ cấu tổ chức cũng như mô hình chính quyền đô thị đủ thẩm quyền để điều phối và ra quyết định.
“Chủ tịch UBND TP Thủ Đức phải có đủ thẩm quyền phê duyệt các dự án, được chủ động thực hiện các công việc, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh để Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế TPHCM, của vùng và cả nước”, TS Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Sản xuất thiết bị đọc mã vạch tại Công ty TNHH Datalogis Scanning Việt Nam trong Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Cơ hội cho TPHCM bứt phá
Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức được thành lập từ năm 1997, trên cơ sở tách ra từ huyện Thủ Đức. Theo UBND TPHCM, trải qua 20 năm xây dựng, đến nay cơ cấu kinh tế của khu vực đã chuyển dịch đúng định hướng và phát triển nhanh theo hướng tăng đầu tư, phát triển ngành thương mại, dịch vụ. Kinh tế của khu vực tăng trưởng gấp nhiều lần so với trước.
Đặc biệt, khu vực nằm ở cửa ngõ chiến lược của TPHCM, giáp với sân bay quốc tế Long Thành và là vùng lõi của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nơi đây sở hữu những thế mạnh nổi trội, khi có Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia TPHCM, khu cảng Cát Lái… cùng những dự án, công trình sẽ được đầu tư, hình thành như Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm, Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, Khu công nghệ sinh thái Tam Đa, Khu đô thị tương lai Trường Thọ.
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhận xét, việc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức sẽ là cơ hội thúc đẩy quá trình phát triển của TPHCM.
Theo đó, khi sáp nhập bộ máy sẽ tinh gọn, giúp quá trình điều hành, ra quyết định được nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời TP sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để xây dựng một khu vực phát triển đô thị gắn liền với kinh tế tri thức và công nghệ nhằm phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và vùng. Ngoài ra, khi TP Thủ Đức được thành lập sẽ có điều kiện kết hợp, phát triển các ngành công nghiệp tri thức có giá trị cao; tạo ra những sản phẩm giá trị, mang lại lợi ích lớn hơn cho bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, để cụ thể hóa, TPHCM sẽ phải thực hiện rất nhiều công việc như: sắp xếp, bộ máy tổ chức, con người; quy hoạch, thực hiện quy hoạch cùng sự đột phá về chính sách kèm theo.
Việc sáp nhập 3 quận để thành lập TP Thủ Đức, theo UBND TP là để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tối đa các nguồn lực và thế mạnh, đồng bộ với mục tiêu xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập sẽ rộng hơn 21.000ha và có hơn 1 triệu dân, tức chiếm khoảng 1/10 diện tích, 1/10 dân số toàn TPHCM. Theo tính toán, TP Thủ Đức khi hình thành sẽ đóng góp 1/3 kinh tế cho TPHCM, tức khoảng 7% GDP của cả nước. Như vậy, quy mô kinh tế của TP Thủ Đức này sẽ lớn hơn Đồng Nai, Bình Dương và chỉ sau TPHCM và Hà Nội. |
- TS HUỲNH THẾ DU,Đại học Fulbright Việt Nam:Xem là đặc khu để tạo cú hích cho cả nước Việc thành lập TP Thủ Đức không chỉ tốt cho TPHCM mà còn tốt cho cả nước, vì qua đó góp phần giải quyết được vấn đề có tính chiến lược của Việt Nam. Đó là tạo ra làn sóng tăng trưởng mới dựa vào đổi mới sáng tạo, từ đó giúp tăng tính cạnh tranh giữa các quốc gia (mà thực chất là giữa các siêu đô thị). Nghĩa là, Việt Nam muốn cạnh tranh với các nước bên ngoài thì địa chỉ cụ thể phải là TPHCM hoặc Hà Nội. TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức, với diện tích 21.000ha, bằng một nửa so với kế hoạch phát triển phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) vào đầu thập niên 1990. Phố Đông sau 3 thập niên đã trở thành niềm tự hào và một nhân tố nền tảng tạo dựng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc. Quy mô GDP năm 2019 của Phố Đông gần 185 tỷ USD, bằng 50% Singapore, 70% Việt Nam và gấp hơn 3 lần TPHCM. Nhưng để đạt được như hiện nay, Phố Đông đã được đưa vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia (gồm 4 cấu phần chính: trung tâm tài chính thương mại, khu công nghệ cao, khu chế xuất và khu thương mại tự do). Từ đó cho thấy, lập TP Thủ Đức mang ý nghĩa chiến lược đối với phát triển của cả nước, tạo làn sóng tăng trưởng mới cho Việt Nam trong tương lai. Do đó, việc phát triển TP Thủ Đức cần phải xem là vấn đề chung của cả nước và để chính quyền TP Thủ Đức vận hành hiệu quả thì phải vận hành theo một mô hình đặc khu. - Ông TRẤN VIỆT TRUNG,67 tuổi, người dân quận 2:Mong TP Thủ Đức sớm thành hiện thực Tôi rất mừng khi được tin Trung ương đã chấp thuận chủ trương thành lập TP Thủ Đức và mong sớm thực hiện. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là chất lượng đời sống của người dân sẽ được nâng lên. Đó là môi trường sống trong lành, an toàn, không phải lo những bến bãi, container chạy trước nhà bụi bặm, nguy hiểm rình rập và kẹt xe ngập nước. Những xóm nghèo sẽ dần dần chuyển thành các khu dân cư hiện đại, văn minh, điện nước, đường sá tốt hơn. Quá trình triển khai thực hiện sáp nhập TP Thủ Đức sẽ có những ảnh hưởng đến người dân. Tôi cũng mong TPHCM sẽ có những chính sách thỏa đáng và đảm bảo được người dân địa phương được thụ hưởng những tiện ích từ TP mới mang lại. Ngoài ra, quá trình thành lập TP Thủ Đức cần chú trọng đến yếu tố con người. Tổ chức bộ máy mới, con người mới trong xu thế đô thị sáng tạo sẽ phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định, được tuyển chọn kỹ càng, không để những người thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm đứng ra điều hành, quản lý thành phố mới. |