Thành quả giảm nghèo chưa bền vững

(ĐTTCO) - Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15 bàn rất nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Làm thế nào để chương trình này đạt hiệu quả thực chất là nội dung được các đại biểu quốc hội và cả xã hội quan tâm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Xóa nghèo lại tái nghèo
Nhìn lại tiến trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam cho thấy nổi lên đặc điểm vô cùng quan trọng khác với nhiều nước trên thế giới, là thành quả giảm nghèo của chúng ta ở một số nơi không bền vững, số hộ vượt nghèo rồi tái nghèo dưới ngưỡng nghèo của quốc gia hay của địa phương.
Chỉ cần một rủi ro thiên tai, biến động thị trường, thay đổi chính sách là ngay lập tức rơi xuống nhóm nghèo. Chìa khóa của vấn đề nằm ở đâu? 
Nhiều đại biểu quốc hội rất phấn khích nói về mục tiêu, viễn cảnh và coi việc phải tăng ngân sách lên nhiều ngàn tỷ đồng nữa mới xứng tầm chương trình chiến lược quốc gia. Nói như thế luôn  đúng nhưng lại ít trúng, trượt ra ngoài đời sống của bối cảnh người nghèo. Bởi thực tế, trong xã hội có một nhóm không bao giờ thoát nghèo được, dù có tác động thế nào cũng không thay đổi. 
Thành quả giảm nghèo chưa bền vững ảnh 1
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có 6 dự án lớn với số tiền dự tính 75.000 tỷ đồng. Nội dung của những dự án thực ra không mới mà đã được thực hiện vài chục năm nay, chẳng hạn giáo dục kỹ năng nghề cho thanh niên, xây dựng mô hình sinh kế, hỗ trợ sản xuất (vốn, cây trồng vật nuôi), tuyên truyền vận động…
Nếu tiếp tục triển khai theo lối mòn truyền thống như xưa nay rất có thể 5 năm nữa số hộ vượt nghèo mới tăng lên và số hộ tái nghèo và nghèo mới cũng tăng. Thanh niên vùng Tây Bắc được cho học nghề miễn phí như sửa xe máy, đan lát, công nghệ thông tin, điện dân dụng, kế toán…, do thị trường còn nhỏ nên đào tạo ra nhưng chả biết làm gì.
Các lớp tập huấn cho bà con nông dân, người dân tộc vùng cao nặng về hình thức, tốn kém nhưng hiệu quả rất thấp. Người thu hoạch được không phải bà con nghèo mà là cán bộ đi giảm nghèo, vì chi phí máy bay, khách sạn, ăn ở, thù lao, sau đó là tham quan dưới danh nghĩa khảo sát chiếm gần hết chi phí đào tạo, huấn luyện. 
Điều quan trọng nhất ở đây là phải nhìn thẳng vào vấn đề để trả lời câu hỏi bà con ở vùng đấy, huyện đấy, xã thôn, bản đấy cần cái gì nhất để thoát nghèo? Ai là người làm giúp họ thoát nghèo, phải chăng là cán bộ từ các ban ngành trung ương, hội chính trị, dự án nghiên cứu của các viện, trường?
Cán bộ các hội, viện nghiên cứu xuống xã, đi một vòng, về viết dự án, người dân nhận bò, giống, được vay ít tiền, nhưng rốt cục đâu lại vào đấy, ngân hàng lại phải giãn nợ, khoanh nợ, cuối cùng là xóa nợ cho dân. Nghèo vẫn hoàn nghèo.
Cần hành động cụ thể, sát sao
Miền Trung là vùng có khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt, đất đai đã ít lại còn cằn cỗi, bà con ở đây năm nào cũng hứng chịu hàng chục cơn bão, cứ một nắng hai sương trên đồng ruộng, ngoài biển để gom góp được một ít lũ lại cuốn trôi đi hết nhà cửa, trâu bò, lợn gà, thóc gạo, rau màu và cả nhân mạng.
Giá như Nhà nước chỉ cần hỗ trợ không hoàn lại, hay vay ưu đãi lãi xuất bằng 0% để bà con tự xây căn nhà tránh bão - công cụ hữu ích bảo toàn phần tích lũy của hộ gia đình - bà con sẽ an tâm làm ăn, không rơi vào nghèo kiệt, tích lũy dần dần theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”, đảm bảo thoát nghèo một cách bền vững. 
Một căn nhà ấy chưa tới 60 triệu đồng, diện tích 12-14m2 xây kiên cố bằng bê tông trên những trụ cao hơn mức nước cao nhất tại địa phương 1-1,5 mét, chịu đựng được bão lớn. Những chi phí cho các phong trào xóa đói giảm nghèo và các loại hỗ trợ không “ra tấm, ra món” thời gian qua nếu cộng dồn chắc nhiều hơn số tiền xây nhà vượt lũ như thế. Bộ LĐ-TB-XH không nhìn ra nhưng tổ chức quốc tế lại thấy rất rõ.
Từ năm 2018-2020, UNDP (Tổ chức phát triển của Liên hiệp quốc) đã giúp bà con miền Trung xây dựng được 3.400 ngôi nhà chống chịu bão lụt chi phí thấp (trung bình 60 triệu đồng) với tên gọi “nhà an toàn, sống an tâm”. Nhờ đó những gia đình này an tâm làm ăn, không còn rơi vào cảnh năm nào cũng đói, đời sống dần tốt hơn. 
Một câu chuyện khác, từ kinh nghiệm xóa nghèo trên thế giới, các chuyên gia quốc tế đã rút ra  bài học xương máu “xóa nghèo bằng cách tài trợ cho người giàu” (người giàu có tâm). Nói ra ít người tin, nhưng ở ĐBSCL nhiều nông dân được chia ruộng đất lại bán đi, họ không muốn làm chủ ruộng đất vì phải lo lắng đủ thứ như vốn, mùa vụ, cây trồng, nơi bán…, họ muốn làm mướn, làm công vừa có cái ăn mà không phải “điên cái đầu” suy nghĩ.
Ở các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, cũng có chuyện tương tự. Bà con dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mường, Dao xưa nay chỉ quen trỉa ngô, ăn mèm mén, không quen làm ruộng nước, không biết đến homestay, kinh tế thị trường… nên dù được vay tiền, được tập huấn, mở ra không có khách, bị đổ nợ. 
Cái chính ở đây là tìm ra được vài người giỏi ở địa phương, có kiến thức, kỹ năng, biết làm tổ chức, biết tập hợp bà con lại để cùng nhau làm ăn, tất nhiên họ có tâm chứ không phải lợi dụng bà con kiếm chác. Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp cả 1 bản, xã thoát nghèo do có 1 người biết làm ăn, tìm ra thế mạnh của địa phương.
Nhưng hiềm một nỗi những “nhà tổ chức” này lại nằm ngoài “vùng phủ sóng” của các loại quỹ, chương trình, dự án và các hội của chính phủ, nên họ khởi nghiệp rất cơ cực, không đất, vốn vay của ngân hàng với lãi suất 10-12%. Chính vì thế,  nhiều nơi có tiềm năng về du lịch nhưng không có ai đứng ra làm “đầu trò”. Các cụ nói “một người lo bằng một kho người làm” là vậy. 
Các chính sách giảm nghèo rất hay nhưng chỉ thành công khi nào nó trở thành những kế hoạch hành động rất cụ thể, sát sao cho từng thôn bản, làng xã và từng con người có thân phận nghèo đói, cùng với những cá nhân đóng vai trò “đứng mũi chịu sào” gánh vác việc bà con.
Một chuyên gia của WB nói: “Nếu bạn muốn có văn bản đẹp, có dấu đỏ hãy đến ủy ban nhân dân, nếu bạn muốn giúp người dân hãy tìm đến một người làm được việc nào đó”. 

Các tin khác