Thành ủy TPHCM lấy ý kiến người dân về dự thảo bảng giá đất

(ĐTTCO) - Thành ủy TPHCM vừa công bố đường link khảo sát nhằm lấy ý kiến đóng góp của người dân và các ý kiến đề xuất liên quan đến dự thảo bảng giá đất mới.

Để có thêm thông tin nhằm đánh giá sự quan tâm của người dân và các ý kiến đề xuất liên quan đến dự thảo bảng giá đất dự kiến áp dụng tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy triển khai cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên mạng Internet trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn.

Thời gian khảo sát từ ngày 19-8 đến ngày 23-8. Một số nội dung cuộc khảo sát đưa ra, như: thông tin dự thảo bảng giá đất điều chỉnh trên địa bàn; mức độ quan tâm đối với dự thảo bảng giá đất điều chỉnh; bảng giá đất điều chỉnh dự kiến áp dụng có phù hợp?

Các câu hỏi liên quan đến dự thảo bảng giá đất như: định giá tài sản, kế hoạch đầu tư; xác định giá cho thuê đối với các bất động sản đang có; xác định các thuế, phí sẽ đóng khi chuyển nhượng bất động sản; những vấn đề nào nếu bảng giá đất điều chỉnh chính thức được áp dụng; các khoản phí liên quan đến giao dịch bất động sản như thuế, phí chuyển nhượng; bảng giá đất mới sẽ tiếp tục chưa phản ánh đúng giá trị thị trường thực tế, dẫn đến chênh lệch giữa giá đất theo bảng giá nhà nước và giá đất trên thị trường tự do;

Để người dân đồng thuận với việc điều chỉnh giá đất, khảo sát còn có các câu hỏi cơ quan chức năng cần thực hiện những việc nào sau đây: công khai, minh bạch thông tin, quy trình xây dựng bảng giá đất mới; tổ chức đối thoại, lấy ý kiến của người dân; đảm bảo bảng giá đất sát với giá thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin để người dân dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin…

Ngoài ra, bảng khảo sát còn để cập đến nội dung đề xuất của Sở Xây dựng về việc nhà trọ muốn hoạt động phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu 5m2/người, hẻm rộng 4m, cách đường chính không quá 100m và có lối thoát hiểm.

Trước đó theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của UBND TPHCM, giá đất ở nhiều nơi tại tăng cao so với bảng giá đất hiện hữu (áp dụng từ năm 2020 đến nay), nhất là ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

Như tại huyện Hóc Môn, đường song hành quốc lộ 22 (đoạn từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Lý Thường Kiệt) giá đất tăng 51 lần. Ở huyện Bình Chánh, giá đất tăng 24 lần (như tại đường số 8, khu dân cư Trung Sơn, giá hiện hành là 6,3 triệu đồng/m2, theo dự thảo là 150 triệu đồng/m2.

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo chưa phù hợp với tình hình thực tế, tạo áp lực tài chính lớn, đặc biệt với người dân đang có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở. Các hộ gia đình, cá nhân đang hoặc chuẩn bị thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn nếu áp dụng bảng giá đất mới ngay lập tức.

Tại một số hội nghị phản biện, nhiều ý kiến cho rằng, tăng giá đất là cần thiết, có cơ sở của pháp luật. Tuy nhiên cần có lộ trình và khảo sát chặt chẽ để có bảng giá sát với thực tiễn, tránh tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp.

Các tin khác