Tháo chạy khỏi Maseco

(ĐTTCO)-CTCP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco, mã CK: MCS) đang đối mặt việc sản xuất kinh doanh lao dốc, trong khi các quỹ đầu tư và cả doanh nghiệp liên tục bán tháo CP. Tuy nhiên, điều khiến cổ đông lo lắng là kế hoạch hủy niêm yết rút khỏi công ty đại chúng  của MSC.  
Mặt hàng điện tử karaoke Ariang, một thời tạo nên thương hiệu Maseco, từ 30-6 sẽ phải ngưng sản xuất.
Mặt hàng điện tử karaoke Ariang, một thời tạo nên thương hiệu Maseco, từ 30-6 sẽ phải ngưng sản xuất.
Tài chính bất ổn
Năm 2018, MSC bất ngờ lọt vào danh sách doanh nghiệp lỗ khủng với lợi nhuận âm 164,3 tỷ đồng. Nguyên nhân, doanh thu kinh doanh nông sản (cà phê và hồ tiêu) thua lỗ nặng do biến động của giá cả thị trường và khả năng dự báo yếu.
Mặt khác, ngành hàng điện tử của MSC cũng sa sút vì lỗi thời và chậm luân chuyển, khiến doanh nghiệp phải trích lập dự phòng hàng tồn kho và nợ phải thu khó đòi vào niên độ tài chính tiếp theo. Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2018, tồn kho hàng điện tử giá trị cao do hàng hóa đã lạc hậu, không còn phù hợp với nhu cầu thị trường cuối năm 2018 lên đến 175 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, HĐQT MSC quyết định ngừng kinh doanh nông sản là hồ tiêu và cà phê nhân để tập trung giải phóng hàng tồn kho, thu hồi công nợ, thu gọn bộ máy. Cùng với đó là kế hoạch tập trung thanh lý tài sản nhà xưởng chế biến hồ tiêu tại Gia Lai, Bình Dương để thu hồi vốn; thoái vốn tại tất cả công ty để thu hồi vốn đầu tư và giải quyết lưu chuyển tiền tệ tại các công ty, như Điện tử Phương Đông, Ariang Hà Nội, Amteco, Alo360, Cà phê Tín Nghĩa.
Tuy nhiên, kết quả quyết định từ bỏ lĩnh vực nông sản đã không mang lại chuyển biến tích cực, khi MSC tiếp tục thua lỗ trong quý I-2019. Theo BCTC quý I, MSC tiếp gục lỗ gần 20 tỷ đồng.

Thay máu ban điều hành
Cuối năm 2018, cổ đông của MSC chứng kiến đợt tháo chạy khi hàng loạt lãnh đạo HĐQT, ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc, người nhà lãnh đạo, đã bán sạch cổ phần đang nắm giữ. Đặc biệt, 2 quỹ ngoại nắm giữ cổ phần tại MSC là East Wisdom Limited (7,5%) và Future United Limited (5,3%), đã bán hết lượng cổ phần đang sở hữu.
Theo thống kê, số CP được sang tên trong các đợt bán tháo này lên đến 81% vốn điều lệ của MSC. Do vậy, MSC đã phải tổ chức ĐHCĐ bất thường để bầu lại ban lãnh đạo. 
Cụ thể, cổ đông của MSC bầu lại 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS.
Các thành viên HĐQT mới này đã họp và thống nhất thôi phân công nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Xuân Hàn, và Phó Chủ tịch HĐQT đối với ông Đỗ Hướng Dương. HĐQT đã phân công bà Nguyễn Thiện Mỹ giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Văn Thắng giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Đáng chú ý, những thành viên HĐQT và ban điều hành mới là người đã thu gom số cổ phần các lãnh đạo cũ đã bán ra trước đó.

Có lãi từ năm 2020?
 
 MSC cổ phần hóa vào năm 2001 và chính thức niêm yết trên HNX tháng 2-2017, với giá tham chiếu 26.000 đồng/CP. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không mấy khả quan đã khiến MSC liên tục suy giảm, hiện chỉ hơn 15.000 đồng/CP (tương đương mức giảm 42%).
Ngày 24-5 MSC đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2019. Tuy nhiên, HĐQT của MSC một lần nữa khiến các cổ đông lo lắng, khi đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động của nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh doanh từng góp phần làm nên tên tuổi của MSC, như điện tử (thiết bị karaoke Ariang) và thương hiệu “hồ tiêu Chư Sê”.
Cụ thể, MSC sẽ thanh lý hàng tồn kho điện tử trước ngày 30-6 và đóng cửa ngành kinh doanh này. Riêng lĩnh vực kinh doanh hồ tiêu đã ngưng kinh doanh từ tháng 3. 
Song song với kế hoạch tạm ngừng kinh doanh, HĐQT MSC đã khiến nhiều cổ đông bất ngờ, khi công bố sẽ nhảy vào lĩnh vực kinh doanh mới là đầu tư xây dựng showroom kinh doanh ô tô thương hiệu Kia và Mazda. Đây cũng sẽ là lĩnh vực kinh doanh chủ lực của MSC trong thời gian tới. 
Cũng tại ĐHCĐ, HĐQT MSC đã công bố kế hoạch tài chính 2019 với những con số không mấy khả quan, như lỗ 50 tỷ đồng từ việc thanh lý hàng tồn kho và chấm dứt kinh doanh điện tử; chuyển nhượng các dự án bất động sản không sử dụng hoặc chưa có điều kiện đầu tư (23 tỷ đồng); cho thuê bất động sản và bảng quảng cáo (21 tỷ đồng), đại lý xe du lịch (6 tỷ đồng). Đặc biệt, HĐQT MSC đã mạnh dạn đưa ra kế hoạch kinh doanh có lãi từ năm 2020. 
Có thể nói, kế hoạch kinh doanh có lãi từ năm 2020 của MSC khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi, nhất là sau khi doanh nghiệp này công bố ý định hủy niêm yết CP trên TTCK. MSC hiện đang nằm trong diện cảnh báo của HNX do hoạt động kinh doanh thua lỗ trong năm 2018.
Sau khi bị đưa vào diện cảnh báo, HĐQT MSC đã đưa ra phương án khắc phục. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào lĩnh vực đang hiệu quả, MSC lại lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh mới, như kinh doanh ô tô đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn. 
“Phương án kinh doanh không rõ ràng, trong khi CP đứng trước nguy cơ hủy niêm yết, là nguyên nhân khiến nhiều NĐT quyết định bán cắt lỗ, thay vì chờ đến năm 2020. Tuy nhiên, muốn bán ra cũng không dễ vì MSC gần như không có thanh khoản” - một NĐT chia sẻ. 

Các tin khác