Đó là những vấn đề nóng được đặc biệt quan tâm tại cuộc tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 11-12 tại Hà Nội.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, đang chờ được nâng cấp, mở rộng
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải trầm trọng
Trước nhiều ý kiến cho rằng thị trường hàng không Việt Nam (HKVN) đã phát triển quá nóng trong thời gian vừa qua, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN, cho rằng thị trường đang phát triển tốt trong tầm kiểm soát, đảm bảo an toàn và các hãng vẫn làm ăn có lãi. Thị trường HKVN cũng vẫn phản ánh đúng nhu cầu gia tăng của nền kinh tế, gắn liền với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm.
Tuy nhiên, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, tuy HKVN phát triển chưa đến mức mất kiểm soát nhưng việc phát triển quá nhanh đang gây áp lực lớn lên hạ tầng; nếu không giải quyết sớm sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Trong mạng lưới 22 cảng hàng không hiện nay, tình trạng quá tải chủ yếu xảy ra ở 2 cảng hàng không lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất (TSN), trong đó nóng nhất là sân bay TSN. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết rất nhiều hãng hàng không nước ngoài muốn bay đến sân bay TSN nhưng không thể cấp thêm slot (giờ cất - hạ cánh). Năm nay, năng lực sân bay TSN cấp cho các hãng bay chỉ tăng 2%-3%, dẫn đến tăng trưởng của sân bay này chỉ ở mức khoảng 5%.
Xác định điểm nghẽn hạ tầng cần tháo gỡ nhất hiện nay là sân bay TSN, các chuyên gia đều cho rằng, việc đã có kế hoạch mở rộng sân bay này từ 3-4 năm trước nhưng không thực hiện được là vấn đề cần làm rõ. Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho rằng, nguyên nhân nằm ở cơ chế chính sách. Việc sửa đổi cơ chế sẽ được đưa vào Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu cần giải quyết nhanh cho sân bay TSN thì không thể dùng giải pháp truyền thống. Không chỉ mở rộng sân bay TSN mà ngay cả dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng phải có cơ chế đặc thù mới đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025 như kế hoạch.
Vẫn có cơ hội phát triển?
Về việc ra đời nhiều hãng hàng không mới, ông Đinh Việt Thắng nhận định, đây là tín hiệu tốt. Ở các nước phát triển, thị trường hàng không có thể đạt gấp 2, gấp 3 lần dân số. Hiện Việt Nam có trên 90 triệu dân nhưng thị trường mới đạt 78 triệu hành khách. Dự báo đến 2025, thị trường có thể lên tới 150 - 180 triệu hành khách. Với 3 doanh nghiệp đang đề xuất thành lập hãng hàng không gồm Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines, Việt Nam sẽ có 8 hãng hàng không, như vậy vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Lý giải việc cấp giấy phép trong khi hạ tầng đang quá tải, ông Đinh Việt Thắng cho biết, trong quá trình xem xét, báo cáo Bộ GTVT, Cục HKVN đã đánh giá tốc độ tăng trưởng thị trường, đề án các hãng mới không tập trung vào sân bay TSN nên vẫn có cơ hội phát triển.
Trước lo ngại một số hãng hàng không mới sẽ bán vé quá rẻ, dưới giá thành, có nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, khó phát triển bền vững, ông Đinh Việt Thắng cho rằng, giá rẻ cần được nhìn nhận trên tổng thể hiệu quả kinh doanh của hãng. Trong cơ chế thị trường, giá cả do hãng tự quyết định, nếu hãng đảm bảo hiệu quả kinh doanh và duy trì được lâu dài thì lợi cho hành khách. Mặc dù vậy, chuyên gia Nawal Taneja cũng cảnh báo, không hãng hàng không giá rẻ nào duy trì giá thấp mãi và chỉ được thời gian ban đầu để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, sau đó lại nâng giá vé lên.
Về giải pháp cho sân bay TSN, đặc biệt trong cao điểm vận tải tết sắp tới, ông Đinh Việt Thắng cho biết, trong tháng 12 này, sân bay TSN và Nội Bài sẽ ra đời 2 trung tâm điều hành sân bay gọi là Airport Operation Control Center để tạo lập một quy trình nâng cao năng lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực.