Tháo gỡ các nút thắt, đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc Nam phía Đông

Tình trạng thiếu vật liệu và chậm giải phóng mặt bằng là những 'nút thắt' lớn nhất của dự án cao tốc Bắc - Nam. Tiến độ nhiều dự án thành phần đang gặp khó vì hai 'nút thắt' này. Bên cạnh đó, việc tái định cư chậm cũng ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
Gỡ các nút thắt trong quá trình thi công dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Bình.
Gỡ các nút thắt trong quá trình thi công dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Bình.

Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025) đi qua tỉnh Quảng Bình dài 127 km với 3 dự án thành phần. Dự án được khởi công ngày 01/01/2023, dự kiến đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác.

Ông Trần Hữu Hải, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, hiện các nhà thầu đã triển khai thi công các hạng mục công trình. Trong quá trình thi công gặp một số khó khăn như mặt bằng "xôi đỗ", các diện tích mồ mả có chủ và vô chủ chưa di dời được, người dân đã di dời lại chưa có khu tái định cư để ở, một số điểm vướng diện tích đất rừng chưa giải quyết xong...

Theo ông Trần Hữu Hải, chủ đầu tư mong muốn địa phương tích cực tháo gỡ các vướng mắc: “Chính phủ yêu cầu 30/6 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Nhưng theo thống kê, vốn giải phóng mặt bằng sau 30/6 chiếm 68%, như vậy từ nay đến 30/6 chỉ giải ngân 32% thì chắc chắn là không thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, có thể không hoàn thành được. Việc này cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình có ý kiến chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch giải ngân gắn với tiến độ giải phóng mặt bằng".

Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn vướng mắc. Một số nơi người dân chưa chấp nhận mức bồi thường, có người dân đã nhận bồi thường nhưng vẫn còn diện tích cây trồng chưa thu hoạch. Một số đoạn thi công vướng nhà dân chưa di dời do chưa có khu tái định cư, nơi thì vướng các công trình trường học, chỗ khác thì vướng trường mầm non, trạm y tế.

Tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình có gần 3km đường cao tốc đi qua, ảnh hưởng hơn 250 hộ dân. Hiện nay, các hộ dân ở địa phương này chưa chấp nhận khung giá đền bù đất nông nghiệp bị ảnh hưởng.

Nhà thầu triển khai thi công dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Bình.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho biết, đa số các hộ dân tại xã Quảng Sơn chưa nhận tiền đền bù đất lúa vì họ cho rằng áp giá chưa đúng thực tế. Bà con ở đây cho rằng, đất trồng lúa của người dân Quảng Sơn cách đất trồng lúa của người dân 2 xã lân cận chỉ 1 bờ ruộng khoảng 30 cm, nhưng giá lại chênh lệch gấp đôi.

Chính vì giá đền bù thấp hơn xã lân cận nên người dân xã Quảng Sơn chưa chấp nhận tiền đền bù đất lúa. Theo ông Nguyễn Văn Ninh, việc người dân không nhận tiền đền bù khiến dự án cao tốc qua địa bàn bị đình trệ, ảnh hưởng tới tiến độ.

“Ở xã Quảng Sơn xây dựng khung giá đất miền núi vì đó là xã miền núi, nhưng từ sau năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có quyết định đưa Quảng Sơn ra khỏi xã hưởng chính sách miền núi. Lúc này, mới bắt đầu so sánh Quảng Sơn và các xã đồng bằng khác, đất canh tác lúa gần nhau, năng suất như nhau, ruộng sát thửa sát bờ nhau. Người dân không đồng tình và tính toán giá đền bù chênh lệch 2 xã gần nhau đến 75.000 đồng/m2. Việc này đã đề nghị tỉnh định giá lại cụ thể nhưng chưa được” - ông Nguyễn Văn Ninh nói.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình cần khoảng 7,3 triệu m3 đất đắp, 0,5 triệu m3 cát và 2,7 triệu đá xây. Ngoài ra, có khoảng 8,6 triệu m3 lượng đất đá dư thừa cần đổ thải.

Theo đánh giá, các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ các dự án thành phần. Nhưng về khả năng khai thác, cung ứng đối với vật liệu cát theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành của địa phương phối hợp với chủ đầu tư dự án, các nhà thầu thi công rà soát để nâng công suất các mỏ cát đang khai thác cần sử dụng cho dự án, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.

Lý giải về việc chậm giải phóng mặt bằng ở một số vị trí, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Nghị quyết của Chính phủ giao địa phương phê duyệt giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư nhưng theo Luật Đầu tư công thì phải thực hiện duyệt các bước theo trình tự. Nếu làm nhanh cũng phải đến tháng 6 mới duyệt xong, như vậy sẽ không kịp thời gian bàn giao mặt bằng. Vì vậy, địa phương kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Ban Quản lý dự án 6 bằng kinh nghiệm đã thực hiện ở các địa phương khác hướng dẫn cho tỉnh thực hiện đúng luật, đúng trình tự.

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, tỉnh cũng đề nghị các bộ ngành Trương ương hỗ trợ địa phương gỡ vướng về thủ tục chuyển đổi đất rừng.

“Phấn đấu để bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư, theo Nghị quyết của Chính phủ, chốt mốc thời gian là 30/6. Trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng sẽ kịp thời thông tin và điều chỉnh hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng ở địa phương, làm cơ sở để địa phương tổ chức giải phóng mặt bằng tạo sự đồng thuận. Về vật liệu thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ xác định nhà cung cấp vật liệu và sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho nâng công suất” - ông Đoàn Ngọc Lâm nói.

Tại buổi làm việc với 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng do chênh lệch giá đất tại 2 xã liền kề, tỉnh sớm giải quyết dứt điểm. Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý đối với các mỏ vật liệu khi công bố giá phải tính toán một cách chính xác, gồm chi phí, thuế, tiền tài nguyên để có giá đúng.

Đối với các mỏ được đưa vào danh sách cấp cho dự án cao tốc thì tuyệt đối không được găm hàng, nâng giá, bởi theo chỉ đạo của Chính phủ nếu phát hiện có tình trạng này sẽ đề nghị Công an vào điều tra, xử lý.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị khẩn trương xác định vị trí và xây dựng đường công vụ để vận chuyển vật liệu, đất, cát vào địa điểm thi công, sau đó tính toán việc thi công cầu cống, các điều kiện phụ xây dựng đường cao tốc.

“Khó khăn vướng mắc gì thì các nhà thầu phải phối hợp với địa phương, tháo gỡ theo vấn đề nút thắt. Chỗ nào là yết hầu cần phải làm trước, chỗ nào là điểm tắc phải làm trước. Phải ưu tiên các vị trí có thể tổ chức triển khai được. Về vấn đề vật liệu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng tại các mỏ, bóc lớp phong hóa, làm đường công vụ và xây dựng đơn giá. Hiện nay đang trình Chính phủ để có sự điều chỉnh lại chính sách, có thể nâng công suất, mở rộng công suất khai thác lên và rút ngắn thời gian cho phù hợp với tiến độ dự án” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Các tin khác