Tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả

(ĐTTCO)- Hiện nay, cả nước ta có khoảng 800 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tổng tài sản lên tới 4 triệu tỉ đồng, đóng góp 28% thuế và các khoản nộp ngân sách, chi phối các ngành, lĩnh vực quan trọng, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả

Thế nhưng khách quan mà nhìn nhận, những kết quả mà doanh nghiệp nhà nước đạt được như vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, và đặc biệt chưa thật sự phát huy được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Nguyên nhân được chỉ ra đó là do hiện nay các doanh nghiệp còn đang gặp nhiều điểm nghẽn trong hoạt động.

Vậy những điểm nghẽn đó là gì và cần được khắc phục ra sao để các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường.

Đây là nội dung được bàn luận trong Câu chuyện thời sự hôm nay, với sự tham gia của GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Đại biểu QH khóa 15.

PV: Thưa GS.TS Hoàng Văn Cường, doanh nghiệp Nhà nước được hiểu là những doanh nghiệp như thế nào thưa ông?

Ông Hoàng Văn Cường: Doanh nghiệp Nhà nước chúng ta có thể hiểu đây là những doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn vào và vẫn giữ được vai trò là người kiểm soát, nắm quyền quyết định của doanh nghiệp đó. Và theo quy định hiện hành, luật pháp thì doanh nghiệp Nhà nước có thể chia ra thành hai loại hình:

Thứ nhất, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100 % vốn; và thứ hai các doanh nghiệp là cổ phần nhưng mà trong đó thì Nhà nước vẫn đóng góp trên 50 % vốn hoặc là cổ phần để giữ được vai trò chi phối.

Những loại hình doanh nghiệp này thì chúng ta thấy hiện nay đang khá phổ biến có mặt ở hầu hết các lĩnh vực then chốt, quan trọng của nền kinh tế như: Tài chính ngân hàng, viễn thông, năng lượng và nhiều các lĩnh vực khác... 

PV: Vậy doanh nghiệp Nhà nước có vị trí, vai trò như thế nào trong nền kinh tế?

Ông Hoàng Văn Cường: Hiện nay thì chúng ta vẫn là đang có một chỉ đạo rất rõ từ các nghị quyết của Đảng cho đến các văn bản hành chính, luật pháp thì các doanh nghiệp Nhà nước là nguồn lực để tạo nên kinh tế Nhà nước. Và kinh tế nhà nước đang đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế vì doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đang phát triển ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và đặc biệt quan trọng mang tính huyết mạch: Viễn thông, năng lượng, tài chính ngân hàng, an ninh quốc phòng... thì doanh nghiệp Nhà nước phải giữ được vai trò chủ chốt trong lĩnh vực này.

Để qua đó kiểm soát được toàn bộ các lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế. Để có thể đảm bảo được nền kinh tế luôn luôn trong một trạng thái được kiểm soát, an ninh về kinh tế và đảm bảo sự vững mạnh của đất nước. V

Cũng nhờ việc nắm giữ được vai trò đó, Nhà nước có thể thông qua các doanh nghiệp này để điều hành các biện pháp tác động trực tiếp đến người dân. 

Ví dụ: Trong thời kỳ dịch vừa qua khi người dân khó khăn các doanh nghiệp nhà nước trong ngành điện phải giảm giá điện. Đấy là chỉ đạo Nhà nước, chứ nếu như tư nhân thì Nhà nước không làm được... Hoặc là trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng thuộc khu vực Nhà nước phải có biện pháp để giảm mức lãi suất cho vay rồi hoãn các khoản thu nợ để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, chúng ta cũng nhìn thấy rằng, doanh nghiệp Nhà nước cũng nắm giữ các nguồn lực nền kinh tế nên doanh nghiệp Nhà nước đang đóng góp một vai trò khá quan trọng vào tăng trưởng cũng như là thu ngân sách. Và tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước vào cái GDP cũng như Luật ngân sách hiện nay chiếm gần 1/3 của đóng góp cho nền kinh tế

PV: Theo ông, tại sao các doanh nghiệp nhà nước lại chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển?

Ông Hoàng Văn Cường: Đúng là doanh nghiệp Nhà nước hiện nay thì chưa đóng vai trò là người dẫn dắt, mở đường, rồi là thu hút các doanh nghiệp khác phát triển theo. Và nguyên nhân bao trùm là do các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay hoạt động chưa mang lại được một tín hiệu quả cao, chưa đủ sức thuyết phục để tạo ra được các tiềm lực bản thân doanh nghiệp đó lớn mạnh lên và khi doanh nghiệp mà không đủ tiềm lực lớn mạnh thì chưa thể có những nguồn lực để đầu tư về kỹ thuật, công nghệ, cũng như tầm quản lý để giữ được vai trò dẫn dắt mở đường.

Một nguyên nhân mà chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ, nhiều doanh nghiệp cũng không thể bắt tay được với lại các doanh nghiệp khác hoặc là có thể nhìn thấy các cơ hội đấy nhưng mà cũng không thể thực hiện được ngay những hành động để chớp thời cơ đó như doanh nghiệp tư nhân. Và đấy là do cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước, nó khiến các doanh nghiệp Nhà nước không thể nhanh nhạy nắm bắt cơ hội như doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy thì có thể là đáng ra doanh nghiệp Nhà nước phải đi trước để nắm bắt cơ hội đó, mở đường để doanh nghiệp khác đi theo nhưng vì chuyện là ràng buộc của cơ chế, trải qua các thủ tục nên doanh nghiệp Nhà nước hay đi sau. Đồng thời, chúng ta cũng thấy là chưa có được các cơ chế thực sự khuyến khích tính năng động, sáng tạo của người quản lý.

Đối với doanh nghiệp tư nhân khi có cơ hội, họ có thể ra quyết định ngay và khi mang lại hiệu quả thì đương nhiên người ta sẽ được hưởng trọn vẹn lợi ích doanh nghiệp mang lại. Còn nếu như có rủi ro có thể người ta chỉ mất đi cái tiền của doanh nghiệp đã bỏ ra, nhưng đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước thì cũng không hoàn toàn là như thế. Nếu thành công thì chưa chắc rằng là người quản lý doanh nghiệp đã được hưởng trọn vẹn.

Có chăng chỉ là sự khen ngợi và nếu như không thành công thì rất dễ có thể rơi vào những rủi ro lớn, thậm chí là vòng lao lý. Đó cũng là những yếu tố làm cản trở cái tính năng động tính sáng tạo để cho doanh nghiệp Nhà nước có thể thành người mở đường dẫn nối, thu hút các doanh nghiệp khác phát hiện theo. 

PV: Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm Thủ tướng Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại bất cập trong hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, đáng chú ý đó là có hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước, 'sân trước, sân sau', thậm chí 'vườn sau'. Hiện tượng này đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối đang đặt ra và đó cũng có thể được coi là 1 điểm nghẽn gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước?

Ông Hoàng Văn Cường: Đây đúng là một nguyên nhân đang làm nghèo các doanh nghiệp Nhà nước và chúng ta có thể sử dụng một hình tượng như này: Người quản lý doanh nghiệp nhà nước nếu không có một tố chất tốt, năng lực thì sẽ làm cho doanh nghiệp ngày một suy kiệt đi.

Và thậm chí kể cả khi suy kiệt đi thì người ta vẫn tuân thủ, thực hiện đúng quy định thì lại không bị xử lý nào. Nhưng khi tài sản đó bị hư hỏng, mang đi bán, thực hiện chuyển đổi... chiêu trò với các doanh nghiệp sân sau để sâu xé các phần tài sản đó như kiểu "kền kền ăn xác chết". 

Khi mà doanh nghiệp đang hoạt động bình thường thì cũng có rất nhiều chiêu trò của nhà quản lý, họ tìm các mưu mô, thủ đoạn để sử dụng các doanh nghiệp sân sau ký các hợp đồng cho những doanh nghiệp thân quen, người nhà thực hiện các nhiệm vụ, nhưng thực chất là chuyển các khoản tiền từ doanh nghiệp sang túi cá nhân.

Thậm chí là khi thấy các hợp đồng có hiệu quả cao thì họ sẽ chuyển cho doanh nghiệp thân quen, người thân thực hiện kiếm lời; và ngược lại, khi thấy các hợp đồng có nguy cơ lỗ, không mang hiệu quả thì lại ký ngược trở lại. Lúc đó thì doanh nghiệp Nhà nước lại là người chịu hậu quả.

Chúng ta cũng thấy không ít các hiện tượng sử dụng "sân sau", "vườn sau" để kiếm lợi, rút ruột ngân sách nhà nước và đặc biệt là ngân quỹ, tiền của doanh nghiệp Nhà nước. 

Đứng về mặt luật pháp thì cũng đã có các quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "sân sau" này như: Không cho phép những người đang thực hiện vai trò quản lý nhà nước ở một ngành, lĩnh vực nào đó thì người nhà sẽ không được phụ trách các doanh nghiệp có liên quan để tránh việc bắt tay với nhau. 

Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều biện pháp trá hình, thông qua nhiều con đường để có thể bắt tay với các doanh nghiệp "sân sau" nhằm mục đích kiếm lợi với doanh nghiệp Nhà nước. 

PV: Một điều nữa cũng cần nói đến là vẫn có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan công tác cán bộ của doanh nghiệp nhà nước, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước. Đơn cử như việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế, dẫn tới thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Đây là vấn đề cũng cần phải khắc phục?

Ông Hoàng Văn Cường: Vấn đề công tác cán bộ, con người luôn luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Người quản lý doanh nghiệp giỏi thường phải là người có khả năng toàn quyền, ra các quyết định trong kinh doanh phải nhanh, kịp thời, không phải chờ đợi họp bàn...

Điều này đang không phù hợp với cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước vì thường người đứng đầu doanh nghiệp không được toàn quyền quyết định, phải đưa ý kiến ra trước tập thể, lãnh đạo để trao đổi, bàn bạc và đưa đến thống nhất, hành động.

Như vậy, rõ ràng vai trò của người đứng đầu nếu giỏi, năng động thì không thể thực hiện theo cơ chế quản lý mang tính tập thể được. Bên cạnh đó, cơ chế đãi ngộ người giỏi không thực sự thỏa đáng vì chế độ tiền lương của doanh nghiệp Nhà nước vẫn theo quy định. Chứ không phải muốn trả bao nhiêu thì trả. Vì vậy, nó sẽ không làm thỏa đáng quyền lợi giữa người lao động, quản lý, chuyên gia giỏi... Nên không thể thu hút được những người giỏi. 

Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước nó còn có các mối quan hệ dàng buộc với các cơ quan quản lý cấp trên. Không ít người là quan hệ người nhà, con ông cháu cha, quan hệ phức tạp... nên người quản lý doanh nghiệp Nhà nước không thể dễ dàng thay đổi, điều chuyển.

PV: Ngoài những vấn đề tồn tại, hay nói đúng ra là những điểm nghẽn đang tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước như ông vừa phân tích, đó là về cơ chế, chính sách, về vấn đề nhân sự quản lý doanh nghiệp …. theo ông còn những điểm nghẽn nào khác?

Ông Hoàng Văn Cường: Doanh nghiệp nhà nước hiện nay đúng là hoạt động không hiệu quả vì vậy, Nghị quyết của Đảng cũng đã chỉ rõ là phải đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước. Và chỉ cần giữ lại ở các lĩnh vực then chốt, quan trọng của nền kinh tế để đảm bảo về an ninh kế, chủ động trọng việc kiểm soát các lĩnh vực huyết mạch. 

Hoặc để những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không mong muốn hoạt động mà lại mang ý nghĩa về hoạt động công ích, có ý nghĩa xã hội... Nên công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước thì phải chuyển nhiều doanh nghiệp đang hoạt động không thuộc các lĩnh vực ưu tiên trở thành các khu vực cho tư nhân quản lý, đầu tư thông qua con đường là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. 

Tuy nhiên, chủ trương đúng như thế nhưng quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện nay vẫn rất chậm, không đạt được mục tiêu do định giá khó khăn. Đồng thời, bản thân các nhà quản lý doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa cũng không hăng hái, sẵn sàng. 

Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng, cổ phẩn hóa là con đường tiên quyết phải thực hiện để tái cấu trúc lại doanh nghiệp Nhà nước và chuyển các nguồn lực từ khu vực Nhà nước này sang khu vực tư nhân để sử dụng có hiệu quả và mang lại lợi ích cho xã hội, phát triển đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông.

Các tin khác