Nhiều yếu tố bất ổn, rủi ro gia tăng
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc quý 1, tổng sản phẩm trong nước quý đầu năm 2023 tăng trưởng 3,32% Những yếu tố bất ổn, rủi ro gia tăng, niềm tin suy giảm trên thị trường tài chính toàn cầu, một số ngân hàng tại Mỹ, châu Âu ngừng hoạt động, phá sản. Trong khi đó quy mô nền kinh tế của nước ta còn khiêm tốn nhưng có độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn đến bên trong, trong điều kiện một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.
Thời gian qua và trong quý 1 năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, sự nỗ lực của chính quyền các cấp, chúng ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu lớn như giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường, mở rộng đối ngoại và hội nhập.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, Liên hợp quốc vừa công bố xếp hạng "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc.
Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức còn nhiều. Ngay từ đầu năm, chúng ta đã nhận định tình hình có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và đến nay chúng ta càng thấy nhận định này là đúng.
Sự hồi phục của doanh nghiệp sau COVID-19 còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp. Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để các thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Việc khắc phục các vấn đề liên quan tới cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần quyết liệt hơn nữa. Phản ứng chính sách của các bộ ngành, địa phương cần kịp thời, hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phục hồi tốt hơn.
Việc giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn. Công tác cải cách hành chính cần được đẩy mạnh hơn và kỷ luật, kỷ cương hành chính cần được tăng cường hơn nữa.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bài học bám sát thực tiễn, phản ứng nhanh với tình hình, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, không né tránh, đùn đẩy.
Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, giữa tình hình bên trong và bên ngoài.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn pháp lý; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng chiến lược. Nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, không trông chờ, ỷ lại, không để địa phương phải đi lại nhiều mà không được việc.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý có trọng tâm, trọng điểm; chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém; rà soát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở, nhất là gói 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; đề xuất các cấp có thẩm quyền giải pháp cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ…
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi ngân sách, tiết kiệm chi tối đa trong chi thường xuyên; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; báo cáo cấp thẩm quyền vấn đề thuế tối thiểu toàn cần; hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2022-2023 và đề xuất giải pháp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành việc phân bổ chi tiết các kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn cho chương trình phục hồi; chủ trì, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chuẩn bị thật tốt việc trình Quốc hội ban hành một số nghị quyết liên quan tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chăm lo đời sống nhân dân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Làm tốt công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân để triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân đầu tư công...
Thủ tướng tán thành đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc các địa phương thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời hỗ trợ ngươi dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án.