Việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ kết thúc vào ngày 15/3. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trưa ngày 13/3, đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ.
Bên cạnh các nội dung nổi bật như: cách tính giá đất theo giá thị trường, cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, đó là vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay còn gọi là sổ đỏ.
Vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ
Gia đình bà Đỗ Ngọc Bích, phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Nội đã làm thủ tục đăng ký và đề nghị cấp sổ đỏ cho ngôi nhà số 2, ngõ 30 Nguyễn Du, Hà Nội ngót nghét khoảng 24 năm. Từ 27m2 ban đầu, gia đình bà đã mua lại, được trả lại và được tặng cho từ các cá nhân, đơn vị khác, với tổng diện tích khoảng 280m2. Gia đình ở ổn định, không có tranh chấp, khiếu kiện. Tuy nhiên, hành trình cấp sổ đỏ vẫn chưa thể có kết quả cuối cùng.
Bà Đỗ Ngọc Bích cho biết: "Chúng tôi làm sổ đỏ từ năm 1998, mỗi lần làm xong có một thiếu sót nào đấy, chúng tôi lại tiếp tục bổ sung. Cứ nói thiếu cái này thiếu cái kia nhưng khi chúng tôi bổ sung thì ko nói gì nữa. Tôi ở đây ổn định, không tranh chấp với ai cả. Vậy không có lý do nào mà chúng tôi không được cấp sổ đỏ cả".
Vì không có sổ đỏ, gia đình không thể tiến hành sửa chữa lại ngôi nhà đã xuống cấp, nứt nẻ. Đại diện chính quyền địa phương cho biết, UBND phường đã có văn bản gửi đến các cơ quan xin cung cấp thông tin về nguồn gốc sử dụng đất và việc quản lý nhà, đất liên quan đến khu đất. Thế nhưng, do thời gian kéo dài, liên quan tới nhiều cơ quan, tập thể, việc hoàn thiện hồ sơ để cấp sổ đỏ vẫn chưa thể hoàn thành. Hiện nay, phường mới tập hợp hồ sơ, văn bản phản hồi của các đơn vị để báo cáo lên cấp quận, mặc dù người dân đã nhiều lần tới nộp hồ sơ, kéo dài trong nhiều năm.
Ông Dương Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nói: "Hồ sơ do thời gian gửi bàn giao lâu, các cơ quan trả lời là không xác minh được. Chúng tôi rất muốn hỗ trợ người dân. Đây là nhu cầu chính đáng".
Thực tế, nhiều trường hợp đất ở, nhà ở cũng chưa được cấp sổ đỏ, khiến người dân phải đi lại, làm giấy tờ mất rất nhiều thời gian, công sức. Ngoài nhà ở riêng lẻ, việc chậm cấp sổ còn diễn ra tại nhà ở, căn hộ tại các dự án do các chủ đầu tư xây dựng. Vì doanh nghiệp nợ thuế hoặc sai phạm xây dựng, sai phạm giao đất nên việc cấp số đỏ cho người dân cũng bị đình trệ.
Trước thực tế hiện nay, trong dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) lần này, có một điểm đáng chú ý. Đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước 1/7/2014 sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi kèm với những điều kiện chi tiết, cụ thể như không thuộc trường hợp lấn chiếm, tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Nhiều ý kiến chuyên gia góp ý cho dự thảo đã bày tỏ sự đồng tình với đề xuất trên. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng quy trình cấp sổ kéo dài quá lâu, một số đề xuất cụ thể đã được đưa ra.
Đề xuất tháo gỡ cấp sổ đỏ trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
UBND cấp phường, xã là nơi đầu tiên trực tiếp tiếp nhận, kiểm tra lại hồ sơ đăng ký thủ tục làm sổ đỏ cho các hộ dân. Đại diện lãnh đạo phường Nguyễn Du, TP Hà Nội mong muốn có 1 hệ thống văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ hoàn chỉnh, cho các trường hợp phải xác minh nguồn gốc đất, đặc biệt với các trường hợp đã kéo dài nhiều năm.
Ông Dương Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi mong muốn Luật Đất đai tháo gỡ giúp cho địa phương cơ sở, có hướng dẫn cụ thể. Thứ 2 là hệ thống văn bản hoàn chỉnh, có thể giải thích, thụ lý cho ng dân hiểu".
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc giải quyết cấp sổ đỏ cho các trường hợp đang sử dụng đất trước 1/7/2014 theo để xuất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là hết sức cần thiết và cấp bách bởi hiện nay, số lượng các cá nhân, hộ gia đình gặp vướng mắc, nợ đọng trong việc cấp sổ không hề nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Khi mà đất, nhà, căn hộ không có sổ đỏ thì không thể mua, bán đúng quy định, không thể vay vốn, thế chấp tại các ngân hàng.
TS. Trần Quang Huy, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, nói: "Nhiều người chưa được cấp sổ đỏ, Nhà nước phải có giải pháp,kể cả những người chưa có đủ giấy tờ, thì cũng phải xem xét cấp sổ vì sau khi cấp rồi Nhà nước mới quản lý được, nếu không cứ giằng co giữa việc anh không nộp tiền, anh không đủ điều kiện thì nhà đó không ai quản lý.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết: "Qua các lần chỉnh sửa, sổ đăng ký đất đai chưa được cập nhật, giữa hồ sơ và hiện trạng có độ vênh khác nhau. Việc hiện đại hóa hệ thống biến động đất đai cần được chuẩn hóa, để đẩy nhanh cấp sổ. Một vấn đề nữa là cần có cơ chế để giải quyết những tồn đọng do lịch sử để lại: ví dụ giao đất cho hộ gia đình chưa rõ ràng, đất nông lâm trường, đất giao cho doanh nghiệp khi cổ phần, phải có chính sách riêng thì mới đẩy nhanh được tiến độ".
Các ý kiến cũng cho rằng, song song với việc tiến hành sửa, bổ sung các quy định pháp luật để thuận tiện hơn trong việc cấp sổ đỏ cho người dân, ngay từ lúc này, các địa phương cần tiến hành việc thống kê các trường hợp gặp vướng mắc, từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể, để các cơ quan chức năng có thể thanh lọc các trường hợp đủ điều kiện để cấp sổ đỏ. Có như vậy, việc cấp sổ đỏ mới không bị tồn đọng, kéo dài hết từ năm nay qua năm khác.
Dự kiến, trước ngày 27/3, Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ hoàn thiện hồ sơ dự án luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân; sau đó, trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý.