Tuy nhiên, đấu thầu qua mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng cũng như nhân lực thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị vẫn quen với cách thức làm cũ nên không quyết tâm, hoặc ngại thực hiện đấu thầu qua mạng.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, sau quá trình thí điểm và chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc vào năm 2016, hệ thống đấu thầu qua mạng đã có những bước phát triển vượt bậc.
Tính đến nay đã có tổng cộng gần 23.000 gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, trong đó chỉ riêng 7 tháng đầu năm nay đã có gần 9.000 gói thầu được đấu thầu qua mạng - tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có những gói thầu quy mô lớn, có giá trị lên tới gần 200 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm bình quân của hình thức đấu thầu qua mạng đạt 9%, trong khi đấu thầu truyền thống đạt khoảng 7%.
Như nhận xét của ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết đây là những kết quả rất khả quan. Trên thế giới việc áp dụng đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính.
Đặc biệt, nhờ các quy trình được điện tử hóa, tài liệu được mẫu hóa, công tác đấu thầu qua mạng trở nên đơn giản, nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn. Đây là công cụ hiệu quả giúp loại bỏ tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tiết giảm mạnh mẽ chi phí, tiết kiệm ngân sách nhà nước, mang lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp và xã hội. Mặt khác khi tham gia đấu thầu qua mạng, thông tin về số lượng, danh tính các nhà thầu nộp thầu đều được bảo mật tuyệt đối trước thời điểm mở thầu.
Dưới góc độ của các địa phương và doanh nghiệp, ông Hà Tiến Lực, Phó Tổng giám đốc CTCP Chế tạo điện cơ Hà Nội, cho rằng việc thực hiện hình thức đấu thầu qua mạng đã tiết kiệm được nhiều chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp. Đấu thầu qua hình thức này nhà thầu được tham gia đấu thầu một cách công bằng, công khai và minh bạch, đặc biệt ước giảm tới 3-5% chi phí cho mỗi gói thầu.
Mặc dù việc đấu thầu qua mạng có kết quả bước đầu khả quan, nhưng làm thế nào hiện thực hóa hình thức đầu thầu này trên cả nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như tỉnh Sơn La, qua 7 tháng đầu năm tỉnh đã thực hiện được 115 gói thầu bằng hình thức đấu thầu qua mạng.
Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng này vẫn còn nhiều khó khăn, như việc thay đổi trong cách thức tham gia thầu khiến nhiều doanh nghiệp và đơn vị còn e ngại, nhân sự của các đơn vị mời thầu và dự thầu chưa được đào tạo bài bản, nên còn gặp nhiều hạn chế. Đặc biệt, kỹ năng sử dụng máy tính là một trong những trở ngại không nhỏ tại các địa phương. Do vậy, để đấu thầu qua mạng được phổ biến, cần công tác tuyên truyền một cách mạnh mẽ, cũng như chỉ đạo tích cực hơn của lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan.
Nói như ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT), việc thay đổi từ cách đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng, trong giai đoạn đầu tiếp cận mọi người không hứng thú lắm, bởi không còn “góc khuất”. Do đó, tính đến nay mới có 18% gói thầu được thực hiện qua mạng, kém xa so với mục tiêu. Trong 119 cơ quan thực hiện đấu thầu, còn tới 41 cơ quan đơn vị chưa thực hiện một gói thầu nào qua mạng. Bên cạnh đó, đấu thầu qua mạng có thể làm thiệt hại đến quyền lợi của nhiều chủ đầu tư, nên họ sẽ tìm cách trì hoãn triển khai.
Với tình hình trên, trước mắt cần thay đổi nhận thức, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị để tham gia đấu thầu. Cùng với đó giao chỉ tiêu bắt buộc phải áp dụng đấu thầu qua mạng và giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu thực hiện được, những quy định về lộ trình đấu thầu qua mạng mới không nằm trên giấy.
Đồng thời, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cần hoàn thiện và cải tiến chính sách về quản lý, công nghệ và hoạt động của hệ thống, từ đó có khung pháp lý hoàn chỉnh phù hợp thông lệ quốc tế.