Tháo nút thắt ô nhiễm từ hoạt động thu gom rác dân lập

(ĐTTCO) - Ngày 3-12, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp bàn chính sách hỗ trợ chuyển đổi hoạt động cho lực lượng thu gom rác dân lập (RDL). 

Trung bình mỗi ngày TPHCM tiếp nhận khoảng 9.000 tấn rác và tăng thêm 5%/ năm. Thế nhưng, hạ tầng hệ thống thu gom rác vẫn chưa đồng bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường thành phố.


Nhiều trạm trung chuyển rác quá tải, phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân

Nhiều trạm trung chuyển rác quá tải, phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân

Thiếu vốn hỗ trợ

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố đang tồn tại song song hai hệ thống thu gom rác tại nguồn. Trong đó hệ thống thu gom rác công lập đang thu gom khoảng 40%, còn lại do hệ thống RDL đảm nhận. Tuy chiếm hơn 60% lượng rác thu gom nhưng trang thiết bị và phương tiện của lực lượng RDL rất lạc hậu, thô sơ.

Thống kê của Sở TN-MT TP cho thấy, lực lượng RDL có 2.160 xe ba gác kéo, xe lam, xe tải thùng 660 lít… với số nhân công khoảng 4.000 người và không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động cần thiết. Từ năm 2017 đến nay, các quận huyện đã vận động được 1.440/2.592 tổ, đường dây thu gom RDL thành lập hợp tác xã (HTX) hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (đạt tỷ lệ 55,6%); trong khi chỉ 91 phương tiện/1.745 phương tiện các loại được chuyển đổi, đạt tỷ lệ 5,2%.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của lực lượng RDL còn khá chậm. Số lượng tổ chức thu gom RDL chưa có pháp nhân còn khá nhiều. Số ít HTX, doanh nghiệp tư nhân vừa hình thành hoạt động chưa hiệu quả. Phương tiện thu gom rác thô sơ, lạc hậu còn khá phổ biến, không đáp ứng tiêu chí cải thiện môi trường.

Hạ tầng tiếp nhận rác thải tại trạm trung chuyển ở các quận huyện đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều trạm trung chuyển rác quá tải, phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Đáng lo là đang có sự thiếu đồng bộ trong việc triển khai hỗ trợ cho lực lượng thu gom RDL tại các quận huyện.

Đại diện nhiều đơn vị thu gom RDL cho biết rất mong muốn chuyển đổi mô hình theo hướng hiện đại nhưng mức phí thu gom rác từ các gia đình chưa đủ bù đắp chi phí hoạt động; trong khi vốn đầu tư chuyển đổi công nghệ đến hàng tỷ đồng. Sự chuyển đổi không đồng bộ trong các đơn vị thu gom RDL dẫn đến sự cạnh tranh thiếu công bằng trong hoạt động đấu thầu thu gom rác thải cũng như chi phí đầu tư vận hành giữa các đơn vị.

Ở góc độ khác, chính sách hỗ trợ cho vay vốn chuyển đổi công nghệ thu gom rác đang có sự phân biệt hộ khẩu thành phố và tỉnh. Việc vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường đang gián đoạn do hết vốn, khiến quy trình chuyển đổi phương tiện của lực lượng RDL bị ngưng trệ.

Gỡ nút thắt

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Toàn Thắng đề xuất thêm chính sách hỗ trợ khác ngoài chính sách hỗ trợ vốn vay cải tạo trang thiết bị thu gom đang áp dụng. Đó là chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm miễn thuế, giảm thuế); cho phép hỗ trợ kinh phí cho chủ phương tiện khi thu hồi, chuyển đổi, cải tiến phương tiện thu gom thô sơ; hỗ trợ chi phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho đơn vị thu gom rác, không quá 100 triệu đồng/ HTX… 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, thành phố sẵn sàng tiếp thu ý kiến của các đơn vị để hoàn chỉnh chính sách đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới với tinh thần phù hợp hơn, có tính đến đặc thù của thành phố. UBND TP hiện có chính sách hỗ trợ vay vốn tín chấp cho các thành viên HTX, tổ hợp tác.

Mức vay lần 1 là 40 triệu đồng, lần 2, mức hỗ trợ vay tăng lên 60 triệu đồng với lãi suất thấp, trong tối đa 3 năm. Tính đến nay, Liên minh HTX thành phố đã trợ vốn 627.502 lượt thành viên với doanh số trợ vốn trên 9.410,4 tỷ đồng, dư nợ cho vay 786,4 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ, tư vấn miễn phí về các thủ tục pháp lý để thành lập HTX như điều lệ, phương án kinh doanh,… được liên minh triển khai thường xuyên. Quỹ Bảo vệ môi trường đã duyệt vay 46 dự án với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp Sở KH-ĐT xem xét tính pháp lý; đồng thời bố trí nguồn vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường, đảm bảo không gián đoạn nguồn vốn. Sở TN-MT chủ trì, cùng các quận huyện sớm rà soát, sắp xếp chuyển đổi mô hình hoạt động của lực lượng RDL, nhất là những đường dây thu gom rác chưa có pháp nhân. Các quận huyện khẩn trương xác lập vị trí và đầu tư các trạm trung chuyển rác với công nghệ ép rác kín, tiên tiến và nghiên cứu xây dựng các trung tâm trung chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục. Các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn quận huyện phải đảm bảo đủ phương tiện kết nối trung chuyển kịp thời với lực lượng RDL.

Các quận huyện cũng phải nghiên cứu ban hành thêm các chính sách hỗ trợ lực lượng RDL. Đối với các hẻm nhỏ dưới 1m, UBND các quận, huyện xác lập mô hình thu gom rác, chất thải rắn sinh hoạt và mẫu phương tiện phù hợp thực tiễn. Đến tháng 8-2020, việc chuyển đổi quy trình hoạt động nói chung của lực lượng RDL phải được hoàn thiện.

Các tin khác