Đây không chỉ là tin vui cho ngành hàng không, còn thắp lên hy vọng cho ngành du lịch. Song làm sao để dịch không bùng phát trở lại khi mở cửa bầu trời, là câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm.
2 đợt dịch liên tiếp đã làm kiệt quệ khả năng chịu đựng của doanh nghiệp (DN) trong một số ngành như vận tải hàng không, du lịch, lưu trú… Những DN này đã phải đón nhận kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động của mình. Đơn cử, Tổng CTCP Hàng không Việt Nam với lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm hơn 6.678 tỷ đồng (giảm 540%). Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV báo lỗ trước thuế hơn 180 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tập đoàn Du lịch Thiên Minh báo lỗ 242 tỷ đồng sau nửa năm… Đặc biệt, ngành du lịch đang “đói” khách quốc tế (nơi đóng góp 55% tổng thu của du lịch Việt Nam và tăng trưởng liên tục trong những năm qua), khi dịch vẫn chưa được kiểm soát tốt ở nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh khó khăn, thông tin mở lại đường bay quốc tế đến một số quốc gia vào ngày 15-9, đã trở thành tín hiệu tích cực với ngành hàng không cũng như khôi phục kinh tế, dù với ngành du lịch chưa có cơ hội rõ nét trong dịp này. Bởi hành khách được vận chuyển và nhập cảnh vào Việt Nam chỉ bao gồm nhà ngoại giao, khách công vụ, công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu hồi hương, hoặc đi lao động tại các nước (trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc); người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao; nhà đầu tư; nhân viên các dự án trọng điểm. Dù vậy, nhiều DN du lịch đang trong tư thế sẵn sàng, để khi mở cửa lại thị trường khách quốc tế có thể đón khách ngay.
Hy vọng đang được nhìn thấy, nhưng làm sao để mở cửa bầu trời an toàn đang là vấn đề nhận được rất nhiều quan tâm. Bởi hàng không là cửa ngõ cho du lịch, kinh tế nhưng cũng là cánh cửa cho dịch xâm nhập và có thể làm bùng phát lần 3 nếu kiểm soát không tốt. Thời gian qua việc nới lỏng phòng dịch và không kiểm soát tốt khách nhập cảnh, dịch đã bùng phát lại ở Đà Nẵng. Trong khi đó chủng virus mới lây lan nhanh, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng phát dịch trở lại, nên không thể an toàn với Việt Nam nếu mở cửa hàng không lúc này.
Trước những lo lắng ấy, Bộ GTVT cho biết các bộ, ngành đã có những tính toán kỹ lưỡng về các phương án kiểm tra y tế ở sân bay đi/sân bay đến, năng lực đảm bảo kiểm soát dịch của hãng hàng không, năng lực tại các khu vực cách ly. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc với hành khách khi nhập cảnh, công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ phê duyệt để thông báo với đối tác, hành khách… Mở cửa đường bay một cách thận trọng với tinh thần thực hiện mục tiêu kép là điều được nhắc lại khá nhiều lần.
Những chuẩn bị kỹ lưỡng ấy sẽ giúp chúng ta an tâm trong thời gian đầu khi mở cửa lại các đường bay. Nhưng mong rằng sẽ không có sự chủ quan, đừng để việc sau 5-10 chuyến bay an toàn, công tác kiểm tra y tế bị lơi lỏng. Kinh nghiệm từ lần dịch bùng phát trở lại đã cho thấy điều đó. Sau gần 100 ngày không có ca nhiễm mới đã có rất nhiều sự lơi lỏng phòng dịch từ cả người dân đến các cơ quan quản lý. Vì thế, dù đang có những tín hiệu tích cực hơn từ việc chuẩn bị cho kích cầu nội địa lần 2 đến những tia hy vọng của du lịch quốc tế, nhưng đây cũng là thời điểm phải thắt chặt hơn công tác giám sát và đảm bảo du lịch an toàn nhất có thể.
Mở lại đường bay quốc tế trợ giúp ngành hàng không, từng bước giúp ngành du lịch đang ngổn ngang với biết bao khó khăn, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của các chuyên gia, DN, là điều ai cũng mong mỏi. Thế nhưng giữa cái được và cái mất (mất khả năng kiểm soát dịch, để dịch quay trở lại lần 3), rất cần sự tính toán, cân nhắc từ các cơ quan quản lý nhà nước.