Chuyển đổi số và quản lý nguồn nhân lực
Chuyển đổi số thành công, sẽ cho phép doanh nghiệp (DN) đạt được tiêu chuẩn hóa các phương thức kinh doanh trong toàn bộ tổ chức, có nghĩa là mọi bộ phận đều có thể trở nên bền vững, năng suất, hiệu quả và an toàn hơn.
Một nghiên cứu của chính tác giả thực hiện thông qua dữ liệu khảo sát từ 200 nhân viên, chuyên viên và quản lý trong ngành nhân sự cho thấy, chuyển đổi số tác động tích cực đến quản lý nguồn nhân lực thông qua: phát triển nguồn nhân lực, quản lý nhân tài và hiệu suất công việc. Trong đó, tác động của chuyển đổi số đối với hiệu suất công việc là mạnh nhất, tiếp theo là quản lý nhân tài và sau cùng là phát triển nguồn nhân lực.
Quy mô kinh tế số của Việt Nam được dự báo đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nhân viên có kỹ năng ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp quản lý và chuyên môn đã là một hạn chế.
Theo kết quả đề tài nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2025, Việt Nam cần 500.000-600.000 nhân lực trình độ đại học mỗi năm trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, với năng lực đào tạo hiện nay, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 40-60% nhu cầu nhân lực.
Dựa trên Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 100.000 DN công nghệ số.
Báo cáo gần đây về mục tiêu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhiều tỉnh thành trong đó có TPHCM, xác định ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống là một khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và DN. Trong đó, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; ứng dụng quản lý địa bàn dân cư và hồ sơ công việc tại UBND các phường trên địa bàn (G-Office) sẽ được tiên phong triển khai và đưa vào xử lý những công việc hành chính tại địa phương.
Cần đưa vào thực tiễn
Thứ nhất, đối với từng địa phương, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số là hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy, việc áp dụng chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực tại Việt Nam vẫn chưa đồng bộ tại các địa phương. Tại những tỉnh vùng sâu, quản lý nhân lực theo phương pháp truyền thống vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa tập trung vào hiệu suất công việc; đối với chuyển đổi số là phương thức khá mới mẻ tại những địa phương này.
Trong khi đó, ở những thành phố lớn, đã nhận thức trong ứng dụng công nghệ, cụ thể là áp dụng chuyển đổi số trong công việc có sự chủ động hơn, tiếp cận công nghệ nhanh chóng hơn, từ đó gia tăng sự hiệu quả và giá trị công việc. Do đó, các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương cần có những chính sách nhằm khuyến khích cá nhân, DN áp dụng chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Thứ hai, để chuyển đổi số mang lại giá trị trong quản lý nguồn nhân lực, cần có những con người am hiểu và đủ kiến thức ứng dụng công nghệ vào công việc. Vai trò của trường đại học nói riêng và những cơ quan giáo dục tại Việt Nam nói chung là vô cùng quan trọng.
Những trang bị về kiến thức, kỹ năng và thái độ trong chuyển đổi số đối với những sinh viên, người học là điều cần hoàn thiện. Muốn thế, nhà trường phải thay đổi phương pháp tiếp cận, ứng dụng nhiều hơn công nghệ trong giảng dạy để người học quen dần với việc áp dụng công nghệ số vào trong đời sống và công việc.
Thứ ba, Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, về việc các cơ quan ban ngành quyết định trong vấn đề nghiên cứu, xây dựng Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Như vậy, các nhà quản lý nhân sự phải hiểu và áp dụng các hệ thống ứng dụng công nghệ số để đảm bảo quản lý hiệu quả việc chuyển đổi số trong kinh doanh. Nói cách khác, phải có hiệu quả phối hợp giữa việc triển khai và sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để khai thác các lợi ích trong quản lý nguồn nhân lực.
Đối với các cơ quan ban ngành, những chính sách nên tập trung hỗ trợ nhiều hơn đối với DN, cụ thể là qua những đợt tập huấn, hướng dẫn. Đối với nhà quản lý nhân sự trong từng DN, nên thiết lập quy trình, cơ chế rõ ràng trong chuyển đổi số dựa trên 3 khía cạnh hiệu suất công việc, quản lý nhân tài và phát triển nguồn nhân lực.
Như “nước đã đến chân”,các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương cần có những chính sách nhằm khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực trong thời gian tới.