Tăng trưởng tín dụng đã thoát khỏi tình trạng âm, nhưng vẫn chỉ nhích lên một cách khiêm tốn. Tình trạng đó cho thấy ngay cả khi lãi suất ngân hàng (NH) trên danh nghĩa đã xuống khá thấp và lãi suất cho vay đã được ấn định mức trần đối với một số nhóm ngành DN được ưu tiên, thì trên thực tế DN vẫn rất khó khăn, hoặc chưa muốn tiếp cận vay vốn tín dụng NH.
![]() |
Nhiều đề xuất đã được đưa ra trong đó có cả đề xuất về việc NH nên tính chuyện cho DN thế chấp hàng tồn kho để vay vốn tín dụng tái sản xuất…
Chuyện cũ xới lại
Trong lúc một số chuyên gia kinh tế và NH rất tích cực đưa ra đề xuất cần cho DN thế chấp hàng tồn kho vay vốn để cứu DN khỏi tình trạng đói vốn, thì các NHTM trong hệ thống NH Việt Nam vẫn chưa quên một số câu chuyện cũ trong kỳ tín dụng năm 2011 và vẫn còn nóng hổi.
Đó là câu chuyện về 5 NH trên địa bàn thành phố Cần Thơ, bao gồm ABBank, Vietinbank, SeaBank, Eximbank và NH phát triển chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang đã xảy ra “tranh chấp” quanh kho hàng của Công ty chế biến thủy sản An Khang (Cần Thơ).
Số tiền Công ty này nợ 5 NH là 305 tỉ đồng và khi Công ty có dấu hiệu mất khả năng chi trả, các NH mới “tá hoả” phát hiện hàng hóa tồn kho luân chuyển bao gồm các sản phẩm cá tra fillet, chả cá sumiri đông lạnh, tổng cộng hơn 1.000 tấn mà Công ty này dùng để thế chấp, bên cạnh tài sản bất động sản dùng thế chấp, là một kho hàng hoàn toàn rỗng.
Vì giữa lúc các NH đang tính chuyện mở kho giải chấp hàng hoá để thanh toán thì đại diện Công ty An Khang đã ký thoả thuận giao toàn bộ 2 kho hàng đã dùng thế chấp để “trả” cho các hộ bán cá tra nguyên liệu mà Công ty còn nợ; quy ra thành tiền là trên 29,4 tỉ đồng.
Các hộ dân theo đó đã tự ý vào mở cửa kho lấy đi số lượng lớn hàng hoá và để lại các xác kho không. Chưa bàn đến chuyện vì sao cũng chỉ là 2 kho hàng có số lượng hàng hạn định, mà An Khang đã dùng để thế chấp vay vốn được cùng lúc ở 5 NH, thì sự việc này cũng cho thấy rủi ro của các NH khi chấp nhận hàng tồn kho của DN như tài sản thế chấp đảm bảo cho vay, là rất lớn.
![]() |
Biểu đồ chỉ số tồn kho từ tháng 3-2011 đến tháng 4-2012 |
Một câu chuyện khác, cũng với nội dung DN sử dụng hàng tồn kho làm tài sản thế chấp để vay vốn NH, nhưng ở đây hàng tồn kho thậm chí gần như là “hàng ma” và DN cũng là DN “ma”. Đó là sự vụ một số NH trong đó có BIDV và Vietcombank đã cho Công ty Minh Chí, địa chỉ ở 52A Đồng Xoài, P 13, Q Tân Bình, TPHCM và một số Công ty con được lập ra cũng với mục đích vay vốn, tổng cộng dư nợ cho vay khoảng 400 tỉ đồng.
Tài sản để DN thế chấp vay là hơn 5.000 tấn cà phê mà giá trị thực chỉ bằng 1/10 giá trị trên giấy tờ chỉ được các NH “định giá lại” sau khi DN vỡ nợ và đại diện các Công ty con trong nhóm Công ty Minh Chí, thực chất đều là một, cao chạy xa bay.
Những sự việc trên không chỉ cho thấy việc quản lý lỏng lẻo đối với nghiệp vụ thẩm định tín dụng ở các NH và ngay cả khi việc quản lý này đã được siết chặt, thì nếu DN có dụng ý xấu, mục đích xấu trong việc sử dụng hàng tồn kho làm tài sản thế chấp, NH vẫn khó tránh được rủi ro.
Rủi ro có thể đến từ việc thất thoát hàng hoá nếu đó là hàng tồn kho luân chuyển, có xuất có nhập và DN lợi dụng các kẻ hở của tổ chức quản lý thứ ba để rút ruột hàng. Rủi ro cũng có thể đến từ khâu bảo quản, cố định giá hàng hoá sau một thời gian DN không đáo hạn khoản vay và NH buộc phải phát mãi.
“Phòng kẻ ngay nhưng khó ai phòng được kẻ gian” chính là một trong những phương châm mà có lẽ qua các bài học thực tiễn chưa nguội, các NH sẽ không dám quên.
Vẫn có thể thế chấp hàng tồn kho cho DN vay vốn, nếu...
Nói như vậy hẳn những DN làm ăn đàng hoàng, minh bạch đang có nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng NH để duy trì và tái sản xuất kinh doanh sẽ cảm thấy bức xúc.
Bởi NH không thể vì “một vài con sâu” là các DN có dụng ý xấu, có lịch sử tín nhiệm “đen” mà đi đến dè chừng trong việc cho vay ra, và luôn “cứng nhắc” với yêu cầu DN phải đáp ứng mọi tiêu chí của NH đặt ra mới được vay vốn.
Nhưng như thế nào mới đáp ứng được tiêu chí của các NH khi DN hàng đống hàng tồn kho chưa giải quyết được, chưa khơi thông đầu ra, chưa thu được tiền hàng trả nợ cũ và chắc chắn không thể có cơ hội vay tín dụng mới?
Do đó, đặt vấn đề cho DN thế chấp hàng tồn kho làm tài sản đảm bảo vay vốn, hẳn sẽ là một giải pháp vừa giúp được DN, vừa giúp được NH “tháo” vốn. Một mũi tên trúng hai mục đích.
Nhưng theo một chuyên gia, mũi tên này chỉ có thể rời khỏi cây cung đã được giương căng vừa độ, mũi tên và cánh cung đều “đồng bộ” chứ không cọc cạch tên một đằng cung một nẻo. Trong khi, vấn đề “đồng bộ” của mũi tên và cánh cung của ta hiện nay lại đang thiếu, và yếu.
Cũng theo chuyên gia này, trên quan điểm đồng thuận với đề xuất của chuyên gia Bùi Kiến Thành và một số chuyên gia, nhà quản lý khác về việc nên xem xét chuyện thế chấp hàng tồn kho của DN, theo ông, kinh nghiệm thực tiễn ở một số thị trường phát triển cũng cho thấy có thể ứng dụng và triển khai tốt nghiệp vụ thế chấp – cho vay trong hệ thống tín dụng này.
Nhiều nền kinh tế như Mỹ vốn đã xem đây là một nghiệp vụ bình thường của tín dụng NH và nhờ đó, DN lẫn NH đều rất phát triển.
“Có khác, ở Hoa Kỳ lãi suất rất thấp chỉ chưa đầy 3%. DN muốn vay không hề gặp khó khăn. DN cũng không quá khó về vốn vì vốn tự có chiếm tỉ lệ khá cao, do đó họ không phải vay vốn NH bằng mọi tài sản thế chấp, hay mọi phương cách.
Mặt khác, nếu muốn vay vốn NH bằng tài sản đảm bảo thế chấp là hàng tồn kho, họ luôn có sẵn các Công ty cung ứng dịch vụ bảo lãnh, bảo hiểm, quản lý tài sản sau khi đã định giá đầy đủ. Từ đó NH cũng dễ dàng và sẵn sàng cho DN vay vốn với một lãi suất bù đắp rủi ro, và một tỉ lệ cho sau trên mặt hàng định giá hợp lý mà các bên đều chấp nhận được” - vị này cho biết.
Nói như vậy, chuyện DN thế chấp hàng tồn kho để vay tín dụng vẫn được xem là chuyện bình thường trong bất kỳ nền kinh tế đang đi theo cơ chế thị trường nào.
Nhưng điều kiện kèm theo rõ ràng là phải có bảo hiểm hàng hoá tồn kho. Phải có các tổ chức bảo hiểm phải thực thi các nghiệp vụ định giá hàng hoá bao gồm số lượng hàng, chất lượng hàng, thị trường tiêu thụ hàng khi phát mãi hoặc xác định tỉ lệ chiết khấu khi hoán chuyển hàng qua thị trường thứ cấp.
Có được những điều kiện đó, rủi ro của NH khi nhận tài sản đảm bảo thế chấp là hàng tồn kho của DN sẽ hoàn toàn được giảm thiểu. Và những câu chuyện rủi ro của NH trong quá khứ như kể trên, cũng khó có “đất sống” ngay cả khi khâu quản lý nghiệp vụ tín dụng của NH không được chặt chẽ.
Một chuyên gia NH khác cũng cho biết ở thị trường tài chính Hoa Kỳ, để việc NH nhận hàng tồn kho của DN làm tài sản đảm bảo được phát triển một cách bình thường, nêu các điều kiện trên là cần thì vẫn còn một điều kiện đủ phải đảm bảo: Đó là thị trường cần được xây dựng một sàn giao dịch chuyên mua bán hàng tồn kho thứ cấp, gọi là “secondary market” (chợ thứ cấp).
Đó là “đầu ra” cho các hàng hoá tồn kho được mua đi bán lại, luân chuyển giữa DN, các tổ chức ngân hàng, các tổ chức đầu tư, bảo hiểm và các tổ chức khác trong toàn bộ thị trường, để hàng tồn kho không chỉ là tài sản đọng và rơi vào viễn cảnh mất giá sau một thời gian nhất định.
Trong tình cảnh các dịch vụ tài chính – ngân hàng và giao dịch hàng hoá còn hạn chế của Việt Nam, như hiện nay, các điều kiện cần và đủ kể trên vẫn khá vời xa.
Vì lẽ đó, trước mắt, bên cạnh những giải pháp nỗ lực cứu DN mà các cơ quan quản lý và các chuyên gia kinh tế đã hiến kế, thi triển trong suốt thời gian qua, có lẽ cũng cần phải nhìn nhận lại một cách kỹ càng hơn về hoạt động kinh doanh của DN Việt Nam.
Nên chăng, cần xem khó khăn trong thời điểm hiện tại cũng sẽ là một cơ hội để DN nhìn và xốc lại các tiêu chuẩn 5 C của mình: Năng lực (Capacity), Vốn (Capital), Thế chấp (Collateral), Uy tín (Character) và các điều kiện khác (Conditions).
DN có thể thiếu một trong 5 C đã kể, nhưng không thể cùng lúc thiếu cả 5 C, mà vẫn mong được “giải cứu” hay tồn tại,