Việc thay đổi, tìm ra mô hình, sản phẩm kinh doanh mới là điều dễ nhìn thấy tại doanh nghiệp do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch. Từ khi ngành hàng điện thoại bão hòa, phải đóng cửa hàng loạt điểm bán, Thế giới Di động liên tiếp đưa ra mô hình kinh doanh mới, đồng thời ồ ạt bổ sung sản phẩm mới vào ngành hàng kinh doanh. Tuy nhiên, song song với tiên phong ngành hàng mới thì một số chuỗi cửa hàng, sản phẩm mới doanh nghiệp thử nghiệm cũng nhanh chóng “chết yểu”.
Một trong số các chuỗi nhanh chóng bị khai tử là chuỗi điện thoại siêu rẻ. Chuỗi này lặng lẽ rút khỏi thị trường sau khoảng 9 tháng ra mắt.
Vào đầu tháng 9-2019, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế giới di động Nguyễn Đức Tài khi chia sẻ về câu chuyện kinh doanh tại doanh nghiệp đã nói về sự ra đời của chuỗi mới là Điện Thoại Siêu Rẻ.
Ông Tài cho rằng khách hàng luôn luôn có 2 nhóm, một nhóm quan tâm đến dịch vụ, một nhóm quan tâm đến giá cả. Thế giới Di động đã làm rất tốt mảng dịch vụ, thì tập trung vào nhóm giá cả.
Điện Thoại Siêu Rẻ đi theo chiến lược cắt giảm chi phí, không phục vụ wifi và thậm chí không có bảo vệ giữ xe, đánh vào dân cư sống xung quanh cửa hàng là chính.
Kỳ vọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp là sẽ tăng doanh thu bằng cách "bán những món hàng chưa bao giờ bán, và tiếp cận nhóm khách hàng chưa tiếp cận bao giờ", với chiến lược khác biệt với chuỗi Thegioididong.com. Như cùng dòng máy nhưng tại Điện thoại Siêu rẻ sẽ có giá rẻ hơn lên đến gần 10%. Đặc biệt, chuỗi này chỉ bán những dòng máy có giá tầm 8 triệu đồng trở xuống.
Đầu năm 2020, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ có doanh thu trung bình 300 triệu đồng/tháng, đạt mức hòa vốn nhưng chưa sinh lời vì biên lãi gộp thấp. Và lần lượt sau thời điểm đó, 17 cửa hàng của chuỗi này lặng lẽ đóng cửa. Website dienthoaisieure.com đến cuối tháng 6-2020 cũng dừng hoạt động.
Lý do ngưng là: “Sau nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi thấy thị trường mắt kính bên ngoài sống được nhờ kính thuốc là chủ yếu. Thế giới Di động mà mang thêm máy đo mắt vào chuỗi của mình để phục vụ nhu cầu khách mua kính thuốc có vẻ không hợp. Do đó, chúng tôi quyết định tạm ngừng kinh doanh mặt hàng này”, ông Hiểu Em trả lời truyền thông.
Trước đó, Thế giới Di động cũng từng thử mở cửa hàng nhỏ ở các huyện nhưng không thành công, buộc phải đóng cửa. Hay trang thương mại điện tử Vui Vui, các cửa hàng máy cũ cũng giải tán…
Hiện doanh nghiệp này đang thử nghiệm với mô hình điện máy supper mini, với các cửa hàng có diện tích mặt bằng từ 120 – 150 m2, cung cấp khoảng 60% danh mục các sản phẩm điện thoại, điện máy cơ bản, hướng đến phục vụ khách hàng ở khu vực nông thôn.
Với riêng từng ngành hàng, doanh nghiệp cho biết 4 tháng đầu năm, mặt hàng điện thoại ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 2 chữ số nhờ sự đóng góp lớn đến từ các sản phẩm Iphone.
Ngành hàng đồng hồ tăng trưởng khoảng 50% doanh thu và tăng gấp đôi về số lượng so với cùng kỳ 2020. Trong 4 tháng, 850 cửa hàng đã bán 540 ngàn sản phẩm, mang về 670 tỷ đồng.
Chuỗi Bách hóa Xanh đang có doanh thu tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, đạt 8.000 tỷ đồng. Bách hóa Xanh hướng đến mục tiêu biên lợi nhuận gộp 27% vào cuối năm 2021, trong đó có đẩy mạnh bán hàng nhãn riêng, hàng nhập khẩu và độc quyền phân phối một số mặt hàng.
Tại thời điểm 30-4-2021, Bách hóa Xanh có 1.803 điểm bán tại 25 tỉnh thành. Trong đó, có 70% số cửa hàng đang mở tại các tỉnh ngoài TPHCM.
Trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu, doanh nghiệp cho biết đang chủ động tăng tồn kho sản phẩm công nghệ - điện máy, để tránh rủi ro thiếu hàng, đảm bảo doanh thu và tiếp tục gia tăng thị phần.
Đáng chú ý, từ tháng 5-2021, Thế giới Di động bắt đầu thử nghiệm kinh doanh ngành hàng xe đạp tại một số cửa hàng Điện máy Xanh. 2 cửa hàng Điện Máy Xanh ở TP Thủ Đức đang bán thử nghiệm xe đạp, với giá bán khoảng 2-12 triệu đồng/chiếc.