Điều bất thường mới
Theo Trung tâm Dự báo khí hậu của Mỹ, 71% nguy cơ hiện tượng El Nino sẽ mạnh lên trong giai đoạn nói trên. El Nino cũng sẽ làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu, gây ra hạn hán và lũ lụt ở một số khu vực địa lý khác nhau.
Giới chuyên gia cảnh báo, hiện tượng El Nino sẽ đe dọa đến nguồn cung gạo toàn cầu, cũng như nguồn cung nhiều mặt hàng khác như: cà phê, dầu cọ, đường, lúa mì và chocolate từ Đông Nam Á, Australia và châu Phi. Petteri Taalas, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng thế giới, đã gọi đợt thời tiết khắc nghiệt không ngừng này là "điều bình thường mới".
Nhưng một số nhà khoa học đang phản đối định nghĩa đó. Nhà khoa học khí hậu nổi tiếng tại Đại học Pennsylvania, Giáo sư Michael E. Mann, cho rằng thời tiết mà chúng ta đang thấy là "điều bất thường mới".
Lũ lụt hoành hành ở Yamuna, New Delhi, Ấn Độ
Nói với CNN, ông E. Mann khẳng định: "Trạng thái bình thường mới truyền tải sai ý tưởng rằng chúng ta vừa đến một trạng thái khí hậu mới và chúng ta chỉ cần thích nghi với nó".
Tương lai bất định
Sự phát triển của El Nino góp phần làm gia tăng thêm sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra trong thời gian dài và dự kiến sẽ có tác động lớn. Khi cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục tồi tệ đi, con người sẽ đối mặt ngày càng nhiều bất ngờ hơn.
Peter Stott, nghiên cứu sinh về khí hậu tại Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, cho biết: "Các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục trở nên khốc liệt hơn và các kiểu thời tiết có thể thay đổi theo những cách mà chúng ta chưa thể dự đoán được".
Theo Gavin Schmidt, nhà khí hậu học và giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA, El Nino mới bắt đầu trong những tháng gần đây nên chưa tác động lớn đến nhiệt độ cực đoan mà toàn cầu đã trải qua vào mùa hè năm 2023. Schmidt cho biết: "Chúng tôi dự đoán năm 2024 sẽ nóng hơn bởi chúng ta sẽ bắt đầu với sự kiện El Nino. Mức nhiệt sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm nay và mức độ ảnh hưởng sẽ tác động đến số liệu thống kê của năm sau".
Các nhà khoa học cũng thảo luận về tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đối với đại dương trên Trái đất, khi nhiệt độ Bắc Đại Tây Dương tăng vọt. Trong tháng 8 vừa qua, khắp vùng xích đạo Thái Bình Dương có nhiệt độ mặt nước biển cao hơn mức trung bình, đặc biệt ở khu vực trung tâm và phía Trung - Đông Thái Bình Dương.
Carlos Del Castillo, Giám đốc Phòng thí nghiệm sinh thái đại dương của NASA, nhận định các đại dương đang "lên cơn sốt", ảnh hưởng xấu đến mọi thứ khác. Castillo lưu ý rằng nhiệt độ đại dương nóng hơn có thể khiến các cơn bão mạnh hơn và khiến mực nước biển dâng cao do băng tan.