Theo The Wall Street Journal, việc thế giới quá phụ thuộc vào một doanh nghiệp sản xuất chip giống như cách mà thế giới phụ thuộc vào dầu Trung Đông, bất kỳ bất ổn nào tại khu vực này cũng gây ra hiệu ứng dây chuyền lên nhiều ngành khác.
Chip của tập đoàn TSMC Đài Loan xuất hiện ở khắp nơi, dù rằng phần lớn người tiêu dùng không biết đến điều này.
TSMC sản xuất phần lớn các loại chip tinh vi nhất của thế giới và cả nhiều loại chip đơn giản hơn. Chip của TSMC được sử dụng trong ti tỷ loại sản phẩm, bao gồm sản phẩm điện tử như iPhone, máy tính cá nhân và ô tô, tất nhiên chẳng có dấu hiệu nào cho thấy chip này được sản xuất bởi TSMC. TSMC hiện đang sản xuất chip cho nhiều doanh nghiệp lớn như Apple và Qualcomm.
Sự thống trị của TSMC trong ngành bán dẫn toàn cầu khiến cho thế giới gặp khó. Chuỗi cung ứng của thế giới càng dễ bị tổn thương khi ngày một nhiều loại công nghệ yêu cầu các loại chip tinh vi và hầu hết những loại chip này đến từ một doanh nghiệp trên một hòn đảo hiện đang là tâm điểm của căng thẳng Mỹ - Trung.
Theo các chuyên gia phân tích, các nhà sản xuất khác sẽ khó theo kịp TSMC trong ngành này bởi nó cần đến sự đầu tư rất lớn. TSMC cũng không thể sản xuất đủ chip để đáp ứng cho nhu cầu của tất cả mọi người. Thực tế này đã trở nên ngày một rõ ràng trong bối cảnh toàn cầu thiếu hụt chip, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ngày một tồi tệ hơn, giá bán cho người tiêu dùng và người lao động ngày một cao hơn, đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô.
Theo công ty nghiên cứu chất bán dẫn TrendForce, các doanh nghiệp ở Đài Loan, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ, chiếm khoảng 65% doanh thu sản xuất chip trong quý I-2021. Riêng, TSMC tạo ra 56% doanh thu toàn cầu.
Tổ chức nghiên cứu Capital Economics khẳng định việc quá phụ thuộc vào chip của Đài Loan tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.
Tập đoàn TSMC niêm yết cổ phiếu trên sàn New York trong năm ngoái công bố 17,6 tỷ USD lợi nhuận tính trên doanh thu khoảng 45,5 tỷ USD.
TSMC cũng sản xuất khoảng 60% các bộ vi xử lý mà xe ô tô cần khi mà các phương tiện của họ ngày một dịch chuyển theo hướng tự động hóa, theo IHS Markit.
Mỹ, châu Âu và Trung Quốc hiện đang cố gắng để giảm sự phụ thuộc vào chip của Đài Loan. Tuy vẫn dẫn đầu thế giới trong thiết kế chip và bản quyền trí tuệ với nhiều doanh nghiệp như Intel, Nvidia hay Qualcomm, nhưng Mỹ hiện chỉ đang chiếm 12% trong tổng số hoạt động sản xuất chip của toàn cầu, giảm đáng kể so với con số 37% vào năm 1990, theo Boston Consulting Group.
Mới đây, Chính quyền Biden cũng đã đưa ra kế hoạch 50 tỷ USD nhằm phát triển hoạt động sản xuất chip nội địa. Trung Quốc đã đặt mục tiêu độc lập về sản xuất chip trong chiến lược của quốc gia này. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng đặt mục tiêu tự sản xuất ít nhất 20% trong tổng số chip toàn cầu vào năm 2030. Đây được xem như một phần trong tổng thể kế hoạch 150 tỷ USD phát triển các ngành công nghiệp số.
Bên cạnh đó, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ hiện đang ảnh hưởng xấu đến Đài Loan. Nó tạo thêm căng thẳng cho hòn đảo hiện đang là nơi sản xuất khoảng 2/3 lượng chip trong ngành bán dẫn toàn thế giới trong thời kỳ khủng hoảng sản xuất chip tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Trước tình hình đó, tham vọng muốn bắt kịp TSMC và Samsung cũng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu IC Insights cho rằng: “Các quốc gia khác sẽ cần chi ít nhất 30 tỉ USD mỗi năm trong tối thiểu 5 năm để có bất kỳ cơ hội thành công hợp lý nào trong việc bắt kịp TSMC và Samsung”.
Trong khi đó, Chủ tịch công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC – ông Mark Liu cho biết: tình trạng thiếu chip vốn đã bắt đầu từ cuối năm ngoái, TSMC đã cố gắng mở rộng quy mô sản xuất để phục vụ cho các doanh nghiệp ô tô.
Các kế hoạch mở rộng của riêng TSMC kêu gọi chi 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Con số này gần bằng 1/4 tổng chi tiêu vốn của toàn ngành, theo công ty nghiên cứu chất bán dẫn VLSI Research.