Thí điểm học trực tiếp vẫn băn khoăn

(ĐTTCO) - Mặc dù số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn ở mức cao nhất cả nước, TPHCM vẫn quyết định thí điểm học trực tiếp từ ngày 13-12 đối với khối lớp 1, 9 và 12. 
Thực hiện 5K và tiêm chủng cho học sinh.
Thực hiện 5K và tiêm chủng cho học sinh.
Sau đó, tiếp tục thí điểm đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Riêng huyện Cần Giờ, Trường mầm non Thạnh An, Trường Tiểu học Thạnh An và Trường THCS-THPT Thạnh An học trực tiếp ở tất cả khối lớp từ 13-12.
Vì sao TPHCM lại sốt ruột chuyển đổi mô hình học trực tuyến sang học trực tiếp? Nói đơn giản, đó là nhu cầu thiết thực của ngành giáo dục. Bởi lẽ, học trực tiếp sự gắn kết giữa thầy trò sẽ khiến chất lượng giáo dục đảm bảo hơn. Tuy nhiên, bây giờ đã là thời điểm cuối năm, rục rịch thí điểm học trực tiếp cũng có nhiều bất cập. Một học kỳ vài tháng học trực tuyến cộng gộp vào 1 tháng học trực tiếp rất khó đánh giá chính xác hiệu quả dạy và học.
TPHCM chọn khối lớp 1, 9 và 12 để thí điểm học trực tiếp, vì ý nghĩa quan trọng của 3 khối lớp này. Lớp 1 cần quen với mô hình học tập khác hẳn với mầm non, lớp 9 phải thi chuyển cấp và lớp 12 thi tú tài để xét tuyển vào đại học. Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TP giải thích thêm: “Cho học sinh đi học trực tiếp là thí điểm sự thích ứng an toàn của các cơ sở giáo dục đối với tình hình mới. Do vậy, chúng tôi lựa chọn thí điểm dựa trên mức độ ưu tiên, cần thiết đối với các khối lớp. Học sinh buộc phải học trực tuyến trong điều kiện bắt buộc vì dịch bệnh, nhưng với lớp 1 - lứa tuổi còn cần giáo viên cầm tay chỉ việc - các em đến trường học trực tiếp với giáo viên là tốt nhất”. 
Thiện chí của ngành giáo dục TPHCM không thể phủ nhận, nhưng rất cần cân nhắc làm sao để an toàn tuyệt đối cho học sinh. Học sinh lớp 9 và lớp 12 tương đối đã hình thành ý thức bảo vệ cá nhân, còn học sinh lớp 1 rất vô tư. Chỉ cần có trò vui được khởi xướng, các cháu sẽ quên ngay việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Do vậy, nếu có cuộc khảo sát cẩn trọng và khách quan, phần lớn phụ huynh chưa mấy yên tâm cho học sinh lớp 1 đến trường trong hoàn cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường. Khi bắt đầu triển khai Nghị quyết 128, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã nhận định, việc không được đến lớp ảnh hưởng rất lớn đến học tập và phát triển tâm sinh lý của học sinh.
Đây không chỉ là nhu cầu của học sinh còn là của gia đình, phụ huynh học sinh. Đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu và cộng đồng. Ngành giáo dục và y tế phải hướng dẫn chi tiết về các quy định phòng, chống dịch trong lớp học, khi ra chơi, phương án xử lý khi có ca mắc trong trường học…
Dù muốn dù không cũng thấy rằng kế hoạch thí điểm học trực tiếp của ngành giáo dục TPHCM rất phập phồng. Nhiều phương án tỉ mỉ đã được đặt ra, như ngày đầu tiên học sinh đi học lại nhà trường sẽ không tổ chức các hoạt động học tập, chỉ tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai kế hoạch học tập, kế hoạch phòng chống dịch bệnh của nhà trường để học sinh an tâm đi học.
Mỗi đơn vị giáo dục tổ chức thực hiện lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo giãn cách trước giờ học, giờ chơi và giờ tan trường. Nếu học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất vị giác, mất khứu giác phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đến cơ sở y tế để được khám và điều trị…
Dù vậy vẫn có không ít băn khoăn: Sau 2 tuần thí điểm sẽ tiếp tục học trực tiếp hay quay lại học trực tuyến, khi các cơ sở giáo dục phải chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ hai hàng tuần do UBND TPHCM công bố?
Có không ít trường học từng được trưng dụng làm khu cách ly hoặc bệnh viện dã chiến, phải xử lý như thế nào? Công tác bàn giao cũng đã lâu, nên đến đầu tháng 12 việc sửa chữa, thay mới các trang thiết bị hư hỏng đã cơ bản hoàn tất. Nhiều trường học cũng đã chuẩn bị các vật dụng cần thiết trong phòng chống dịch... Cho nên, khi mở lại cánh cổng trường học, điều quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường. 
Là cơ quan chuyên môn trong công tác chống dịch, Bộ Y tế cũng ủng hộ việc trở lại học trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành y tế và giáo dục đã nhiều lần phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục, trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc cho trẻ em tiếp tục đến trường. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương không vì lo lắng quá mức đối với dịch bệnh mà hạn chế việc học tập trực tiếp của trẻ em, đặc biệt là trẻ em đầu cấp. Về vấn đề triển khai biện pháp phòng chống dịch, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng chống dịch trong trường học, đảm bảo vừa học tập hiệu quả vừa phòng chống dịch Covid-19.
Quan điểm của Bộ Y tế là “không nên đợi chờ vaccine”. Bởi hiện nay, chúng ta chỉ tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trẻ từ 5-11 không thể đợi chờ có vaccine mới cho đến trường. Rủi ro ở lứa tuổi này không cao như ở người lớn. Vì vậy, Bộ Y tế đã khuyến cáo các địa phương mạnh dạn đưa học sinh đi học, đặc biệt là các xã, huyện, tỉnh thuộc cấp độ 1, cấp độ 2.
Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng nêu rất rõ về việc địa phương ở cấp độ 1, 2 đi học bình thường, nhưng đến thời điểm hiện nay không nhiều địa phương mạnh dạn triển khai học trực tiếp. Những nơi có dịch cấp độ 3 mới hạn chế một số vấn đề liên quan đến việc kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến. Cho nên, TPHCM tiên phong kích hoạt học trực tiếp sẽ tạo tiền đề cho nhiều tỉnh khác, nhất là khu vực ĐBSCL. 
Bộ Giáo dục - Đào tạo bày tỏ sự đồng tình với việc triển khai học trực tiếp từng bước ở TPHCM. Quan điểm của bộ này là mỗi địa phương tổ chức dạy và học trên tinh thần chủ động, tâm thế sẵn sàng, kiên trì mục tiêu chất lượng ở bất cứ hoàn cảnh nào. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn ngành giáo dục cần nghiêm túc quán triệt thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch; thực hiện 5K và tiêm chủng cho học sinh. Ở mọi trường hợp phải đặt sức khỏe của học sinh lên trên hết. Phải xây dựng các phương án dạy học trong điều kiện bình thường mới, cố gắng để trường học trong vùng an toàn, học sinh được học trực tiếp. 

Các tin khác