Khi đo thị lực bằng tay, bác sĩ sẽ yêu cầu chúng ta che từng mắt (che chứ không phải nhắm 1 mắt) rồi đọc các chữ cái trên 1 cái bảng. Đây được gọi là bảng đo thị lực. Có rất nhiều bảng đo thị lực nhưng được sử dụng phổ biến nhất có 2 loại bảng là bảng Snellen và bảng Tumbling E.
Bảng đo thị lực Snellen
Bảng này được đặt theo tên của người phát minh là bác sĩ nhãn khoa người Hà Lan tên là Hermann Snellen, được sử dụng từ thập niên 1860 tới nay.
Bảng thị lực Snellen có 11 hàng, hàng trên cùng là chữ E với kích thước to nhất, hàng cuối cùng có chữ nhỏ nhất.
Cách đo thị lực như thế nào?
Ở Việt Nam thường sử dụng thang điểm 10/10, tức là đo thị lực khi đọc chữ trên bảng Snellen ở khoảng cách 10 feet (tương đương với 3 mét). Có nhiều quốc gia sử dụng thang điểm 20/20 tức là đọc chữ ở khoảng cách 20 feet, tương đương với 6 mét.
Dĩ nhiên là kích thước chữ của bảng 20/20 sẽ to hơn bảng 10/10 vì phải đọc chữ ở xa hơn.
Ở các phòng khám không đủ rộng 3 mét / 6 mét, người ta sẽ đặt bảng Snellen ở sau lưng bệnh nhân và yêu cầu bệnh nhân nhìn vào một tấm gương ở trước mặt để đọc chữ. Phương pháp khúc xạ này sẽ tạo ra hình ảnh phản chiếu tương đương với khoảng cách tấm bảng Snellen đặt trước mặt cách 3 mét / 6 mét.
Kết quả thị lực
Bác sĩ sẽ đưa cho chúng ta 1 cái tấm để che bớt 1 bên mắt, sau đó yêu cầu chúng ta tìm hàng chữ kích thước nhỏ nhất có thể đọc được.
Nếu hàng chữ nhỏ nhất có thể đọc được là hàng 6 thì điều đó có nghĩa là thị lực của bạn là 6/10 (hoặc 20/40 nếu tính thang điểm 20).
Đọc được chữ ở hàng 10 thì thị lực là 10/10, tức là thị lực tốt.
Nếu đọc được chữ ở hàng 11 thì thị lực là 11/10, tức là tốt hơn người bình thường.
Ý nghĩa của phép đo thị lực
Đây là phép đo bằng tay để thử thị lực, nó không có tác dụng đo các tật khúc xạ của mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị, vì vậy chúng ta không cần gỡ mắt kính khi đo.
Nếu thị lực dưới 10/10 không có nghĩa là bạn bị cận thị mà có thể còn có nhiều nguyên nhân khác, ví dụ bị loạn thị cũng làm mắt nhìn không rõ.
Có nhiều nguyên nhân khiến mắt bị mờ, không đạt thị lực 10/10. Lúc này cần phải làm các xét nghiệm chuyên sâu hoặc đo mắt bằng máy đo điện tử để có kết quả chính xác hơn.
Bảng Tumbling E (Bảng chữ E)
Bảng chữ E được dùng trong trường hợp người được đo mắt nằm trong các trường hợp:
-
Không biết chữ
-
Trẻ em chưa đọc được chữ alphabet hoặc trẻ dễ đọc sai chữ
-
Người khiếm thính
Bảng chữ E cũng tương tự bảng Snellen, tuy nhiên chỉ sử dụng 1 chữ cái E và chúng được xoay 90 độ khác nhau. Một biến thể khác là bảng chữ C, dùng các chữ cái C được xoay 90 độ.
Cách đo tương tự bảng Snellen, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân dùng tay để mô tả chữ E được xoay theo hướng nào, là bình thường, xoay ngược hay quay trái, quay phải.