Thị trường bán lẻ Việt Nam kém hấp dẫn?

(ĐTTCO) - Trong khi Metro đang trong quá trình hoàn tất việc đổi chủ sở hữu ở Việt Nam thì Tập đoàn Casino công bố ý định nhượng lại toàn bộ hoạt động tại đây. Vì sao kinh doanh tại một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới mà các nhà đầu tư nước ngoài lại thay đổi ý định? Có phải thị trường Việt Nam đã kém hấp dẫn?

(ĐTTCO) - Trong khi Metro đang trong quá trình hoàn tất việc đổi chủ sở hữu ở Việt Nam thì Tập đoàn Casino công bố ý định nhượng lại toàn bộ hoạt động tại đây. Vì sao kinh doanh tại một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới mà các nhà đầu tư nước ngoài lại thay đổi ý định? Có phải thị trường Việt Nam đã kém hấp dẫn?

Big C theo chân Metro

Hơn hai tuần qua, thông tin Big C bị rao bán khiến giới bán lẻ trong nước xôn xao. Theo thông tin phát ra từ Tập đoàn Casino, công ty mẹ của Big C Việt Nam, tập đoàn này sẽ chuyển nhượng lại một số thị trường, trong đó có Việt Nam để tập trung cho các thị trường truyền thống.

Lý do được đưa ra là Casino cần "bán đi một số tài sản để giải quyết khoản nợ khoảng 2 tỷ euro".

Thị trường xôn xao trước thông tin rao bán Big C cũng phải vì cho đến thời điểm này, Big C là một trong những thương hiệu bán lẻ nước ngoài hoạt động hiệu quả nhất tại thị trường Việt Nam.

Không đưa ra con số cụ thể nhưng lãnh đạo Big C cho biết, trong những năm qua, kinh doanh của Big C tăng trưởng khả quan.

Còn theo Tạp chí Retail Asia, năm 2014, doanh thu của hệ thống Big C đạt 546 triệu USD, tăng 7% so với mức 511 triệu USD của 2013. Mấy năm qua, bình quân mỗi năm thương hiệu bán lẻ này vẫn đều đặn mở thêm 3 - 4 siêu thị.

Không những thế, Big C cũng được "định danh" là một thương hiệu có giá bán rẻ kèm chương trình khuyến mãi hoành tráng nhất tại Việt Nam. Bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn, các siêu thị Big C đã thu hút một lượng khách lớn mỗi ngày.

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Truyền thông Big C, cho biết, việc công bố thông tin của Tập đoàn là theo quy định của pháp luật, áp dụng cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Paris. Ý định của Tập đoàn không ảnh hưởng đến hoạt động tại Việt Nam và các kế hoạch đầu tư đã xây dựng trước đó.

Hiện tại, các hoạt động của Big C vẫn diễn ra bình thường. Cũng theo ông Nguyên, thời gian vừa qua, một số báo chí đã không tin không đúng về Big C, như các cửa hàng tiện lợi của Big C rút hàng khỏi kệ, ngừng kinh doanh...

"Trong kinh doanh, việc sắp xếp lại hàng hóa để làm mới cách bài trí là bình thường. Đơn giản là vậy nhưng có báo giật tít là Big C rút hàng, ngừng kinh doanh", ông Nguyên chia sẻ.

Đánh giá về việc rao bán Big C của Tập đoàn Casino, một doanh nhân hoạt động trong ngành bán lẻ cho rằng, đây là động thái bình thường của thị trường.

Dù tăng trưởng nhưng có lẻ quy mô thị trường chưa đủ lớn để Casino duy trì hoạt động tại Việt Nam. Báo cáo của Casino cho thấy, năm 2014, doanh thu của Big C Việt Nam mới chỉ đóng góp 1% doanh thu của tập đoàn mẹ.

Vì thế, nếu tìm được đối tác thích hợp, Casino sẽ giải quyết đáng kể món nợ khoảng 2 tỷ euro mà thương hiệu này muốn xử lý. Và "trước khi đạt được ý muốn thì họ phải làm cho thương hiệu cũng như hàng hóa bán tại đây hấp dẫn hơn.

Vì vậy, mọi hoạt động của Big C sẽ chẵng có gì thay đổi, nếu có chăng thì phải hấp dẫn hơn, thu hút khách hàng hơn", vị này nói.

Thị trường Việt Nam hết hấp dẫn?

Thông tin phát ra của Tập đoàn Casino khiến nhiều người đặt câu hỏi: Thị trường bán lẻ Việt Nam hết hấp dẫn? Bởi trước Big C, Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) cũng đã nhượng Metro Việt Nam cho một nhà đầu tư Thái Lan.

Hiện tại, việc chuyển giao giữa hai bên vẫn chưa đến giai đoạn cuối cùng nhưng việc thay đổi nhà đầu tư là chắc chắn.

Dù bị tụt hạng nhưng nhiều năm nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Theo báo cáo của CBRE vào cuối năm 2014, Việt Nam đứng thứ 2 trong số 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á.

Theo báo cáo này, Việt Nam nổi lên như một thị trường bán lẻ tiềm năng khi các nhà bán lẻ quốc tế cho biết sẽ chọn Việt Nam làm thị trường đầu tư với tỷ lệ ngang bằng Hong Kong và Singapore.

Trong đó, các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM nằm trong top 10 các thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Còn theo nhận định của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt 100 tỷ USD vào năm 2016.

Tuy hấp dẫn nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều "rào cản" đối với các nhà đầu tư. Lãnh đạo Tập đoàn Metro Cash & Carry khi nhượng lại hoạt động tại Việt Nam đã từng cho rằng, dù lĩnh vực bán lẻ phát triển nhưng mô hình truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa vẫn ăn sâu trong thói quen của người Việt Nam.

Trong nghiên cứu của Nielsen Việt Nam quý 1/2015 cũng cho thấy, bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ của kênh bán hàng hiện đại như siêu thị mini, cửa hàng tiện ích trong năm 2014, kênh truyền thống vẫn tăng trưởng vượt trội về nhiều mặt với 1,3 triệu cửa hàng, đóng góp đến 80% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Một yếu tố nữa là chi phí mặt bằng của Việt Nam thuộc loại cao nhất khu vực. Theo báo các mới đây của Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield, hiện giá mặt bằng cho thuê bán lẻ khu vực trung tâm TP. HCM lên tới khoảng 34 triệu đ /m 2 /năm, bỏ xa nhiều thành phố lớn như Dubai, Doha, Bangkok, Manila...

Nghiên cứu của Công ty CBRE cũng cho thấy giá thuê mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM ở nhóm tăng mạnh nhất trong khu vực. Trong quý 3/2015, giá thuê tại khu vực trung tâm lên tới hơn 120USD/m 2 /tháng, gấp 3 lần so với vùng ngoài trung tâm.

Đó cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư e ngại và khi có cơ hội tốt đã sẵn sàng chuyển nhượng. Vì thế, sự ra đi của Metro và sắp tới là Big C cũng là điều dễ hiểu.

Các tin khác