Bà NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG, Tổng giám đốc Vạn Phúc Land:
Sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hơn
Có thể nói cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư- kinh doanh BĐS nói riêng đã trải qua năm 2021 hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nhìn lại những kết quả mà kinh tế cả nước và TPHCM đã cho chúng ta có niềm tin hơn trong năm 2022.
Đó là, vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 của TPHCM xấp xỉ 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm.
Hoạt động tín dụng ngân hàng duy trì và tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước. Lượng kiều hối về TP ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ… Năm 2022, lãnh đạo TP đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt 6-6,5%, tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%...
Những thông tin này cho chúng tôi có niềm tin nội tâm trong năm nay kinh tế TPHCM nói chung và BĐS nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc. Về dịch bệnh, chúng ta đã phủ kín vaccine trong độ tuổi quy định và chuẩn bị chích mũi thứ 3, ngoài ra chúng ta chuẩn bị có thuốc kháng virus Covid-19 để người bệnh có thể sử dụng đại trà…
Như vậy chúng ta xác định “sống chung” với dịch bệnh nhưng với tâm thế chủ động hơn, nên hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Về hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS, tôi nghĩ rằng trong năm 2022 sẽ có nhiều điểm sáng. Thời gian qua khi hoạt động kinh doanh trở lại, nhiều phân khúc đã thu hút khách hàng, theo đó các đối tượng mua nhà an cư cũng như đầu tư đều quan tâm nhiều đến BĐS.
Mặc dù thời gian qua có nhiều khó khăn, nhưng tự thân mỗi doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị, chiến lược phát triển của riêng mình để phục hồi đầu tư kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường cần có các doanh nghiệp thực sự đủ mạnh để đầu tư các dự án lớn, thí dụ khu đô thị hoàn chỉnh đầy đủ tiện ích tạo điểm nhấn để thu hút cư dân đến ở, như vậy sẽ có sự bứt phá trên thị trường.
Trong năm 2022, nếu Chính phủ tiếp tục có các gói hỗ trợ doanh nghiệp hay người mua nhà như hỗ trợ lãi vay, hay thủ tục đầu tư dự án được cải tiến đơn giản hơn, chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến sự phục hồi của thị trường BĐS.
Việc đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2022 cũng sẽ là yếu tố quan trọng góp phần tạo ra sự sôi động của thị trường BĐS trong thời gian sắp tới. Nhà đầu tư nước ngoài luôn hướng sự phát triển của thị trường BĐS trong trung và dài hạn. Vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào các khu vực và dự án BĐS tiềm năng, đặc biệt là các khu đô thị vệ tinh có hạ tầng kết nối giao thông thuận tiện.
TS. SỬ NGỌC KHƯƠNG, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam:
BĐS vẫn có sức hút nhà đầu tư
Tâm lý của nhà đầu tư vẫn lạc quan vào thị trường BĐS năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong nhiều năm qua ở mức 6-7%, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến lý tưởng để đầu tư so với các nước trong khu vực, đặc biệt là mảng đầu tư vào thị trường BĐS.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, với dân số 100 triệu người là cơ hội rất tốt cho họ nhìn thấy được nhu cầu nhà ở đối với thị trường BĐS Việt Nam. Như vậy, dù gặp khó khăn về vấn đề pháp lý, về quỹ đất nhưng đây vẫn là cơ hội cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới nhìn nhận Việt Nam như điểm nóng về thị trường BĐS.
Theo tôi, trong năm 2022-2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam, cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn, nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn.
Do vậy đầu tư chứng khoán và BĐS nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong 2022-2023. Tuy nhiên thị trường sẽ khó xảy ra cơn sốt BĐS diện rộng như đầu năm 2022 và tâm lý của thị trường sẽ tốt hơn so với năm 2021.
Nhiều nhà đầu tư sẽ tranh thủ xuống tiền để đón chu kỳ tăng trưởng mới của BĐS. Nhìn chung, tâm lý thị trường BĐS đầu năm Nhâm Dần sẽ lạc quan hơn. Cùng với đó, thông tin về BĐS ngày càng được công khai, minh bạch hơn.
Nhà đầu tư cũng dễ dàng hơn để kiểm tra, đối chiếu thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau. Các hội, nhóm đầu tư BĐS trên mạng xã hội giúp các nhà đầu tư hỗ trợ nhau rất tốt trong việc tìm kiếm, xác minh các thông tin liên quan.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng ngày càng "dày dạn", nhiều kinh nghiệm và tỉnh táo hơn trên thị trường. Quá trình đầu tư đã giúp họ có thêm các kỹ năng phân tích thông tin, bình tĩnh hơn trước tin tức về quy hoạch hạ tầng như cầu cảng, đường sá hay khu đô thị.
Bà DƯƠNG THÙY DUNG, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam:
Thị trường đã có “kháng thể”
Thời gian qua, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%, giá bán căn hộ sơ cấp tại TPHCM tăng 17%. Cụ thể, tại Hà Nội giá bán biệt thự đã tăng 13%, nhà phố tăng 4%, nhà phố thương mại tăng 3%. Trong khi đó, tại TPHCM, biệt thự tăng 3%, nhà phố tăng 17%, nhà phố thương mại tăng 6%.
Xu hướng tăng giá này vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Đặc biệt, thị trường BĐS đã tạo ra nhiều kháng thể, bằng cách tự thích ứng linh hoạt với xu thế bình thường mới, thông qua chuyển đổi số, thay đổi chiến thuật kinh doanh với các kênh bán hàng online, để đáp ứng nhu cầu người mua nhà.
Trong năm 2022, xu hướng giá BĐS có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung eo hẹp. Phần lớn do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để, trong khi lực cầu đang được duy trì và có chiều hướng tăng mạnh hơn.