Thị trường bất động sản TPHCM: Kỳ vọng “ánh sáng cuối đường hầm”

(ĐTTCO) - Đó là nhận định của ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Group tại Diễn Đàn Bất động sản 2022  với chủ đề: “ Nguồn cung thị trường bất động sản TPHCM- Những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ” do Thời Báo Tài Chính Việt Nam tổ chức vào chiều 28-10.

Quang cảnh Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn
 Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 100 chuyên gia, luật sư và cộng đồng doanh nghiệp…
Theo số liệu thống kê của DKRA Group, quý I-2022, sau khi trạng thái bình thường mới được thiết lập, thị trường chung có sự hồi phục đáng ghi nhận với nguồn cung mới và lượng tiêu thụ gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, ở phân khúc đất nền tại một số huyện vùng ven với thông tin quy hoạch lên quận, thành phố đã ghi nhận giá chào bán tăng phổ biến từ 10% - 18% so với thời điểm cuối năm 2011, thanh khoản thị trường ở mức thấp.
Tuy nhiên, từ giữa quý II-2022 đến nay, hàng loạt thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý thị trường chung… Theo các chuyên gia, các nút thắt pháp lý hiện nay phần lớn đến từ sự thiếu nhất quán, quy định chồng chéo giữa các bộ luật hiện hành (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,…) gây khó khăn cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian xin cấp phép. Do đó, việc tháo gỡ các nút thắt này là một việc làm dài hơi với tầm nhìn từ 2 - 5 năm tới và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành.
Trên thực tế cũng đã có những bước tiến đáng ghi nhận như: Nghị quyết 18-NQ/TW tiếp tục củng cố hành lang pháp lý, quy định việc kiểm soát, quản lý hiệu quả trong việc sử dụng đất; Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ của Bộ Tài nguyên và Môi Trường về việc hướng dẫn cấp sổ cho loại hình condotel, officetel; Dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi, rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục cấp phép dự án nhà ở xã hội xuống còn 153 ngày.
Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2023, bên cạnh những “mảng tối” còn tồn tại, thị trường vẫn sẽ có những điểm sáng phải đề cập đến như: Gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng, trong đó hơn 114.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng, tạo điều kiện nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai (cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4, tuyến Metro số 1,…).
Ngoài ra, động thái tăng cường thanh tra các dự án, chủ đầu tư gần đây sẽ giúp “thanh lọc”, làm gia tăng tính minh bạch của thị trường, từ đó thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đổ vào thị trường bất động sản. Nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp dự kiến sẽ tăng với sự tham gia đầu tư của nhiều chủ đầu tư lớn, có tên tuổi trên thị trường.

Các tin khác