Thị trường bông vải cân bằng vụ 2022-2023

(ĐTTCO) - Bông vải (cotton) đã trải qua 2 năm tăng giá liên tiếp, khi nền kinh tế thế giới phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ sau tác động của đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 25-5, giá cotton kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US giao dịch quanh mức 145,8 cent/pound, tương ứng tăng 160% so với mức giá thấp nhất 56 cent/pound thiết lập hồi đầu tháng 4. 

Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong sản lượng sản xuất cotton đã không theo kịp tốc độ gia tăng trong nhu cầu tiêu thụ, bởi ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến những quốc gia sản xuất và xuất khẩu cotton chính như Mỹ, Ấn Độ, Brazil. Song song đó, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân tại Mỹ và Brazil do tác động của giá phân bón là yếu tố cộng hưởng. Nông dân chuyển sang trồng các loại cây như đậu nành, ngô… để có thu nhập cao hơn.

Cơ cấu cung cầu mùa vụ 2021-2022
Theo báo cáo phát hành hồi đầu tháng 5 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng cotton thế giới sản xuất mùa vụ 2021-2022 ước tính chỉ đạt 25,79 triệu tấn. Con số này tuy có sự tăng trưởng 6,3% so với sản lượng của mùa vụ trước đó, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ mặc dù chỉ tăng 1,1% lên mức 26,77 triệu tấn, nhưng vẫn cao hơn 3,8% so với sản lượng sản xuất.
Về cơ cấu nguồn cung, Trung Quốc là quốc gia trồng và khai thác cotton lớn nhất với 5,9 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 23% thế giới. Tuy nhiên, sản lượng của Trung Quốc chỉ đủ đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ nội địa do dân số đông. Tiếp theo là Ấn Độ, Mỹ, Brazil với tổng sản lượng 12,2 triệu tấn, chiếm gần 48% tổng lượng sản xuất cotton của thế giới.
Thị trường bông vải cân bằng vụ 2022-2023 ảnh 1
Sản lượng của Ấn Độ chỉ vừa đủ cung cấp nhu cầu sử dụng trong nước, do đó lượng xuất khẩu của thế giới phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ Mỹ và Brazil. Tổng lượng xuất khẩu của Mỹ và Brazil trong mùa vụ 2021-2022 ước tính đạt 5,3 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 52% thế giới. Ngoài ra, Australia cũng có vai trò quan trọng trong xuất khẩu cotton với tỷ trọng 12%.
Về nhu cầu tiêu thụ mùa vụ 2021-2022, hiện tại Trung Quốc là quốc gia đứng đầu với nhu cầu 8,38 triệu tấn, chiếm 31% lượng tiêu thụ của thế giới. Do đó, ước tính quốc gia này cần nhập khẩu 2,3 triệu tấn, tương đương 22% quy mô thị trường nhập khẩu. Các vị trí tiếp theo về nhu cầu nhập khẩu cotton là Bangladesh với 1,92 triệu tấn và Việt Nam với 1,63 triệu tấn.
Thị trường bông vải cân bằng vụ 2022-2023 ảnh 2
Do cán cân cung-cầu thiếu hụt 2 mùa vụ liên tiếp 2020-2021 và 2021-2022, nên giá cotton duy trì xu hướng tăng ấn tượng kể từ tháng 4 đến nay. Giá cotton có đặc điểm tương quan nghịch với tỷ lệ tồn kho cuối kỳ trên nhu cầu tiêu thụ, với mức độ tương quan correlation = - 0,8. Theo đó, tỷ lệ tồn kho cuối kỳ trên nhu cầu tiêu thụ bắt đầu giảm mạnh sau khi đạt đỉnh ở mức 94,5% trong mùa vụ 2019-2020, ước tính tỷ lệ này chỉ đạt 68% trong mùa vụ hiện tại. Điều này giải thích trực tiếp cho xu hướng tăng giá duy trì liên tục của cotton trong 2 năm qua.

Triển vọng mùa vụ 2022–2023
Trong báo cáo mới nhất từ USDA, sản lượng cotton của thế giới mùa vụ tiếp theo 2022-2023 dự báo đạt 26,36 triệu tấn, tương ứng tăng 2,2% so với mùa vụ hiện tại (kết thúc vào tháng 7). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ có sự suy giảm nhẹ 0,8% khi dự báo chỉ đạt 26,6 triệu tấn. Như vậy, cán cân cung-cầu thị trường cotton có nhiều khả năng sẽ cân bằng trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, tỷ lệ tồn kho cuối kỳ trên tiêu thụ vẫn duy trì ở mức thấp khoảng 68%, tương đương với mùa vụ hiện tại.
Thị trường bông vải cân bằng vụ 2022-2023 ảnh 3 Mô tả ảnh
Về cơ cấu cung-cầu, sự gia tăng sản lượng của Trung Quốc và Ấn Độ là nguyên nhân đóng góp chính giúp cán cân trở nên cân bằng. Theo đó, sản lượng của Ấn Độ dự báo tăng mạnh 7,9%, đạt 5,99 triệu tấn cotton, tương đương với sản lượng của Trung Quốc. Như vậy tỷ trọng của 2 quốc gia này cùng chiếm tỷ lệ 23,2% thế giới, theo dự báo của USDA. Trong khi đó, sản lượng cotton của Mỹ trong mùa vụ 2022-2023 được dự báo thấp hơn mùa vụ trước, do tình hình hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra ở khu vực Tây Nam. Sản lượng cotton của Brazil được dự báo không thay đổi so với con số của mùa vụ hiện tại.
Về mặt định tính, các yếu tố hỗ trợ cotton tăng giá gồm có tỷ lệ tồn kho cuối kỳ vẫn tiếp tục ở mức thấp; nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc cho giai đoạn sau khi phong tỏa bởi làn sóng Omicron; tăng trưởng GDP của thế giới vẫn được dự báo con số dương 3,6% (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF). Bên cạnh đó, cũng có các yếu tố gây bất lợi lên giá cotton, như tỷ lệ tồn kho thấp hầu như đã phản ánh vào xu hướng tăng giá trong giai đoạn vừa qua; sự suy yếu trong tiêu dùng ở Mỹ và EU đã diễn ra do giá năng lượng cao và tăng trưởng GDP của Mỹ đã âm trong quý I; lập trường chắc chắn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về lộ trình tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát; động thái tham gia quá trình thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). 
Do đó, xu hướng giá cotton trong thời gian tới được tác động bởi các nguyên nhân trái chiều. Khả năng giảm giá nếu có cũng giới hạn ở mức 120 cent/pound đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US. Ở chiều ngược lại, giá cotton cũng khó tăng mạnh (do các nguyên nhân hầu như đã phản ánh vào mức giá hiện tại), trừ khi có các nguyên nhân biến chuyển ở hiện tượng thời tiết La Nina trở nên cực đoan hơn, hoặc các biến cố lớn như kiểu xung đột quân sự giữa Nga-Ukraine hiện nay. 

Các tin khác