Thị trường bột giặt: Lo ngại độc quyền nhóm

Thị trường bột giặt tăng trưởng liên tục và khá ổn định trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tồn tại tình trạng độc quyền nhóm ở mức cao, thị phần chủ yếu rơi vào tay 2 DN FDI, trong khi hơn 30 DN nội đang ngày càng mờ nhạt trên thị trường.

Thị trường bột giặt tăng trưởng liên tục và khá ổn định trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tồn tại tình trạng độc quyền nhóm ở mức cao, thị phần chủ yếu rơi vào tay 2 DN FDI, trong khi hơn 30 DN nội đang ngày càng mờ nhạt trên thị trường.

DN ngoại “thống trị”

Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), trong giai đoạn 2006-2011, thị trường bột giặt đã tăng trưởng mạnh khi doanh thu từ mức 3.800 tỷ đồng đã tăng lên 7.300 tỷ đồng. Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong giai đoạn 2012-2016 từ 7.500 tỷ đồng lên 8.600 tỷ đồng.

Trong năm 2012, dù kinh tế khủng hoảng, sức mua của nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm, nhưng thị trường bột giặt vẫn đạt mức tăng trưởng 10%.

Theo dự báo của các chuyên gia, với hơn 90 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đang gia tăng, nhu cầu tiêu thụ hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn khá ổn định, lĩnh vực sản xuất bột giặt vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng.

Tuy nhiên, hiện nay số ít DN ngoại đang thâu tóm thị trường, thu về lợi nhuận cao, trong khi phần đông DN nội lại hụt hơi trong cuộc đua giành thị phần.

Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế năm 2012 của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho thấy hiện nhiều lĩnh vực đang có sự tập trung thị trường lớn và có tới 7 lĩnh vực đang tồn tại độc quyền nhóm.

Nhãn hiệu Omo của Unilever chiếm tới hơn 65% thị phần. Ảnh: CAO THĂNG

Nhãn hiệu Omo của Unilever chiếm tới hơn 65% thị phần. Ảnh: CAO THĂNG

Trong đó, nhóm sản xuất bột giặt được đánh giá là lĩnh vực có mức độ độc quyền cao nhất và miếng bánh thị phần đang nằm trong tay 2 DN FDI là Unilever Việt Nam và Tập đoàn Procter & Gamble (P&G).

Trong giai đoạn 2008-2011, nhãn hiệu Omo của Unilever đã giữ vị trí thống lĩnh tại thị trường Việt Nam khi chiếm hơn 65% thị phần. Nhãn hiệu Tide của Tập đoàn P&G đứng thứ hai với khoảng 23% thị phần. Còn 12% thị phần được chia đều cho các nhãn hiệu nhập khẩu lẫn các thương hiệu nội như Daso, Mỹ Hảo, Lix, Vì Dân, Đức Giang…

Trong khi đó, các DN nội địa sản xuất bột giặt áp đảo về số lượng nhưng hoàn toàn lép vế về sức cạnh tranh. CTCP Bột giặt Lix (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) là 1 trong số 30 công ty trong nước có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu ngoại, nhưng từ năm 2000 DN này đã trở thành đơn vị gia công cho Unilever.

Tỷ lệ gia công thời điểm đó chiếm 70% sản lượng và cho đến năm 2011, dù đã tìm nhiều cách mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường sản phẩm mang thương hiệu riêng nhưng tỷ lệ gia công cho Unilever vẫn còn đạt mức 34%.

Trên thực tế, tại thị trường trong nước, độ nhận diện thương hiệu Lix còn rất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu đi các nước như Campuchia, Philippines, Nhật Bản. Trọng điểm thị trường nội địa của Lix hiện chỉ nằm ở khu vực Tây Nam bộ để đáp ứng phân khúc tiêu dùng trung bình.

Tuy nhiên, tại đây Lix cũng gặp sức ép không nhỏ từ các nhãn hiệu Omo, Tide. Trong khi đó, nước ta còn có hàng loạt thương hiệu khác như Daso, Vì Dân, Mỹ Hảo, Bay… nhưng lại chưa chiếm được 5% thị phần và đang ngày càng bị thu hẹp trên thị trường nội địa. 

Cần cơ chế chống độc quyền

Theo báo cáo đánh giá cạnh tranh, hiện các lĩnh vực sản xuất này vẫn chưa thấy xuất hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, độc quyền thị trường. Song, từ sau khi giành được hầu hết thị phần tại Việt Nam, Unilever và P&G đã thu hẹp hoạt động sản xuất, thuê các công ty nhỏ hoặc nhà máy trong nước gia công sản phẩm.

Giảm bớt được áp lực sản xuất, các công ty FDI này đã tập trung vào xây dựng, phát triển thương hiệu, hệ thống phân phối đến từng ngóc ngách nhỏ của thị trường.

Để có thể tồn tại, nhiều DN nội đã chấp nhận làm gia công. Khi gia công, ban đầu các công ty này nhận được nhiều đơn hàng với giá hấp dẫn và ít quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu riêng, nhưng đến thời điểm khó khăn, sức tiêu thụ giảm đối tác lại giảm đơn hàng.

Lúc đó, nhiều DN muốn quay lại giành giật thị trường đã không kịp. Các chuyên gia nhận định, hiện nay trên thị trường, các sản phẩm của Unilever và P&G đang dẫn dắt và quyết định nhu cầu mua sắm của thị trường.

Muốn thu hút người tiêu dùng, sản phẩm nội buộc phải đưa ra giá thấp hơn nhiều. So sánh trên thị trường, hiện giá sản phẩm bột giặt nội như Mỹ Hảo, Bay, Net, Lix, Đức Giang, Vì Dân… rẻ hơn 30-40% so với bột giặt Omo, Viso, Tide.

Trong khi đó, 50% nguyên liệu sản xuất bột giặt lại phụ thuộc vào nhập khẩu, giá cả thường xuyên biến động khiến các nhà sản xuất nội gặp không ít khó khăn. Việc điều chỉnh giá bán vừa không bù đắp được chi phí lại còn khiến người tiêu dùng mất lòng tin, doanh số sụt giảm.

Trong khi đó, ở thế ngược lại, Unilever và P&G với dòng vốn mạnh nên tự chủ về việc nhập nguyên phụ liệu, trong những thời điểm DN nội khó khăn, các công ty này lại tung ra nhiều dòng sản phẩm hướng đến phân khúc bình dân với giá rẻ để thâm nhập sâu thị trường nông thôn.

Nhìn nhận về các lĩnh vực đang có một số ít DN nắm giữ phần lớn thị phần, bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh), cho rằng nếu tiếp diễn tình trạng này sẽ dễ dẫn tới nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, như lạm dụng vị trí thống lĩnh hay các thỏa thuận để hạn chế cạnh tranh nhằm thao túng thị trường, lũng đoạn giá cả, gây thiệt hại cho các DN nội và người tiêu dùng.

Thực tế, biểu hiện độc quyền nhóm đối với lĩnh vực bột giặt tồn tại nhiều năm nay đã và đang gây bất lợi cho nhiều DN trong nước. Vì vậy, cần phải tiến hành điều tra thực tế để xóa bỏ tình trạng độc quyền, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp DN Việt Nam có cơ hội phát triển tại thị trường nội địa.

Các tin khác