Thị trường ca cao thiếu hụt nguồn cung

(ĐTTCO) - Ca cao là nguyên liệu chính để sản xuất sô cô la. Bên cạnh đó, hạt ca cao còn được biết đến với nhiều chất dinh dưỡng và các công dụng ích lợi cho sức khỏe. Nó bắt đầu được sử dụng ở châu Âu vào thế kỷ 16 và sau đó được xem như loại thuốc với khả năng tăng cường sức khỏe. 

Ngày nay, ca cao được giao dịch mua bán trên thị trường tương lai với mức độ thanh khoản rất cao, lên đến gần 1 triệu tấn mỗi ngày trên sàn ICEUS và ICEEUR. 
Tính đến ngày 13-4, giá hợp đồng ca cao kỳ hạn tháng 5 trên sàn ICEUS giao dịch quanh mức 2.575USD/tấn, hầu như không thay đổi so với mức giá mở cửa hồi đầu năm. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, thị trường cũng có  đợt tăng giá khoảng 10,2%, giá ca cao kỳ hạn tháng 5 đạt đỉnh ở mức 2.838USD/tấn vào ngày 10-2. Sau đó, thị trường giảm giá dần và đi ngang kể từ đầu tháng 3.

Cơ cấu cung - cầu thị trường
Ca cao được trồng và thu hoạch chủ yếu ở khu vực châu Phi với sản lượng chiếm tới 77,4% thế giới. Khu vực châu Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 17,8%, còn lại 4,8% thuộc về châu Á và châu Đại Dương. Về quốc gia, Bờ Biển Ngà và Ghana là 2 nước có sản lượng thu hoạch lớn nhất, với tỷ trọng lần lượt 43% và 20% thế giới. Do đó, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai thường quan tâm đến năng lực sản xuất theo mùa vụ ở 2 quốc gia này để quyết định mua bán.
Thị trường ca cao thiếu hụt nguồn cung ảnh 1
Về thị trường tiêu thụ, mặc dù ca cao không được trồng ở châu Âu, nhưng khu vực này lại là nơi tiêu thụ ca cao nhiều nhất, với nhu cầu nghiền hạt 1,76 triệu tấn hàng năm, chiếm tỷ lệ 35,4% thế giới. Trong đó, Hà Lan tiêu thụ nhiều nhất với nhu cầu nghiền khoảng 610.000 tấn hạt ca cao mỗi năm, chiếm tỷ trọng 12%.
Tuy nhiên, với dân số chỉ khoảng 17 triệu người, nhu cầu nghiền hạt ca cao của các nhà máy ở đây còn phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu. Do đó, dù không hề trồng ca cao, nhưng Hà Lan là nước đứng thứ 4 thế giới năm 2020 về giá trị xuất khẩu các mặt hàng có liên quan tới ca cao. Đứng thứ 3 thế giới về giá trị xuất khẩu là Bỉ.
Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Ca cao Thế giới, mùa vụ 2021-2022 (bắt đầu từ tháng 10-2021) nguồn cung sẽ thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ. Theo đó, sản lượng thu hoạch dự báo khoảng 4,96 triệu tấn, tương ứng giảm 5,2% so với mùa vụ 2020-2021. Về nhu cầu tiêu thụ, dự báo sẽ tăng lên mức 5,09 triệu tấn, tương ứng tăng 2,6% so với mùa vụ trước.
Thị trường ca cao thiếu hụt nguồn cung ảnh 2
Nguyên nhân sản lượng sụt giảm chủ yếu do thu hẹp sản xuất tại Bờ Biển Ngà và Ghana. Sản lượng thu hoạch của Bờ Biển Ngà mùa vụ hiện tại dự kiến chỉ đạt 2,2 triệu tấn, tương đương giảm 2,1% so với vụ trước. Còn sản lượng của Ghana giảm mạnh tới 21,5%, dự kiến chỉ đạt 822.000 tấn từ mức 1,05 triệu tấn của vụ trước.
Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Ca cao Ghana (Cocobod), sản lượng lũy kế từ đầu mùa vụ của Ghana (từ ngày 1-10-2021 đến 3-2-2022) chỉ đạt 408.000 tấn, giảm tới 42% so với cùng giai đoạn của mùa vụ trước.

Các rủi ro ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch và tiêu thụ
Tổ chức Ca cao Thế giới cho biết, hiện nay hầu hết cây ca cao ở các nước sản xuất chính đều đã già cỗi, các chất dinh dưỡng trong đất của nhiều trang trại ca cao gần cạn kiệt. Do đó, nhu cầu phân bón là bắt buộc để phát triển quy mô cây trồng và duy trì năng suất. Tuy nhiên giá các loại phân bón tăng liên tục gấp 3-4 lần kể từ đầu năm 2020 đến nay, đã tác động tới chi phí đầu tư cho mùa vụ ca cao. Giá cước vận tải cũng tăng cao càng làm tăng thêm chi phí nhập khẩu phân bón. 
Thị trường ca cao thiếu hụt nguồn cung ảnh 3
Trong khi đó, Bờ Biển Ngà và Ghana lại có tỷ trọng nhập khẩu phân bón lớn từ Nga và Belarus. Các lệnh trừng phạt đối với Nga làm tăng khó khăn đối với việc đáp ứng nhu cầu phân bón như cấm mua hàng hóa từ Nga, cản trở đối với việc thanh toán các khoản tiền do có mua bán thương mại với Nga, cấm tàu Nga đi vào lãnh thổ hoặc đi ngang qua lãnh hải một số quốc gia. Vì vậy, các trạng trại trồng ca cao đang đau đầu với bài toán chi phí phân bón tăng cao, thậm chí không mua được phân bón. Tổ chức Ca cao Thế giới cho biết, điều này sẽ ảnh hưởng rất rõ ràng tới năng suất và sản lượng thu hoạch của mùa vụ.
Về nhu cầu tiêu thụ, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng có mức độ ảnh hưởng nhất định tới nhu cầu tiêu thụ của 2 quốc gia này. Theo số liệu mùa vụ 2020-2021, các nhà máy tại Nga nghiền 165.000 tấn hạt ca cao, và Ukraine nghiền 40.000 tấn, tổng nhu cầu tương đương 4,1% thế giới. Nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ trong phần còn lại của mùa vụ 2021-2022. Tuy nhiên, có thể thấy mức độ ảnh hưởng tới nhu cầu sẽ không nhiều bằng việc sản lượng thu hoạch bị thu hẹp. Do đó, giá ca cao được hỗ trợ xu hướng tăng từ yếu tố cơ bản của mùa vụ hiện tại. 

Các tin khác