Lạm phát đang bị “thổi phồng”
Một câu hỏi lớn đối với NĐT suốt gần 3 tháng nay, liệu thị trường đã chạm đáy và VN Index đã dừng ở mức 1.150 điểm? Bởi có tới 3 lần chỉ số va chạm vào ngưỡng điểm số này và đều chưa thủng lần nào. Tuy nhiên, nếu như thị trường thật sự tạo mô hình kỹ thuật 3 đáy, tại sao NĐT lại không tự tin mua vào với biểu hiện là thanh khoản sụt giảm mạnh?
Thực ra đằng sau mỗi quyết định “xuống tiền” của NĐT luôn là vô vàn các lý do, căn cứ để tạo sự tin tưởng. Và khi không chắc chắn, sự nghi ngờ còn lớn, giao dịch sẽ chậm chạp và chỉ “dám” sử dụng những món tiền nhỏ. Vì thế thanh khoản thấp giai đoạn hiện tại thể hiện sự thiếu tự tin, ngay cả khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II-2022 đã bắt đầu.
Lý do dễ thấy là có nhiều yếu tố vẫn còn bất định ảnh hưởng đến tâm lý chung mang tính thời điểm. Bởi lẽ dù thị trường trong nước đang “phẳng lặng” về thông tin, các số liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm đã được công bố hết, nhưng còn đó các rủi ro ngoại biên, mà cụ thể là biến động của TTCK Mỹ nói riêng và TTCK thế giới nói chung. Nửa sau tháng 7 câu chuyện lớn nhất là Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất ở tốc độ nào, và điều này lại phụ thuộc vào số liệu lạm phát tháng 6.
Diễn biến chỉ số Bloomberg Commodity Index báo hiệu sức ép lạm phát từ giá hàng hóa nói chung
(bao gồm cả giá dầu) sẽ giảm trong tháng 7-2022. Nguồn Investing.com
(bao gồm cả giá dầu) sẽ giảm trong tháng 7-2022. Nguồn Investing.com
Cuối tuần qua, số liệu lạm phát tháng 6 của Mỹ đã gây bất ngờ lớn khi tăng kỷ lục tới 9,1%, trong khi trước đó dù dự đoán lạm phát sẽ tăng mạnh, giới chuyên gia cũng chỉ ước đoán con số 8,8%. Lạm phát cơ bản (không bao gồm lương thực và nhiên liệu) trong tháng 6 cũng tăng 5,9%, vượt mức dự đoán là 5,7%. Đây chính là điều mà thị trường lo ngại rằng lạm phát có thể tăng nhanh hơn dự báo và Fed có thể tăng lãi suất mạnh tay hơn nữa.
Việc Fed tăng lãi suất nhanh dĩ nhiên có ảnh hưởng tới mọi thị trường tài chính, trong đó có cả Việt Nam. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng dường như đang bị thổi phồng với sự sợ hãi gia tăng, làm lung lay các phán đoán về khả năng kiềm chế lạm phát trong nước. Giá xăng dầu tăng mạnh vẫn đang là sức ép chính làm gia tăng lạm phát trên toàn thế giới, nhưng mỗi quốc gia có một cơ chế khác nhau để giảm áp lực này.
Chẳng hạn Việt Nam ngày 6-7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 11-7 đến hết năm. Điều này dẫn tới đợt giảm giá xăng dầu cực mạnh ngay sau đó. Các quốc gia khác như Mỹ cũng tính tới giải pháp tương tự.
Một điểm cũng cần lưu ý là số liệu vĩ mô, chẳng hạn lạm phát, luôn là các số liệu chậm. Diễn biến giá năng lượng từ đầu tháng 7 tới nay đã có thay đổi đáng kể so với tháng 6. Cụ thể, giá dầu Brent sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 6 đã điều chỉnh giảm gần 20% xuống dưới mức 100USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng đã rơi xuống khoảng 96USD/thùng.
Chỉ số Bloomberg Commodity Index (chỉ số hàng hóa của Bloomberg) - một chỉ số tổng hợp theo dõi giá các hợp đồng tương lai của 23 loại hàng hóa cơ bản trên toàn thế giới, cũng đang giảm rất mạnh. Chỉ số này đạt đỉnh giữa tháng 6 ở khoảng 137,5 điểm giảm xuống còn dưới 113 điểm thời điểm cuối tuần qua, tương đương giảm gần 18%. Xu hướng giảm giá các loại hàng hóa sẽ làm dịu lạm phát trong tháng 7.
Giai đoạn thị trường dành cho NĐT chuyên nghiệp
Như vậy khả năng kiềm chế lạm phát trong nước đang có nhiều yếu tố thuận lợi bên ngoài, khi giá xăng dầu lẫn giá hàng hóa cơ bản quốc tế đang hạ nhiệt. Trong nước, sức ép lớn nhất từ giá xăng dầu đã được kiềm chế bằng chính sách giảm thuế. Nếu giá xăng dầu quốc tế tiếp tục giảm, giá xăng dầu trong nước sẽ xuống mức thấp hơn nữa, tạo điều kiện giảm chi phí cho các hoạt động logistics, sản xuất hàng hóa.
Việc VN Index đang luẩn quẩn quanh vùng đáy cũ giữa bức màn thông tin lộn xộn, đang tạo tâm lý lo lắng rất có thể đang đánh lừa tâm trí của NĐT. Việc đánh giá thị trường thông qua chỉ số lúc này là kém chính xác, vì sự lệch lạc trong cơ cấu chỉ số này chịu tác động lớn từ các cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn.
Lấy thí dụ từ 29-6 đến 13-7, VN Index giảm khoảng 44 điểm, thì hơn một nửa (25 điểm) thuộc về 5 CP là GAS, VCB, MSN, VHM và VIC. Liệu các CP này có đại diện cho thị trường, dù có tính đại diện cao trong VN Index? Trả lời được câu hỏi đó NĐT sẽ đủ tự tin để quyết định ở thời điểm hiện tại.
Một điểm đáng lưu ý là dù VN Index lình xình “mệt nhoài” quanh đáy và hầu như không tăng được, thì rất nhiều CP đã tăng mạnh. Cụ thể, kể từ lần thứ 2 chạm đáy 1.150 điểm ngày 21 đến 22-6 vừa qua đến nay, VN Index không tăng được điểm nào, nhưng 17 phiên giao dịch đó ghi nhận tới 150 CP thành phần của chỉ số tăng từ 5% trở lên. Thậm chí, có tới gần 80 CP tăng 17% trong 17 phiên, tức là trung bình khoảng 1% mỗi ngày.
Điều này dẫn đến một câu hỏi rất thiết thực, là liệu chỉ số VN Index có đang “đánh lừa” NĐT hay không, hay chính NĐT đang tự chọn để bị “lừa”? Nếu chọn đúng CP - mà số lượng không phải là nhỏ - thì NĐT không cần phải quan tâm tới chuyện VN Index lình xình như thế nào, phá đáy hay tạo đáy.
Điều khó duy nhất là để chọn đúng CP, NĐT phải tự thân vận động, tự nghiên cứu, phân tích, không thể có chuyện nghe phím hàng, hô hào trên các diễn đàn, nhóm chat. Đây là giai đoạn thị trường giành cho những NĐT chuyên nghiệp và chăm chỉ.
Việc VN Index đang luẩn quẩn quanh vùng đáy cũ giữa bức màn thông tin lộn xộn, đang tạo tâm lý lo lắng rất có thể đang đánh lừa tâm trí của NĐT, hay chính NĐT đang tự chọn để bị “lừa”? |