Thị trường cotton kỳ vọng tạo đáy

(ĐTTCO) - Kể từ khi giá các loại hàng hóa nguyên liệu lần lượt tạo đỉnh và đi xuống trong năm nay với nỗi lo sợ suy thoái kinh tế, có thể nói giá cotton (bông vải) là mặt hàng dẫn đầu xu hướng giảm giá trong giai đoạn vừa qua, mức giảm giá lên tới 55%, cao hơn cả mức giảm 54,7% của giá quặng sắt (vốn dẫn đầu mức giảm giá của thị trường kim loại). 

Tính đến ngày 2-11, giá hợp đồng cotton No.2 kỳ hạn tháng 12 giao dịch quanh mức 78 cent/pound, sau khi tạo đáy vào ngày cuối cùng của tháng 10.

Đánh giá sai về nhu cầu
Tại thời điểm tháng 5, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng như thị trường đã đánh giá sai về nhu cầu tiêu thụ của mùa vụ 2022-2023. Cụ thể, USDA đưa ra con số dự báo nhu cầu ở mức 26,56 triệu tấn, cao hơn so với sản lượng mùa vụ là 26,36 triệu tấn. Tuy nhiên, tới tháng 10, cán cân cung - cầu đã chuyển sang dư thừa, khi nhu cầu tiêu thụ cotton ước tính chỉ ở mức 25,17 triệu tấn, giảm 1,4 triệu tấn so với dự báo lúc đầu, tương đương giảm 5,2%. Nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các quốc gia tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam…
Triển vọng không chắc chắn về sức tiêu thụ của người tiêu dùng, đã dẫn tới sự thận trọng việc mua nguyên liệu cotton ở khu vực hạ nguồn. Các nhà máy kéo sợi đối diện với sức ép gọng kìm, khi lợi nhuận bị xói mòn do tỷ lệ đơn đặt hàng sợi bông suy yếu. Đây là nguồn cơn bởi số lượng đơn đặt hàng của các thương hiệu thời trang và các nhà bán lẻ giảm đáng kể. Trong khi đó, các nhà máy kéo sợi lại phải mua cotton với giá rất cao vào thời điểm đầu năm nay – khi đó cotton đang miệt mài chuỗi ngày tăng giá liên tục kể từ khi kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch Covid-19 vào tháng 3-2020.
Thị trường cotton kỳ vọng tạo đáy ảnh 1
Cuối cùng, hiệu ứng nghịch đảo đã xảy ra với giá cotton do nguy cơ vỡ nợ đối với các nhà máy kéo sợi, dẫn tới nhu cầu mua cotton giảm. Theo ghi nhận của Cotlook, một số nhà máy sợi đã phải hoạt động với công suất thấp hơn bình thường, và một số nhà máy đã tạm dừng hoạt động hoàn toàn. Sau một thời kỳ đạt lợi nhuận rất tốt, các nhà máy ở nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế cực kỳ thách thức khiến có khả năng phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ.

Thời tiết không thể “cứu giá”
Nếu như không có yếu tố sản lượng mùa vụ giảm do vấn đề thời tiết xấu, có lẽ mức giảm giá của cotton còn lớn hơn nữa. Số liệu dự báo mới nhất trong tháng 10 của USDA cho thấy, sản lượng cotton thế giới mùa vụ 2022-2023 được điều chỉnh giảm xuống còn 25,7 triệu tấn, giảm khoảng 2,5% so với dự báo hồi tháng 5. Sản lượng dự báo được điều chỉnh giảm dần trong mỗi tháng báo cáo vừa qua, và nguyên nhân được thúc đẩy bởi thời tiết xấu ở các quốc gia xuất khẩu chủ chốt như Mỹ, Brazil, Úc, Ấn Độ, Pakistan … Sản lượng ở Mỹ chỉ đạt 3 triệu tấn cotton, thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây do nhiệt độ cao và hạn hán tại bang Texas (nơi chiếm 40% diện tích trồng bông vải ở Mỹ).
Thị trường cotton kỳ vọng tạo đáy ảnh 2
Mặc dù sản lượng dự báo giảm cùng với nhu cầu tiêu thụ, nhưng dự kiến mùa vụ 2022-2023 dư thừa khoảng 534.000 tấn cotton. Điều này làm cho tỷ lệ tồn kho cuối vụ trên nhu cầu tiêu thụ tăng lên mức 76%, cao hơn nhiều so với mức tỷ lệ 72,6% của mùa vụ 2021-2022. Có thể mức độ dư thừa 534.000 tấn là không lớn, nhưng lưu ý rằng, nguyên nhân mấu chốt khiến cho giá cotton giảm nhanh chỉ trong vòng 5 tháng qua, đó là sự thay đổi lớn ở việc ước tính tỷ lệ tồn kho trên nhu cầu tiêu thụ của mùa vụ 2022-2023, khi mà tại thời điểm tháng 5, tỷ lệ này được dự báo ở mức 67,9%.

Triển vọng giá 
USDA dự báo trung bình giá cotton mùa vụ 2022-2023 tại trang trại ở Mỹ sẽ khoảng 90 cent/pound. Trong khi đó, tính tới ngày 3-11-2022, giá cotton trên sàn ICEUS đang giao dịch quanh mức 79 cent/pound, sau khi đã từng rớt xuống mức đáy thấp nhất là 70,1 cent/pound vào ngày 31-10. Có thể thấy nỗi lo về suy thoái kinh tế cùng với tỷ lệ tồn kho cao so với nhu cầu tiêu thụ, đã làm cho giá giao dịch trên sàn có những thời điểm thấp hơn tới 20% so với giá tại trang trại ở Mỹ. Điều này tạo ra cơ hội mua cho các nhà giao dịch cotton nhằm tìm kiếm cơ hội đón đầu cho một sự phục hồi của giá.
Sau khi tạo đáy ở mức 70,1 cent/pound, giá cotton trên sàn đã tăng trở lại gần 80 cent/pound, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với mức giá trung bình tại trang trại. Do đó, vẫn còn cơ hội để giá tăng tiếp tục trong thời gian tới. Đó là kỳ vọng cho sự tăng giá trong trung hạn 6 tháng tới.
Nhưng trong ngắn hạn, giá cotton vẫn còn chịu áp lực do mối lo ngại chung của thị trường tài chính và thị trường hàng hóa đối với lộ trình tăng lãi suất của Fed trước mắt. Trong đợt tăng lãi suất mới nhất ngày 3-11, chủ tịch Fed cho biết các khả năng đều có thể xảy ra vào cuộc họp tiếp theo vào giữa tháng 12, theo đó tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại nếu như số liệu cho thấy bằng chứng rằng có thể kiểm soát được lạm phát. Nhưng vẫn không loại trừ tốc độ tăng lãi suất có thể tăng nhanh hơn nữa với bước tăng 1% cho mỗi lần họp.
Bên cạnh áp lực từ triển vọng chung của kinh tế toàn cầu, các nhà giao dịch cotton cần quan sát thêm cả tín hiệu chính sách từ phía Trung Quốc, sau khi quốc gia này phủ nhận tin đồn về việc mở cửa trở lại đối với nền kinh tế kể từ tháng 3. Diễn biến của kinh tế Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với việc xoay chuyển tình thế trong triển vọng nhu cầu của thị trường cotton, bởi nhu cầu nhập khẩu của nước này chiếm hơn 22% thị trường nhập khẩu cotton toàn cầu. 

Các tin khác