Thị trường đậu nành chờ Trung Quốc tăng tốc

(ĐTTCO) - Kể từ giữa tháng 6 đến nay, giá đậu nành thế giới nằm trong xu hướng giảm, do tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp đồng thời của 2 yếu tố cơ bản: nguồn cung tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ không chắc chắn. 

Tính đến ngày 19-10, giá đậu nành kỳ hạn giao tháng 1-2023 trên sàn CBOT giao dịch quanh mức 1.385 cent/giạ, tương ứng giảm 12,8%. Trong cùng khoảng thời gian, giá đậu nành No.1 trên sàn Đại Liên cũng giao dịch ở mức thấp hơn khoảng 4% so với thời điểm giữa tháng 6.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vẫn cho thấy nguồn cung thặng dư gây áp lực lên giá đậu nành, trong khi cơ cấu nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch từ nguồn cung Mỹ sang nguồn cung của Brazil, do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc trước đó.

Nhu cầu tiêu thụ và mùa vụ tại Mỹ và Brazil
Đầu tháng 10, USDA tiếp tục cắt giảm dự báo sản lượng đậu nành niên vụ 2022-2023 của Mỹ xuống còn 117,4 triệu tấn, giảm khoảng 1,8 triệu tấn so với con số dự báo đưa ra hồi tháng 9. Như vậy, so với con số dự báo 126,3 triệu tấn từ hồi đầu mùa vụ này (tháng 5), sản lượng của Mỹ đã điều chỉnh giảm tới 8,9 triệu tấn, tương đương giảm 7%.
Theo đó, thay vì sản lượng của Mỹ mùa vụ 2022-2023 tăng 4,8 triệu tấn so với mức 121,53 triệu tấn của mùa vụ 2021-2022 như dự báo ban đầu, nay dự kiến giảm khoảng 4,1 triệu tấn so với mùa vụ trước. Nguyên nhân sản lượng tại Mỹ giảm do năng suất cây trồng giảm còn 49,8 giạ/mẫu Anh so với 50,5 giạ/mẫu được dự báo trước đó.
Thị trường đậu nành chờ Trung Quốc tăng tốc ảnh 1
Ở chiều hướng ngược lại, mùa vụ đậu nành tại khu vực Nam Mỹ được dự báo tiếp tục mở rộng sản lượng so với dự kiến ban đầu. Báo cáo của USDA cho thấy Brazil dự kiến đạt 152 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với con số dự báo hồi tháng 5, và tăng mạnh 25 triệu tấn so với mùa vụ trước, tương ứng tăng 19,7%.
Sản lượng của Argentina được giữ nguyên so với dự báo từ đầu mùa vụ. Dù sản lượng tại Nam Mỹ tiếp tục mở rộng hơn so với dự báo trước đó, về tổng thể nguồn cung từ sản lượng mùa vụ toàn cầu vẫn giảm khoảng 4,4 triệu tấn so với thời điểm được dự báo cao nhất là 395,4 triệu tấn.
Trong khi kỳ vọng tăng trưởng sản lượng được điều chỉnh giảm, nhu cầu tiêu thụ đậu nành toàn cầu lại được điều chỉnh tăng kỳ vọng lên mức 380,2 triệu tấn, tương ứng tăng 2,8 triệu tấn. Tiêu thụ được điều chỉnh tăng do kỳ vọng vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn sau khi chứng kiến Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP âm trong 2 quý liên tiếp, cùng việc Trung Quốc phong tỏa phần lớn nền kinh tế với chính sách Zero Covid.
Thị trường đậu nành chờ Trung Quốc tăng tốc ảnh 2
Mặc dù vậy, tổng thể mùa vụ hiện tại vẫn dự kiến thặng dư khoảng 10,8 triệu tấn. Ngoài ra, tồn kho cũng được đánh giá lại theo hướng gia tăng, với mức tồn kho đầu mùa vụ được điều chỉnh tăng thêm 7,14 triệu tấn, ở mức 92,4 triệu tấn.

Đậu nành còn cơ hội tăng giá?
Báo cáo của FarmdocDaily giữa tháng 10 cho rằng, điểm mấu chốt để đậu nành có cơ hội tăng giá trong những tháng tới hay không, sẽ đến từ 2 yếu tố: Brazil và Trung Quốc. Tính đến hiện tại, sản lượng của Mỹ trong mùa vụ năm nay đã gần như định hình xong. Yếu tố xoay chuyển đối với nguồn cung chính là ở khu vực Nam Mỹ.
Do thời gian sản xuất ở khu vực này kéo dài hơn ở Mỹ và có nhiều vụ thu hoạch hơn, nên sản lượng của Brazil và Argentina thường có sự chuyển biến trái ngược so với dự báo ban đầu. Tháng 10 thường là thời điểm diễn ra bước ngoặt đối với nguồn cung tại khu vực Nam Mỹ. Trong khi đó, về phía nhu cầu Trung Quốc chiếm tới 59,2% thị trường nhập khẩu đậu nành thế giới. Nên việc quốc gia này có động thái gì sau Đại hội Đảng lần thứ 20 sẽ là yếu tố xoay chuyển đối với nhu cầu tiêu thụ. Bởi mối tương quan giữa GDP của quốc gia này và nhu cầu nhập khẩu đậu nành có hệ số correlation = 0,88.
Một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ kích thích kinh tế mạnh tay sau kỳ Đại hội Đảng, sau khi các sự kiện khó khăn liên tiếp diễn ra trong giai đoạn vừa qua. Cuối năm 2021, Trung Quốc chứng kiến sự vỡ nợ của tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 trong nước là EverGrande, làm suy yếu thị trường bất động sản và xây dựng.
Nối tiếp, dịch Covid bùng phát và chính phủ triển khai biện pháp phong tỏa mạnh tay trong quý II kéo dài sang nửa đầu quý III-2022 đã làm gián đoạn nền kinh tế, dẫn tới nhu cầu giảmrõ rệt. Cộng hưởng thêm vào tác động tiêu cực do biện pháp phong tỏa hành chính, dòng vốn nước ngoài cũng rút ra khỏi Trung Quốc do đánh giá triển vọng không tốt gây ra bởi các vấn đề ở trên. Và cơ sở cho việc nhận định về khả năng kích thích kinh tế của Trung Quốc chính là ở dư địa khả năng thực hiện của chính sách tiền tệ.
Không như những gì đang diễn ra ở Mỹ và EU hiện tại với mức lạm phát gần đạt ngưỡng 2 con số, khiến cho Fed và ECB phải gấp rút tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Trung Quốc chỉ chứng kiến mức lạm phát 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Động lực để nước này kích thích mạnh tay còn đến từ việc tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 5,3%, nằm trong vùng cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình những năm từ 2002 đến nay.
Thị trường chứng khoán của nước này cũng đang ở mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, đã rất gần chạm mức đáy lịch sử của tháng 10-2008. Với 2 động lực quan trọng để tiến hành chính sách tiền tệ kích thích, và dư địa khá thoải mái để thực hiện do lạm phát trong tầm kiểm soát, giá đậu nành vẫn có cơ hội để tăng giá trong thời gian 6 tháng còn lại của mùa vụ 2022-2023. Vấn đề chỉ còn là thời gian. 

Các tin khác