Thị trường lên, áp lực quỹ nội càng lớn

(ĐTTCO) - Tính đến thời điểm cuối năm 2017, giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên mỗi chứng chỉ quỹ (CCQ) của Quỹ đầu tư CP Năng động Bảo Việt (BVFED) đạt 16.142 đồng, tăng 47,5% so với cách đó 1 năm. 
Với kết quả này, BVFED trở thành quỹ mở CP có kết quả hoạt động tốt nhất thị trường, nhưng vượt trên hết là niềm tin mà các quỹ nội tạo ra cho thị trường là rất tích cực.
Các quỹ ngày càng  chuyên nghiệp hơn
Giai đoạn 2015-2016, ghi nhận việc một loạt các quỹ trong nước, nhất là các quỹ mở, hướng đến đối tượng khách hàng phổ thông, những người có nhu cầu đầu tư, nhưng chưa thực sự am hiểu về tài chính. Suất sinh lời kỳ vọng mà các quỹ nội hướng đến thường cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng, và có cơ hội gia tăng thêm khi thị trường thuận lợi.
Cách làm này đã và đang thay đổi diện mạo các công ty quản lý quỹ (CTQLQ), giống như một nhà cung cấp dịch vụ tài chính theo kiểu bán lẻ, gần gũi, thân thiện hơn. Có những CTQLQ như VFM, VCBF… còn lập Facebook để chuyển tải nội dung đến khách hàng thường xuyên. Bước đầu, cách làm này đã tạo được sự quan tâm của NĐT đại chúng, và khả năng mua CCQ cũng trở nên cao hơn.
Mặt khác, trong cơ cấu sản phẩm, các quỹ cũng triển khai việc đầu tư định kỳ, NĐT giải ngân hàng tháng, hoặc hàng quý để hưởng lãi sau một khoảng thời gian dài, có nét tương tự như gửi tiết kiệm. Nhưng trên hết, năm 2017 quá thuận lợi của TTCK, đã thực sự đem đến những thay đổi mang tính bước ngoặt cho các quỹ nội. 
 Quản lý quỹ cũng giống như một ngành không được phép sai lầm bởi lẽ sai lầm, có thể xóa sạch những nỗ lực trong thời gian dài. Mặt khác, khi thị trường thuận lợi, tức là phần lớn danh mục tăng giá, bù đắp cho một vài khoản đầu tư sai lầm thì không mấy ai chú ý. Nhưng đến khi thách thức diễn ra, những khoản đầu tư thiếu hiệu quả, rất dễ bị đem ra mổ xẻ và những nhà quản lý quỹ sẽ phải chịu áp lực. 
Từ chỗ chỉ có quy mô 50-100 tỷ đồng vào thời điểm cách nay 4-5 năm trước, còn hiện tại đã có những quỹ nội quy mô đạt mốc ngàn tỷ, tính ra cũng lên đến khoảng 50 triệu USD, có thể cạnh tranh sòng phẳng với một số quỹ ngoại khác.
Lý do cũng đơn giản, khi thị trường thuận lợi, suất sinh lời gia tăng trong ngắn hạn rất rõ ràng, đã thu hút NĐT bỏ tiền vào quỹ mà không cần quá nhiều đắn đo, tất nhiên quỹ càng có nhiều tiền, trong một trend (xu hướng) lên của thị trường, thì khả năng giải ngân hiệu quả là rất cao. 
Ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách HĐQT HOSE nhận định: “Đã đến lúc, NĐT không thể xem việc đầu tư chứng khoán như “làm thêm”, tức là vừa ngồi trong văn phòng làm việc của mình, vừa liếc nhìn bảng điện tử hay theo dõi biểu đồ chứng khoán.
Để đảm bảo hiệu quả, NĐT phải dành toàn bộ thời gian hoặc phải sử dụng dịch vụ của các đơn vị chuyên nghiệp”. Nhận định này cũng chỉ ra rằng, ngay đến NĐT cá nhân có chút kinh nghiệm cũng sẽ gặp thách thức khi tham gia TTCK, và tất nhiên cũng sẽ gia tăng thêm nhu cầu bỏ vốn vào quỹ.  
Thị trường lên, áp lực quỹ nội càng lớn ảnh 1
Áp lực sinh lãi không nhỏ
Giai đoạn quý IV-2017, có tính thách thức và phân hóa rất lớn giữa quỹ và NĐT cá nhân. Mặc dù xét cả năm thị trường tăng 40%, nhưng từ quý IV-2017 đến nay có thể khiến NĐT cá nhân đầu tư theo cảm tính bế tắc, bởi khi dòng tiền bắt đầu tập trung vào một số nhóm CP mang tính dẫn dắt và thăng hoa như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, hàng không… mà với họ không thể nắm được “sóng” các CP này.
Trong khi đó, dòng CP mid cap và penny mà nhiều NĐT kỳ vọng sẽ nổi sóng như nhiều năm trước vẫn gần như bất động, thậm chí còn giảm giá. Nghĩa là 3 quý đầu năm 2017, NĐT cá nhân có thể lãi rất lớn, nhưng hoàn toàn có thể mất lãi, hoặc bị sụt giảm phần nào đó trong quý IV-2017. Và đây cũng chính là cơ hội cho các quỹ nội địa, bởi nắm bắt “sóng” thị trường chuyên nghiệp hơn, nếu tối đa hóa hoặc bảo toàn lợi nhuận cho khách hàng của mình.
Lấy đơn cử từ mức giá dưới 3.0, HVN (Vietnam Airlines) tăng trong nghi ngờ lên 4.0 rồi 5.0 trước khi bùng nổ lên 6.0 rồi 7.0. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư quan trọng, giúp cho NAV của BVFED tăng vượt bậc trong năm 2017. Thực tế khi HVN có giá dưới 3.0 và chưa có sóng, cũng chỉ các tổ chức với kinh nghiệm, tầm nhìn mới đủ sức giải ngân và chờ đợi, khi đó HVN biến động thấp, thanh khoản cũng chưa cao, chưa có dấu hiệu nổi sóng.
Dù vậy, thành tích mà các quỹ nội đạt được cũng chỉ tạo ra thành quả nhất định, rồi sau đó là một loạt những thách thức đón nhận. Điều dễ thấy là TTCK những tháng đầu năm 2018 có quá nhiều biến động, và tất nhiên áp lực sinh lãi, bảo toàn lợi nhuận cho các quỹ cũng lớn theo.
Dòng tiền đổ vào các quỹ nhiều hơn, áp lực tất nhiên cũng lớn hơn. Khi thị trường thuận lợi, NAV tăng, tất cả NĐT đều vui vẻ, nhưng những người điều hành quỹ có khi chưa kịp vui vì phải đi tìm cơ hội đầu tư mới để duy trì tăng trưởng. Nhưng khi thị trường khó khăn, NAV chững lại, cũng rất  dễ bị chỉ trích.
Một điều dễ thấy là suất sinh lời lên đến gấp rưỡi (gần 50%), cũng có thể khiến một số quỹ chịu áp lực. Thông thường, cơ sở để so sánh hiệu quả của quỹ thường được lấy với tăng trưởng của thị trường, tức là chỉ cần cao hơn thị trường một khoảng nào đó được xem là tốt. Tuy nhiên, không loại trừ các NĐT mua CCQ cũng sẽ lấy tỷ lệ tăng trưởng của năm 2017 để làm cơ sở so sánh, thì rõ ràng sẽ có nhiều quỹ phải chịu áp lực. 
Có lẽ nếu năm 2018 này, các quỹ nội tiếp tục làm tốt như 2017, đảm bảo một suất sinh lời tích cực nhất trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động,  NĐT sẽ thực sự tin tưởng vào việc bỏ tiền vào quỹ mà không phải lăn tăn quá nhiều. Ở đây không chỉ có những NĐT đại chúng, mà ngay cả những NĐT có thâm niên tham gia TTCK cũng sẽ xem xét việc phân bổ vốn vào quỹ một cách nghiêm túc. 

Các tin khác