Thị trường ô tô toàn cầu lạc quan nhưng triển vọng không đồng đều

(ĐTTCO) - Các chuyên gia trong ngành cho rằng thị trường ô tô sẽ khởi sắc trở lại trong năm 2023 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024.
Thị trường ô tô toàn cầu lạc quan nhưng triển vọng không đồng đều

Sự tăng trưởng trong thời gian tới dựa trên các yếu tố chính: khối lượng xe sản xuất ổn định hơn, nhu cầu bị trì hoãn còn tồn đọng trước đó và động lực tích cực từ kinh tế Trung Quốc.

Hồi phục không đồng đều

Doanh số bán xe của Trung Quốc đạt khoảng 23,6 triệu chiếc trong năm 2022, tăng khoảng 10% so với 2021, chiếm tỷ trọng 36% thị trường tiêu thụ xe toàn cầu. Mức tăng trưởng ấn tượng này được hỗ trợ bởi các ưu đãi thuế của chính phủ trong thời gian phong tỏa nghiêm ngặt do Covid-19.

Ngược lại, số lượng xe bán được ở Mỹ chỉ đạt khoảng 13,7 triệu chiếc, giảm khoảng 8% so với 2021, bất chấp nền kinh tế Mỹ vẫn ghi nhận tăng trưởng GDP 2,1% trong 2022.

Tại thị trường châu Âu (thị phần 14% toàn cầu), doanh số bán xe tại Đức (chiếm 28,2% thị trường) đạt 2,65 triệu chiếc, chỉ tăng nhẹ 1% so với năm 2021. Theo VDA (Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức), mức tăng trưởng này đạt được nhờ tăng mạnh vào cuối năm do một số ưu đãi thuế xe điện sắp hết hạn hoặc giảm ưu đãi.

Với châu Á, Ấn Độ có lượng bán xe ghi nhận tăng trong năm thứ 2 liên tiếp với nhu cầu mạnh mẽ. Doanh số bán xe của Ấn Độ năm 2022 đạt 3,78 triệu chiếc, tăng 23% so với 2021. Tại Nhật Bản (thị trường lớn thứ 3 toàn cầu), doanh số bán ô tô chỉ đạt 4,2 triệu chiếc, giảm 5% so với năm ngoái.

Kỳ vọng tăng trưởng đồng đều

Nhu cầu tiêu thụ xe của Trung Quốc sẽ được hỗ trợ tốt nhờ vào việc nền kinh tế nước này dỡ bỏ hoàn toàn zero Covid. Đây là thị trường có động lực tăng trưởng vững nhất nhờ vào triển vọng kinh tế chung, được dự báo đồng thuận bởi các tổ chức đều ở mức tăng GDP trên 4,5% trong năm nay.

Trong khi đó, dư địa tăng trưởng của ngành ô tô nói riêng tại Trung Quốc còn rất lớn nếu tính trên tiềm năng quy mô dân số. Hiện tại số lượng xe ô tô sở hữu ở Trung Quốc chỉ khoảng 221 chiếc trên mỗi 1.000 người, đứng thứ 92 toàn cầu.

Ở 2 thị trường lớn tiếp theo là Mỹ và châu Âu được kỳ vọng tăng trưởng nhờ số lượng đơn đặt hàng và nhu cầu bị trì hoãn tích lũy. Nguyên nhân do vấn đề giao hàng bị trễ trong năm 2022 gây ra bởi cuộc khủng hoảng chip bán dẫn.

Khi khối lượng sản xuất được cải thiện với các nút thắt cổ chai cung cấp chất bán dẫn cuối cùng được giải tỏa, sẽ giúp thời gian giao hàng được cải thiện, từ đó tăng doanh số bán xe. Ở phương diện vĩ mô, ngành ô tô ở Mỹ và châu Âu cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng tăng trưởng GDP dương, nhờ vào việc cơn sốt giá năng lượng đã hạ nhiệt.

Đầu năm 2022, số lượng xe điện toàn cầu có quy mô ước tính 16 triệu chiếc (chỉ chiếm hơn 1% tổng số xe hiện có toàn cầu). Tới cuối năm 2022, hơn 10 triệu xe điện mới đã được đăng ký.

Xu hướng mạnh mẽ đối với xe điện mới này được dự báo tiếp tục vào năm 2023. Các quốc gia và hầu hết thương hiệu ô tô lớn đã cam kết loại bỏ dần các loại xe động cơ đốt trong (ICE) trong doanh số bán hàng mới. Đối với các nhà sản xuất ô tô, quá trình chuyển đổi và tốc độ đang là thách thức lớn, bao gồm việc tái cấu trúc tổ chức, đại tu danh mục sản phẩm và lựa chọn địa điểm sản xuất.

Tuy nhiên, làn sóng chuyển đổi đang diễn ra với sự hào hứng, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng số lượng xe điện. Trong đó, Toyota là thương hiệu lớn duy nhất còn lại duy trì sự tập trung bền vững vào nhiều loại xe - thay vì chỉ tập trung dồn lực vào xe điện, dù hãng cũng đang tìm cách bắt kịp trào lưu.

Rủi ro vẫn còn

Trong 2 năm qua, sự phục hồi ban đầu sau khi chứng kiến sự sụt giảm mạnh do Covid-19, đã bị chậm lại và sau đó bị gián đoạn bởi nhiều trở ngại logistics khác nhau, trong đó đặc biệt do cuộc khủng hoảng chip bán dẫn.

Các yếu tố đè nặng đó đã làm sự phục hồi của ngành ô tô diễn ra chậm chạp. Doanh số bán xe năm 2022 chỉ đạt khoảng 66,1 triệu chiếc, dù cao hơn mức 63,8 triệu chiếc của năm 2020 (xảy ra đại dịch), nhưng thấp hơn mức 66,7 triệu chiếc của năm 2021.

Lượng bán xe của năm 2022 vẫn còn cách rất xa con số 74,9 triệu chiếc của năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch). Ngoài ra, con số của năm 2022 thậm chí vẫn thấp hơn mức trung bình 71,1 triệu chiếc của giai đoạn 2010-2018.

Do đó, dư địa để ngành ô tô tăng trưởng trong những năm tới còn rất lớn do cơ sở để so sánh là năm 2022 vẫn đang ở mức rất thấp. Các tổ chức nghiên cứu đều nhận định, mức tăng trưởng của ngành ô tô toàn cầu trong 2 năm 2023 và 2024 khoảng 4-6% mỗi năm.

Bên cạnh các kỳ vọng tích cực, yếu tố rủi ro có lẽ ở con số dự báo nhu cầu tiêu thụ. Bởi lẽ, mức tiêu thụ xe ô tô có chu kỳ khác với nền kinh tế chung, do đây là tài sản có chi phí sở hữu cao.

Tăng trưởng GDP dương vẫn có lực hỗ trợ nhất định đối với các nhu cầu mới trong việc mua xe, nhưng mức lạm phát cao hiện tại là trở ngại của các hộ gia đình khi chi phí sinh hoạt đang là gánh nặng.

Vì vậy, nhu cầu bán xe cũ cũng có khả năng tăng và duy trì ở mức cao. Điều này dự kiến ảnh hưởng tới nhu cầu đặt mua xe mới của nền kinh tế.

Ngoài ra, các yếu tố bất ổn không lường trước như: khủng hoảng nợ công của Mỹ đang tiềm ẩn nguy cơ diễn ra trong năm nay, khi nợ công hiện đã chạm trần; căng thẳng địa chính trị có thể bất ngờ gia tăng nếu xung đột Nga - Ukraine chưa được giải quyết… vẫn có thể làm xuất hiện các cơn gió ngược làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ô tô toàn cầu.

Các tin khác