Thị trường tài chính tiêu dùng vẫn hút vốn ngoại

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn và sự suy giảm tổng cầu làm kinh doanh thua lỗ, nhiều đơn vị muốn rút khỏi thị trường, thì các ngân hàng nước ngoài lại đang tìm cách tiến vào và gấp rút bành trướng thị phần.

SHB đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại SHBFinance cho NH TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan.
SHB đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại SHBFinance cho NH TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan.

Nhiều gương mặt mới

Sau 18 năm hoạt động tại Việt Nam, mới đây Cathay United Bank (CUB) đến từ Đài Loan, thông báo định vị lại hoạt động kinh doanh mang tính chiến lược. Cụ thể, ngoài cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN có vốn đầu tư Đài Loan, CUB sẽ mở rộng dịch vụ cung cấp giải pháp tài chính cho khách hàng cá nhân tại Việt Nam.

Ông Benny Miao, Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của CUB, đánh giá Việt Nam có lợi thế là thị trường có dân số trẻ, hơn 100 triệu người, độ tuổi trung bình 30 và ngày càng quen thuộc với việc sử dụng các công cụ thanh toán số.

Vì vậy, trong 3 năm tiếp theo, CUB sẽ mở rộng việc phát triển kinh doanh ở lĩnh vực tài chính tiêu dùng kỹ thuật số.

Trước đó, năm 2023, 2 NH lớn nhất Thái Lan là Kasikornbank và SCB X, có mặt trong danh sách nhà thầu cuối cùng tham gia đấu giá để mua lại hoạt động kinh doanh của CTTC Home Credit Việt Nam.

Thỏa thuận định giá tài sản của Home Credit Việt Nam được tiết lộ khoảng 700 triệu USD. SHB cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại SHBFinance cho NH TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. 2 bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký. Tổng giá trị thương vụ được ước tính 3.600 tỷ đồng.

Còn SeABank ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTTC TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service, thành viên của Tập đoàn AEON, với giá chuyển nhượng 4.300 tỷ đồng. NH UOB cũng đã mua lại mảng NH tiêu dùng của Citigroup tại 4 thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Thị trường tài chính tiêu dùng rất cần khung khổ pháp lý để hoạt động lành mạnh, tránh việc người vay "vung tay quá trán", rơi vào bẫy nợ.

Với giá trị mỗi giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhóm ngành dịch vụ tài chính cũng được kéo lên top đầu hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) năm 2023, tạo điểm sáng mới cho sự tăng trưởng của thị trường M&A.

Những sự kiện này cũng thổi luồng gió tươi mới cho thị trường, khi gần đây thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam lâm vào khó khăn, những gương mặt cũ bắt đầu lộ vẻ mỏi mệt, lợi nhuận có xu hướng tuột dốc, sản phẩm cũ kỹ và cũng chưa thấy những hướng đột phá mới.

Cơ hội bùng nổ?

Từ diễn biến trên có thể nói, mảng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chưa bao giờ hết sức hấp dẫn, nhưng còn tùy khẩu vị của nhà đầu tư. Chẳng hạn, Citigroup (Mỹ) đã rút lui khỏi 4 thị trường Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhưng với UOB đây lại là cơ hội.

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam, cho biết Citigroup chào bán mảng kinh doanh này tại 4 thị trường Đông Nam Á là cơ hội lớn, đúng lúc và giúp UOB đẩy nhanh mục tiêu phát triển của NH lên sớm 5 năm.

Phía Cathay United Bank cũng thông tin, Việt Nam là một trong những thị trường được ưu tiên phát triển hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, và sẽ sớm giới thiệu các sản phẩm kỹ thuật số đến khách hàng cá nhân vào năm 2024.

Trong thương vụ mua lại SHB Finance, Krungsri cũng đặt kỳ vọng sẽ củng cố thương hiệu, hiệu quả hoạt động và thúc đẩy vị thế của CTTC trở thành công ty hàng đầu trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam… Home Credit đang tìm cách thoái vốn tại Việt Nam như một phần của nỗ lực để điều chỉnh hoạt động kinh doanh, khi chủ sở hữu là Tập đoàn PPF đang chuyển tập trung đầu tư trở lại vào châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều đại gia tài chính có tiếng lại đang muốn nhảy vào. Đó là những minh chứng cho thấy tiềm năng của lĩnh vực này.

Cũng trong làn sóng thay đổi này, các NH nội cho thấy chiến lược mới, khi dần buông tay các CTTC mà họ đã từng một thời tranh nhau sở hữu. Bởi lẽ, việc sở hữu các CTTC khiến hoạt động cho vay tiêu dùng có xu hướng chồng chéo nhau.

Không chỉ vậy, các CTTC đình đám từng một thời là gà đẻ trứng vàng cho các NH nay lại là gánh nặng khi nợ xấu đầm đìa, khách hàng đua nhau bùng nợ và tăng trưởng cho vay tiêu dùng của nhóm này cũng ì ạch, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của NH mẹ. Trong khi đó, bán vốn tại CTTC, các nhà băng thu về khoản tiền lớn để tăng năng lực tài chính, tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi và xóa bỏ những mảng chồng chéo.

Thời gian qua, thị trường tài chính tiêu dùng có vẻ trầm lắng do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, song các thương vụ M&A kể trên cũng góp phần giảm bớt gam màu tối đối với lĩnh vực này.

Năm 2024, thị trường được kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc vì theo các chuyên gia, 3 yếu tố là tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất khẩu tiếp tục là 3 động lực chính cho tăng trưởng. Trong đó, tiêu dùng nội địa đang được khuyến khích đẩy mạnh thông qua nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, bao gồm giải pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng.

Hơn nữa, dư nợ vay tiêu dùng của Việt Nam mới chiếm khoảng 27,17% GDP, trong khi tỷ lệ trung bình tại Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia… từ 60-70% GDP cho thấy tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Hiện tại, cánh cửa pháp lý thúc đẩy hoạt động này đang mở ra cho các thành viên trên thị trường.

Cuối năm 2023, NHNN đã có văn bản về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Ngay sau đó, các nhà băng nội tung ra hàng loạt gói tín dụng phục vụ tiêu dùng với lãi suất ưu đãi.

Trong khi đó, những tên tuổi đến từ nước ngoài đang định hướng tiếp cận khách hàng nhanh, khi áp dụng kỹ thuật số để phát triển cho vay tiêu dùng. Kỳ vọng từ những cạnh tranh này, thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tăng trưởng cao hơn, nhu cầu vay được đáp ứng tốt hơn.

Có thể nói, mảng tài chính tiêu dùng đang là mảnh đất màu mỡ cho các NH trong và ngoài nước đều muốn khai thác, cũng như cơ quan quản lý khuyến khích phát triển hình thức này để đẩy lùi tín dụng đen.

Thế nhưng, đến nay Việt Nam vẫn còn thiếu các quy định nhằm bảo đảm hoạt động cho vay tiêu dùng ít rủi ro cho bên đi vay cũng như bên cho vay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, công bằng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Các tin khác