Thương mại toàn cầu về thực phẩm Halal hiện nay ước tính đạt 80 tỷ USD, chiếm khoảng 12% toàn bộ thương mại nông sản, thực phẩm toàn cầu. Điều này mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam.
Nhiều DN đang khai thác tốt
Theo quy định, để xuất khẩu được thực phẩm, nông sản đã qua chế biến vào các quốc gia Hồi giáo, DN sẽ phải tuân thủ quy định, quy trình sản xuất, chế biến nông sản - thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu của Halal và phải được cấp chứng nhận Halal.
Đáp ứng được các yêu cầu này, hiện nay, có một số DN Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Halal, như: Vinamilk, Nestlé Việt Nam, Thủy sản Minh Phú… Trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, công ty xuất khẩu các mặt hàng tôm vào thị trường Hồi giáo như tôm IQF, block tươi, cooked và các sản phẩm tôm có giá trị gia tăng cao như tẩm bột, Sushi, Tempura… với mỗi lần xuất lên đến 12 container. Thời điểm xuất nhiều có thể đạt 15 container/tháng (khoảng 300 tấn). Sản phẩm cho thị trường này trung bình chiếm 3%-5% cơ cấu xuất khẩu của công ty. Đại diện đơn vị này cũng cho biết, để xuất khẩu thành công vào thị trường Hồi giáo, Minh Phú phải đảm bảo các sản phẩm không có chứa protein từ thịt heo và thức ăn nuôi tôm cũng không có chứa protein từ thịt heo.
Bà Lê Thị Thanh Mai, Trưởng phòng Kinh doanh xuất khẩu, Công ty Nestlé Việt Nam, cho biết, thị trường thực phẩm Halal có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển. Nestlé Việt Nam đã xuất khẩu thành công hàng ngàn tấn sản phẩm phục vụ người tiêu dùng ở các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Với tổng dân số ước tính khoảng 400 triệu người, trong đó phần lớn là người Hồi giáo, đây là một trong những nhóm thị trường được Nestlé xem là tiềm năng và sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Công ty phục vụ người tiêu dùng ở thị trường các quốc gia nói trên một số dòng sản phẩm như nước sốt (dầu hào) và nước chấm Maggi; thức uống dinh dưỡng lúa mạch dạng bột Milo; cà phê hòa tan dạng bột Nescafé và các dòng sản phẩm viên nén cà phê hòa tan Nescafé Dolce Gusto.
Cần đảm bảo tốt các tiêu chuẩn
Theo Bộ NN-PTNT, thị trường thực phẩm Halal được đánh giá rất tiềm năng với dân số khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới. Với khả năng sản xuất và chế biến thực phẩm của Việt Nam hiện nay, đây là một cơ hội lớn. Tiềm năng phát triển thị trường này của Việt Nam sẽ ngày càng rộng mở hơn khi các DN đảm bảo thực hiện tốt các tiêu chuẩn của Halal. Để đi được vào thị trường này, các DN cần có sự hiểu biết nhất định về văn hóa, phong tục, thị hiếu, tín ngưỡng của người Hồi giáo.
Để được chứng nhận sản phẩm Halal, trước hết nguyên liệu, phụ gia, hóa chất sản xuất sản phẩm đó phải được chứng minh bằng các chứng từ, hồ sơ tin cậy có ghi rõ thành phần nguyên liệu. Không sử dụng cồn dưới mọi hình thức để cho trực tiếp vào sản phẩm. Các nguyên liệu từ động vật bắt buộc phải có chứng nhận Halal của nguyên liệu đó. Đặc biệt, toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm Halal phải tách biệt với các sản phẩm không Halal. Đối với công ty có dây chuyền sản xuất sản phẩm có thịt heo trong khuôn viên nhà máy, phải bố trí tách biệt hoàn toàn với dây chuyền sản phẩm Halal và phải có người Hồi giáo (1 người/1 ca sản xuất) tham gia quản lý sản xuất các sản phẩm Halal.
Mặc dù thị trường thực phẩm Halal có những nguyên tắc như vậy, song theo Bộ Công thương, DN vẫn phải đẩy mạnh công tác tiếp thị, tìm hiểu thị trường; cập nhật nhanh những thay đổi, xu hướng tiêu dùng mới của người dân ở các thị trường này. Bà Lê Thị Thanh Mai chia sẻ thêm, mỗi thị trường nhập khẩu sẽ có một đơn vị cấp chứng nhận Halal khác nhau. Chẳng hạn thị trường Indonesia đòi hỏi chứng nhận Halal MUI mà DN có thể phải mất đến hàng tháng để chuẩn bị và được cơ quan có thẩm quyền của Indonesia đánh giá, thẩm định và cấp chứng nhận.